Chủ nhật, 24/11/2024 10:32 (GMT+7)
Chủ nhật, 09/02/2020 15:15 (GMT+7)

Corona và sự liên quan giữa virus với biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Làm thế giới hoảng sợ khi lây lan nhanh chóng và giết chết nhiều người, nhưng chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) gây dịch bệnh hiện nay không khiến các nhà khoa học nghiên cứu bệnh truyền nhiễm ngạc nhiên. 2019-nCoV chỉ là một trong những mầm bệnh có khả năng gây thiệt hại sinh mạng.

Theo bài viết của nhà báo Justin Worland trên Tạp chí Time (Mỹ), tại thời điểm này, không có bằng chứng để nói biến đổi khí hậu đã khiến loại virus mới này “nhảy” từ động vật sang người, hoặc hiện tượng Trái Đất ấm lên đã giúp virus lây lan. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là biến đổi khí hậu có thể khiến dịch bệnh xảy ra nhiều hơn trong tương lai, đặc biệt là các bệnh do virus và các mầm bệnh khác.

Corona và sự liên quan giữa virus với biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Hình ảnh đầu tiên về 2019-nCoV do Trung tâm Dữ liệu Vi trùng học Quốc gia Trung Quốc công bố.

Các nhà khoa học từ nhiều chục năm nay đã biết rằng biến đổi khí hậu sẽ thay đổi cách thức lan truyền dịch bệnh. Khi Trái Đất ấm lên, các giả thiết này đang được kiểm nghiệm và giới khoa học hiểu các giả thiết theo thời gian thực.

Có nhiều mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh truyền nhiễm. Trong các mối liên hệ đó, có một lĩnh vực đặc biệt mới và gây quan ngại: nhiệt độ tăng dần khiến hệ miễn dịch tự nhiên của con người kém hiệu quả.

Cơ thể con người vốn là một cỗ máy chống dịch bệnh đáng ngạc nhiên. Nhiệt độ ấm áp của cơ thể tự nó có thể chặn đứng mọi sự xâm nhập không mong muốn. Khi một mầm bệnh vào cơ thể con người, ta thường sốt, nóng lên để chống chọi với bệnh. Cơn sốt kích thích hệ miễn dịch và sức nóng trong cơ thể tạo ra môi trường mà mầm bệnh khó sống sót.

Tuy nhiên, khi mầm bệnh tiếp xúc với nhiệt độ ngày càng ấm lên trong tự nhiên, chúng trở nên quen với tình trạng này và sống sót trong cơ thể người có nhiệt độ cao.

Ông Arturo Casadevall, Giáo sư vi trùng học và miễn dịch tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins, nói: “Mỗi lần chúng ta trải qua một ngày rất nóng, chúng ta có một sự kiện chọn lọc”. Mầm bệnh sống được và sinh sôi thì thích nghi tốt hơn với nhiệt độ cao hơn, kể cả mầm bệnh trong cơ thể. Khi đó, một trong những cơ chế bảo vệ cơ bản của cơ thể đã giảm hiệu quả.

Corona và sự liên quan giữa virus với biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Nấm Candida auris. (Ảnh: BBC)

Đây không phải lo ngại lý thuyết và xa xôi. Năm 2019, ông Casadevall và đồng nghiệp đã đăng bài nghiên cứu trên Tạp chí mBio về cách thức Candida auris (một loại nấm xâm nhập vào máu gây ra nhiều bệnh) xuất hiện đồng thời trong bệnh nhân ở ba nơi biệt lập khác nhau: Nam Á, Venezuela và Nam Phi từ năm 2012 tới 2015.

Trong thế giới toàn cầu hóa, dịch bệnh thường được người truyền đi khắp nơi khi họ lên máy bay tới nơi khác. Tuy nhiên, trong trường hợp nói trên, các nhà khoa học kết luận rằng điều kiện khí hậu biến đổi tương tự ở ba nơi trên đã khiến loại nấm trên phát triển cùng lúc. Khó mà nói hiệu ứng này có thể rộng tới đâu nhưng theo Giáo sư Casadevall, quá trình này sẽ không chỉ dừng lại ở nấm Candida auris.

Chủng mới virus Corona đang lây lan khác với Candida auris vì nhiều lý do nhưng vật chủ mang virus này – loài dơi – là một ví dụ thú vị cho thấy nhiệt đột liên quan tới sự lây truyền bệnh truyền nhiễm.

Giống con người, loài dơi là động vật có vú có thân nhiệt ấm để bảo vệ chúng khỏi bệnh dịch. Khi thân nhiệt của con người ở quanh mức 37 độ C và tăng vài độ khi ta ốm thì thân nhiệt của dơi thường nhảy vọt lên tới 40,5 độ C. Điều đó có nghĩa là dơi có thể mang theo một loạt mầm bệnh mà không bị ốm.

Trong tương lai gần, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, dơi sẽ tiếp tục được thân nhiệt bảo vệ, còn các mầm bệnh mà dơi mang theo có thể gây hại cho con người nhiều hơn.

Corona và sự liên quan giữa virus với biến đổi khí hậu - Ảnh 3
Dơi mang nhiều mầm bệnh. (Ảnh: NYTimes)

Trong nhiều chục năm qua, các nhà khoa học đã nhận ra rằng biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới một loạt hậu quả về sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo năm 1992 của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, có nhiều cách mà biến đổi khí hậu có thể khiến bệnh truyền nhiễm lây lan và cho rằng thiếu nguồn lực nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với dịch bệnh là điều đáng lo ngại.

Bốn năm sau, nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu có thể khiến dịch bệnh lây lan nhiều hơn và kêu gọi nghiên cứu hợp sức giữa các bác sĩ, nhà khoa học khí hậu và nhà khoa học xã hội.

Cùng năm đó, Tổ chức Y tế Thế giới đăng bộ sách 300 trang về chủ đề này, nghiên cứu một loạt liên hệ giữa khí hậu và sức khỏe.

Hiện nay, con người biết nhiều thông tin hơn những năm đó nhưng vẫn còn rất nhiều điều ta chưa biết. Khi tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực tan dần, các mầm bệnh bị chôn vùi hàng thiên niên kỷ qua có thể thoát ra ngoài. Liệu con người có chống chọi với chúng được không? Con người sẽ ra sao khi mất đi toàn bộ một cộng đồng, một quốc gia? Các loài muỗi mang mầm bệnh hiện bị cô lập ở vùng nhiệt đới sẽ biến đổi và hoành hành xa tới đâu?

Các nhà khoa học đang tìm câu trả lời nhưng càng ngày, họ càng đối diện với nhiều điều chưa từng biết tới.

Thùy Dương

Bạn đang đọc bài viết Corona và sự liên quan giữa virus với biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới