Chìa khóa 'mở cửa' thị trường nông sản EU
Với một thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm như EU, ứng dụng công nghệ 4.0 cho ngành nông nghiệp là giải pháp giúp nông sản Việt chắc chân ở thị trường này.
Máy bay không người lái mang lại hiệu quả lớn cho ngành nông nghiệp. |
Thị trường lớn, đòi hỏi cao
Trong khuôn khổ hợp tác của Chương trình Chuỗi giá trị lúa gạo giữa Công ty Bayer Việt Nam và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Công ty Bayer Việt Nam đã hỗ trợ Công ty Trung An ứng dụng hệ thống máy bay không người lái nhằm phun thuốc bảo vệ thực vật. Dự án được triển khai thí điểm cho nông dân thuộc hợp tác xã Trung An tại Hòn Đất, Kiên Giang trong hai năm, từ tháng 5/2019 đến tháng 4/2021 với diện tích 200 ha trên tổng diện tích 800 ha của hợp tác xã. Bước đầu, dự án đã giúp cải thiện năng lực canh tác và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa chất lượng cao. Đây là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng giúp hạt gạo đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu (XK) vào thị trường EU, vốn đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hóa.
Dự án hợp tác giữa Bayer Việt Nam và Công ty Trung An là một trong những dự án được phía EU tài trợ nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn XK hàng hóa sang thị trường EU nhằm tận dụng hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết vào tháng sáu vừa qua.
Theo các chuyên gia, EVFTA được ký kết được kỳ vọng sẽ tăng XK hàng Việt Nam nói chung và nông lâm thủy sản nói riêng vào thị trường EU. Tuy nhiên, nông sản của Việt Nam vào EU vẫn chưa được như kỳ vọng, bởi vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là về ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt như vệ sinh, chất lượng, sự đa dạng, cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững...
Ông Ywert Visser - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực rất tiềm năng mà Việt Nam và EU có thể hỗ trợ, hợp tác với nhau. Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế như công nghệ kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp. Mặt khác, người tiêu dùng châu Âu cũng rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam như chè, cà phê, ca cao, các loại gia vị… Đến thời điểm hiện tại, lượng nông sản XK từ Việt Nam sang EU vẫn còn thấp, tuy nhiên, sản lượng này cũng đang tăng lên, đặc biệt với kỳ vọng EVFTA sẽ được thực thi trong thời gian tới. Điều nhận thấy rất rõ là hợp tác giữa các doanh nghiệp EU và Việt Nam đã mang lại lợi ích cho hai phía.
Đồng ý kiến, bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ thêm, khi EVFTA được thực thi, cơ hội rất lớn mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam XK các mặt hàng nông sản vào thị trường EU, bởi hầu hết là thuế suất nhập khẩu vào EU bằng 0%.
Tuy nhiên, EU là một thị trường hàng đầu thế giới trong việc chống lại khai thác tài nguyên bất hợp pháp, khắt khe về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng cao. Là một thị trường có mức chi tiêu cao, song người tiêu dùng EU lại rất chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, uy tín thương hiệu của hàng hóa. Do vậy, nông sản Việt Nam muốn có chỗ đứng tốt, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn vừa nêu. Đây là vấn đề lớn đặt ra cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có giải pháp, bao gồm các giải pháp về công nghệ, các cơ chế chính sách phù hợp để đạt được.
Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp 4.0
Để tận dụng được những ưu đãi về thuế từ EVFTA, ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp quan trọng hàng đầu. Cùng với nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp Việt Nam, phía EU cũng đang có những động thái tích cực để hỗ trợ cho phía Việt Nam.
Bayer Việt Nam hỗ trợ chống dịch sâu keo mùa thu trên cây ngô. |
Là một trong những doanh nghiệp đã hoạt động tại Việt Nam và mang đến những giải pháp phát triển bền vững cho vùng trồng hàng loạt cây trồng tại Việt Nam như lúa gạo, ngô… ông Kohei Sakata, Giám đốc Chiến lược Kỹ thuật số Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhánh Khoa học Cây trồng Tập đoàn Bayer cho biết: “Các giải pháp kỹ thuật số tiên tiến của chúng tôi sẽ giúp cho nông dân thực hành canh tác an toàn và chất lượng cao một cách hiệu quả”.
Đơn cử, trong các giải pháp kỹ thuật số, thiết bị bay không người lái của Bayer có thể giúp nông dân sản xuất nhỏ canh tác an toàn và tiết kiệm. Thiết bị này giúp phun các sản phẩm bảo vệ cây trồng và điều đó giúp nông dân ít tiếp xúc với hóa chất, phun đúng vị trí và liều lượng, giúp tiết kiệm thuốc và hạn chế lạm dụng các sản phẩm hóa học. Ngoài ra, thiết bị bay không người lái cũng giúp nhà nông tiết kiệm nước. Hơn nữa, thiết bị còn là một giải pháp tuyệt vời giúp ứng phó với tình trạng thiếu lao động trong nông nghiệp. Hiện nay, ở nhiều nước, kể cả các nước đang phát triển, nguồn lao động đang khan hiếm, không đủ nhân lực để vận hành trang trại, thiết bị bay không người lái sẽ giúp cơ giới hóa nông nghiệp, giúp nông dân sản xuất hiệu quả cao và ít lao động hơn.
Một giải pháp khác của Bayer là ứng dụng công nghệ sinh học giúp hạt giống ngô tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, điển hình như chống lại dịch sâu keo mùa thu trên cây ngô. Bệnh dịch này hiện là mối đe dọa trên toàn thế giới bao gồm cả Việt Nam, đã làm giảm đáng kể năng suất ngô. Bayer cung cấp công nghệ sinh học giúp hạt giống ngô kháng tốt trước các cuộc tấn công của loài côn trùng này, và cùng với các giải pháp hóa học khác của công ty để bảo vệ cây trồng khỏi những dịch bệnh khác. Nhờ những công nghệ và giải pháp này của Bayer, nông dân không chỉ có thể bảo vệ được mùa màng mà còn cải thiện được sinh kế của họ.
Ngoài việc hợp tác với Bayer Việt Nam, EuroCham cũng đang nỗ lực kết nối các doanh nghiệp châu Âu với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Song song với việc chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA, EuroCham đã có nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, phổ biến thông tin giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội mà hiệp định này mang lại. Ngoài ra, kết nối các nhà đầu tư tiềm năng giữa Việt Nam với EU hoặc hỗ trợ doanh nghiệp EU khi mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản XK vào EU.