Chủ nhật, 24/11/2024 04:47 (GMT+7)
Thứ bảy, 30/12/2023 17:46 (GMT+7)

Đà Nẵng: Quy mô GRDP dẫn đầu 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Theo dõi KTMT trên

Quy mô GRDP, Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; vị trí thứ 3/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; thứ 4/5 TP trực thuộc Trung ương và xếp thứ 17/63 địa phương trên cả nước.

Thông tin do Cục Thống kê TP.Đà Nẵng công bố ngày 29/12, kinh tế TP.Đà Nẵng giữ được nhịp độ tăng trưởng, tuy nhiên xu hướng tăng trưởng kinh tế năm 2023 thiếu ổn định qua các quý, một số lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ thị trường thế giới, đặc biệt là các nước đối tác.

Diễn biến tăng trưởng qua các quý không đồng đều và phụ thuộc phần lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 ước tăng 2,58% so với năm 2022, trong đó, quý I tăng 7,49%; quý II giảm 0,60%, quý III tăng 1,22% và quý  IV ước tăng 2,82%. Mức tăng chung cả năm 2023 thấp hơn mức tăng bình quân 5,51%/năm của giai đoạn 2021/ 2023.

Trong đó, mức tăng 2,58% toàn nền kinh tế năm 2023, giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ tăng 4,10%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung; khu vực lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 0,02 điểm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,18%, đóng góp 0,11 điểm; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 2,05%, làm giảm 0,4 điểm, trong đó lĩnh vực công nghiệp tăng nhẹ 0,33% và lĩnh vực xây dựng tiếp tục tăng trưởng âm 8,36% so với năm 2022.

Đà Nẵng: Quy mô GRDP dẫn đầu 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Ảnh 1
GRDP TP.Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.Đà Nẵng, quy mô nền kinh tế thành phố năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt hơn 134.247 tỷ đồng, mở rộng 9.728 tỷ đồng so với năm 2022. Trong đó, phần mở rộng tập trung ở VA khu vực dịch vụ với 8.923 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng 127 tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng thu hẹp 116 tỷ đồng (trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 413 tỷ đồng, lĩnh vực xây dựng giảm 529 tỷ đồng). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 794 tỷ đồng so với năm 2022.Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp vàthủy sản chiếm tỷ trọng 1,95%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 18,50%; khu vực dịch vụchiếm 70,34%; thuế sản phẩm chiếm 9,21% trong tổng GRDP.

Nhìn chung, nhờ sự phục hồi và tăng trưởng vượt trội của khu vực dịch vụ nên cơ cấu nền kinh tế tiếp tục có sự dịch chuyển với xu hướng mở rộng khu vực dịch vụ thêm 1,67 điểm phần trăm về cơ cấu so với năm 2022; ngược lại, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm1,54 điểm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,05 điểm.

Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Đà Nẵng xếp thứ 54/63 địa phương; thứ 4/5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; xếp vị trí 13/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung và thấp nhất trong khối 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Xét về quy mô GRDP, Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; vị trí thứ 3/14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; thứ 4/5 thành phố trực thuộc Trung ương và xếp thứ 17/63 địa phương trên cả nước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tính theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 107,8triệu đồng/người, tương đương 4.435 USD/người, tăng 3,4% so với năm 2022.

Xét trong cả giai đoạn 5 năm 2019/2023, bình quân mỗi năm GRDP tính trên đầu người của Đà Nẵng tăng 2,42%. Năng suất lao động (NSLĐ) chung toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 212,1 triệu đồng/người, tăng1,6% so với năm 2022 sau khi loại trừ yếu tố tăng giá. Xét trong cả giai đoạn 5 năm 2019/2023, bình quân mỗi năm NSLĐ của Đà Nẵng tăng 1,02%.

Đà Nẵng: Quy mô GRDP dẫn đầu 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Ảnh 2
Khu vực dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ kinh tế thành phố Đà Nẵng.

Khu vực dịch vụ tiếp tục là bệ đỡ cho kinh tế của thành phố, một số ngành dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá cao, nhu cầu tiêu dùng trong dân duy trì xu hướng phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số ngành dịch vụ thị trường có dấu hiệu chững lại, đặc biệt thị trường bất động sản vẫn chưa được cải thiện; tăng trưởng tín dụng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Ước tính VA khu vực dịch vụnăm 2023 tăng 4,10% so với năm trước.

Trong đó, một số ngành có mức tăng trưởng khá cao phải kể đến như: hoạt động hành chính và dịch vụhỗ trợ tăng 41,79%; dịch vụ khác tăng 30,68%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,83%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 20,80%... Ở chiều ngược lại, hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhưng có mức giảm khá sâu, ảnh hưởng đến tốc độ tăng chung, bao gồm: hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 29,28%; buôn bán, bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy giảm hơn 5,12%; các ngành còn lại tang nhẹ so với năm 2022.

Trong đó, có một số ngành tiếp tục duy trì được nhịp độ tăng trưởng như: hoạt động tài chính ngân hàng (+5,01%); thông tin và truyền thông (+4,86%); hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ (+5,75%); giáo dục và đào tạo (+4,92%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/12/2023 đạt 19.715 tỷ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 5.150 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương đạt 14.565 tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn sơ bộ đến 20/12/2023 đạt 25.035 tỷ đồng, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 8.585 tỷ đồng, tăng 1,0%; hoạt động chi thường xuyên đạt 16.408 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Cục Thống kê TP.Đà Nẵng, dự báo năm 2024, nền kinh tế thành phố có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Dự báo tăng trưởng GRDP năm 2024 của thành phố vẫn sẽ chưa bứt phá được như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Trọng Nghị - Bình Dương

Bạn đang đọc bài viết Đà Nẵng: Quy mô GRDP dẫn đầu 5 địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới