Chủ nhật, 24/11/2024 06:29 (GMT+7)
Thứ hai, 27/06/2022 14:53 (GMT+7)

Chung tay bảo vệ môi trường biển: Miệt mài bới cát, tìm rác

Theo dõi KTMT trên

Mùa hè năm nay, lượng du khách đến TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa) tăng đột biến. Có được sức hút mạnh mẽ như thế không thể không nhắc đến sự hy sinh thầm lặng của những công nhân môi trường ngày đêm bới cát, tìm rác.

Những ngày đầu tháng 6, TP.Sầm Sơn luôn chật cứng du khách du lịch. Ẩn trong hàng vạn du khách đang tận hưởng niềm vui, sự thoải mái từ những cơn gió biển, những làn nước mát, những khoảnh khắc đáng nhớ bên người thân và bạn bè… là những bóng áo màu xanh lá cây đang len lỏi giữa biển người để miệt mài bới cát, tìm rác.

Chung tay bảo vệ môi trường biển: Miệt mài bới cát, tìm rác - Ảnh 1

Những đường cào thể hiện sự sáng tạo trong lao động của công nhân môi trường Sầm Sơn

Khi bình minh chưa ló rạng, họ - những công nhân môi trường - đã có mặt tại bãi biển từ 3 giờ sáng để bắt đầu công việc thường ngày của mình. Dưới ánh trăng, pha lẫn ánh đèn điện từ đường Hồ Xuân Hương, từng tốp nhỏ công nhân được chia ra để tìm rác. Những chiếc cào tự chế như những đường bừa của người nông dân trải dài trên bãi cát để khai quật rác bị vùi lấp bởi thủy triều. Từng chiếc túi bóng, chai nhựa hay lon bia, thậm chí những mẫu thuốc còn sót lại của du khách ngồi hóng mát đêm hôm trước... được các công nhân nhanh chóng thu gom sạch sẽ để kịp giờ phục vụ du khách tắm sớm.

Chị Nguyễn Thị Tình, công nhân Công ty Môi trường Sầm Sơn trải lòng: “Chúng tôi bắt đầu làm từ 3 giờ sáng, nhưng có nhiều người phải thức dậy từ 2 giờ để kịp giờ làm. Bên cạnh rác tự phát thì rác từ biển dạt sóng vào chiếm một lượng không hề nhỏ. Có những ngày đỉnh điểm chúng tôi thu gom lên đến 50 xe rác đẩy tay mỗi ca”.

Chung tay bảo vệ môi trường biển: Miệt mài bới cát, tìm rác - Ảnh 2

Đủ các loại rác được công nhân thu gom sạch sẽ.

Với đặc thù công việc, ca sáng mùa hè của các công nhân môi trường nơi đây bắt đầu từ 3 giờ đến 9h30 khi hết du khách tắm buổi sáng. Ca chiều bắt đầu từ 14h đến 21h. Tuy nhiên sẽ tùy thuộc vào du khách nghỉ sớm hay muộn và lượng rác mà công nhân có thể nghỉ muộn hơn. “Có thể nói làm công nhân môi trường Sầm Sơn hết sức áp lực và vất vả, rất nhiều người đã đến rồi lại đi. Đặc thù công việc nên không quản nắng, mưa, sớm tối. Các bạn trẻ mà chọn nghề này chắc ế chồng mất”, một công nhân dí dỏm ví von.

2 giờ chiều, một trong những thời điểm nắng nóng của ngày hè xứ Thanh, họ lại chuẩn bị tư trang, khoác lên mình màu áo quen thuộc rồi ai vào việc nấy, người đẩy xe rác, người kéo bạt tự chế, người cầm cào bắt đầu một cuộc hành trình bới cát tìm rác. Nếu không có tình yêu với Sầm Sơn đủ lớn, chẳng mấy ai có thể gắn bó hơn 20 năm như chị Tình. Áp lực công việc, áp lực gia đình và áp lực xã hội đã nhiều lần khiến chị chùn bước. Độ tuổi chị, rất nhiều người chọn con đường đi làm công nhân để có thể dành thêm thời gian cho gia đình, cho con cái.

Chung tay bảo vệ môi trường biển: Miệt mài bới cát, tìm rác - Ảnh 3
Công việc tuy vất vả nhưng đáng tự hào.

Chị Tình tâm sự: “Người đàn bà nào chẳng mong mỗi tối được quây quầy bên chồng con hả chú, nhưng mùa hè, chị em chúng tôi đi làm khi gà còn chưa gáy, về đến nhà thì con cái đã ngủ cả rồi. Việc cơm nước nội trợ đành nhờ ông bà, và chồng con là chính. Biết là chưa làm tròn bổn phận của mình, nhưng số phận đã phân chia mỗi người mỗi việc, mỗi nhiệm vụ chú ạ. Chúng tôi chỉ mong du khách đến với Sầm Sơn ngày càng đông hơn và có nhiều hành động đẹp hơn nữa. Thay vì vứt rác lung tung, chúng ta hãy bỏ vào thùng hoặc để dồn một chỗ. Vì bảo vệ môi trường biển không phải trách nhiệm của riêng ai.”

Có tận mắt chứng kiến, mới thấy rõ sự vất vả, sự hi sinh, hết mình vì công việc của những công nhân môi trường trong những ngày này. Họ đúng là những chiến binh thầm lặng, đang từng ngày, từng giờ góp phần giữ gìn TP. Sầm Sơn nói chung và biển Sầm Sơn nói riêng thêm sạch đẹp, an toàn, để thỏa lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Hoàng Đức

Bạn đang đọc bài viết Chung tay bảo vệ môi trường biển: Miệt mài bới cát, tìm rác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới