Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng “hiến kế” mở rộng thị trường xuất khẩu
Tại Kỳ họp thứ 27 HĐND tỉnh Sóc Trăng, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã đưa ra đề xuất và hiến kế xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nga.
Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ chính trị
Sáng ngày 5/12, Kỳ họp thứ 27 HĐND tỉnh Sóc Trăng đã được tổ chức tại hội trường Tỉnh ủy. Tham dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Văn Hiểu - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; ông Lý Rotha - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Phát biểu khai mạc, bà Hồ Thị Cẩm Đào khẳng định, kỳ họp thứ 27 là kỳ họp cuối năm với nhiều nội dung quan trọng cần đại biểu xem xét, quyết định. Trong đó, trọng tâm là tập trung thảo luận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024; phân tích, đánh giá toàn diện kết quả đạt được; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Từ những phân tích, đánh giá đó, tỉnh sẽ xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển năm 2025 với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với xu thế phát triển chung và tình hình thực tiễn của địa phương nhằm đạt được kết quả cao nhất trong năm 2025.
Tại phiên khai mạc, ông Lâm Hàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, quyết liệt triển khai nhiều công trình. Đơn cử như các dự án: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây nối liền thị xã Ngã Năm với thị xã Vĩnh Châu; Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi 2; Dự án bến cảng ngoài khơi Trần Đề.
Nhiều ngành, lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng và phát triển như sản lượng lúa, thủy hải sản vượt kế hoạch; lĩnh vực du lịch, vận tải hàng hóa, hành khách tăng so với cùng kỳ. Thu ngân sách vượt dự toán. Chính sách an sinh xã hội được chú trọng, quan tâm và triển khai thực hiện tốt; quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội cơ bản được giữ vững. Song song với đó, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại, thách thức trong việc phát triển kinh tế, xã hội.
Tạo đà tăng tốc, bứt phá cho năm 2025
Phát biểu tại Kỳ họp, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định, ông đồng tình cao với báo cáo của UBND tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025. Thực tế cho thấy, lãnh đạo UBND và các sở, ngành đã tập trung chỉ đạo quyết liệt 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, do đó tỉnh ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, nổi bật, tạo đà cho sự tăng tốc, bứt phá vào năm cuối nhiệm kỳ - 2025, năm tiến hành đại hội đảng các cấp.
“Với các chỉ tiêu nghị quyết đã đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,07%, tương đương mức tăng trưởng chung của cả nước, chúng tôi xin ghi nhận sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành và quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Chúng tôi cho rằng, những kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong năm 2024, cùng với việc phối hợp tốt với các bộ, ngành để triển khai các công trình trọng điểm như đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi 2, tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông – Tây… sẽ tạo dựng nền tảng cơ bản cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của chúng ta trong những năm tới”, Đại biểu Trần Khắc Tâm chia sẻ.
Cũng theo vị này, các Đại biểu HĐND cũng chia sẻ với những khó khăn khách quan mà tỉnh vẫn tiếp tục cần nỗ lực, kiên trì để khắc phục. Đặc biệt là khó khăn trong công tác thu hút đầu tư chưa đạt như kỳ vọng. Các công trình, dự án kêu gọi đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp (từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tiếp và làm việc với 92 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng chỉ có 11 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư).
Về xuất khẩu hàng hóa, ông Tâm dẫn chứng, theo báo cáo của UBND tỉnh, giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt 1.800 triệu USD (vượt chỉ tiêu Nghị quyết), tăng 19,44% so cùng kỳ năm 2023 (do kim ngạch xuât khâu gạo, thủy sản tiếp tục tăng trưởng đã góp phần đưa giá trị xuất khâu hàng hoa vượt chi tieu Nghị quyết).
Báo cáo của UBND cũng nhận định tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bất ổn chính trị gia tăng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là biến động nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu và chi phí sản xuất gia tăng.
Mới đây, đánh giá tình hình thế giới tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ngày 2/12, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn đánh giá thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ làm giá xăng dầu, hàng hóa cơ bản, cước vận tải biến động mạnh; kinh tế, thương mại phục hồi chậm, thiếu vững chắc. Tổng cầu, đầu tư toàn cầu sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường; thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng diễn biến phức tạp)... là những thách thức nhiều quốc gia cần phải đối mặt, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng thị trường xuất khẩu là một trong các nhiệm vụ quan trọng để chúng ta duy trì ổn định sản xuất trong nước.
Đề xuất mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa
Để góp phần phát triển thị trường hàng hóa cho Sóc Trăng nói riêng và ĐBSCL nói chung, Đại biểu Trần Khắc Tâm đã đưa ra đề xuất tăng cường phối hợp xuất khẩu hàng hóa sang Liên bang Nga. Ông Tâm cho rằng, đây là một trong những thị trường lớn mà lâu nay các tỉnh ĐBSCL nói chung, Sóc Trăng nói riêng còn “bỏ quên”. Cơ sở của đề xuất này xuất phát từ chuyến công tác và khảo sát thực tế mà Đại biểu Trần Khắc Tâm vừa tham gia cùng với Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Nội tiến hành tại Xanhpetecpua và Matxcova, Liên bang Nga.
“Cá nhân tôi cũng lần đầu tiên được đến nước Nga và thực sự ấn tượng với tình cảm mà người dân, chính khách Nga dành cho Việt Nam. Khi chúng tôi đi thăm tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Xanhpetecpua, giới thiệu mình là người Việt Nam thì người dân Nga rất là niềm nở, thân thiện. Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc này, chúng tôi đã làm việc với Hội đồng lập pháp thành phố Xanhpetecpua, với các hiệp hội doanh nghiệp toàn quốc của Nga, các hiệp hội ngành hàng của Nga và 2 thành phố lớn, ký các văn bản hợp tác với phía bạn. Đoàn cũng đã gặp, báo cáo và trao đổi với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nga – Đặng Minh Khôi, làm việc với Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Liên bang Nga. Tại các cuộc gặp gỡ này, từ các đối tác, đại sứ đến đội ngũ doanh nhân Việt Nam tại Nga đều bày tỏ ủng hộ phát triển hợp tác, đặc biệt là tăng cường thương mại Việt Nam – Nga”, Đại biểu Trần Khắc Tâm nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhận định, thị trường Liên bang Nga có rất nhiều tiềm năng để tỉnh Sóc Trăng tăng cường xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản. Bởi Việt Nam có số lượng kiều bào tương đối lớn tại Nga và người Nga luôn thân thiện và có thiện cảm với Việt Nam. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Sóc Trăng chưa khai thác được nhiều thị trường này, thậm chí là lâu nay chúng ta đang quá chú trọng vào các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu mà “bỏ quên” thị trường Nga, một thị trường nhiều tiềm năng và ít “khó tính hơn”.
Đại biểu Trần Khắc Tâm nhấn mạnh: “Khi trao đổi với tôi, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam tại Liên bang Nga là ông Nguyễn Cảnh Hồng Lĩnh cho biết sẵn sàng hỗ trợ hàng hóa của Sóc Trăng, của ĐBSCL bằng việc miễn phí tiền thuê gian hàng tại Hà Nội center – tổ hợp thương mại lớn của người Việt tại Maxcova. Cá nhân tôi sau chuyến đi về cũng đã có trao đổi ban đầu với các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, bày tỏ mong muốn tới đây chúng ta có thể phối hợp đưa hàng hóa vào thị trường Nga, mở rộng và phát triển thị trường hàng hóa”.
Vị này nói thêm, phát triển thị trường và giữ vững thị trường cho các loại hàng hóa là một trong những mục tiêu quan trọng để Sóc Trăng duy trì ổn định và đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, thương mại trong địa bàn Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Trong bối cảnh mới, khi hạ tầng giao thông trong khu vực được hoàn thiện, Sóc Trăng cần nắm bắt cơ hội khi có sự hỗ trợ tích cực từ bạn bè và đối tác bên ngoài.
Theo thống kê, kim ngạch song phương Việt Nam – Liên bang Nga năm 2022 chỉ đạt 3,5 tỷ USD (giảm mạnh 37% so với năm 2021); năm 2023 có dấu hiệu phục hồi, đạt 3,63 tỷ USD (tăng 2,3%); 7 tháng đầu năm 2024 đạt 2,74 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là cơ hội để Sóc Trăng thúc đẩy thương mại.
Văn Chương