Chủ nhật, 24/11/2024 02:37 (GMT+7)
Thứ năm, 03/10/2024 15:50 (GMT+7)

Danh sách dự kiến các nhà ga tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ đi qua

Theo dõi KTMT trên

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài được đề xuất khoảng 1.541 km, với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, dự kiến sẽ đi qua 20 tỉnh, thành phố.

Theo phương án thiết kế được Liên danh Tư vấn TEDI-TRICC-TEDIS đề xuất, tuyến đường sắc tốc độ cao Bắc - Nam đầu tư đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h. Chiều dài khoảng 1.541 km, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa.

Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), kết nối trực tiếp hai đô thị loại đặc biệt với quy mô dân số lên đến khoảng 10 triệu người, 17 đô thị loại 1 có quy mô dân số từ 500 nghìn người trở lên, chưa kể các đô thị nhỏ hơn.

Trên toàn tuyến có sẽ được bố trí 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 - 70 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hoá, phục vụ tốt hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.

Danh sách dự kiến các nhà ga tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ đi qua - Ảnh 1
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng chiều dài được đề xuất khoảng 1.541 km, với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Phương án tổ chức khai thác sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu vận tải từng thời điểm, đối tượng phục vụ, bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng.

Trong Dự án, đề xuất tổ chức khai thác chủ yếu với 2 loại tàu: tàu dừng ở một số ga chính (dự kiến 5 ga: Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Thiêm) và tàu dừng đan xen ở tất cả các ga. Khi có nhu cầu sẽ điều chỉnh biểu đồ chạy tàu để vận tải hàng hóa, phục vụ quốc phòng an ninh.

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam được bố trí các nhà ga ở các điểm như sau:

Ga đầu tiên trên tuyến là ga Ngọc Hồi (phục vụ cả hành khách và hàng hóa) thuộc xã Liên Ninh và Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội, trong đó tư vấn có xem xét phương án khai thác chạy tàu tới ga Hà Nội trên tuyến đường sắt đô thị số 1.

Ga Phủ Lý đặt tại xã Liêm Tuyền và xã Liêm Tiết, TP.Phủ Lý, gần nút giao Liêm Tuyền, phía đông cao tốc Bắc Nam.

Ga Nam Định đặt tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, gần ga Đặng Xá của tuyến đường sắt hiện tại.

Ga Ninh Bình đặt tại xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, cách nút giao Mai Sơn khoảng một km về phía đông, cách trung tâm TP.Ninh Bình và ga Ninh Bình tuyến đường sắt hiện tại 7,5 km về phía nam.

Ga Thanh Hóa đặt tại xã Đông Tân và Đông Lĩnh, phía tây TP.Thanh Hóa.

Ga Vinh đặt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, trong phạm vi giữa đường bộ cao tốc và tuyến tránh TP.Vinh hiện tại.

Ga Hà Tĩnh đặt tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, phía tây TP.Hà Tĩnh, nằm trên trục đường Hàm Nghi nối vào trung tâm.

Tỉnh Hà Tĩnh còn có ga hành khách và hàng hóa Vũng Áng đặt tại xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, gần tuyến tránh Kỳ Anh.

Ga Đồng Hới đặt tại xã Nghĩa Ninh, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm TP.Đồng Hới khoảng 4,5 km về phía tây nam.

Ga Đông Hà nằm ở phường Đông Lương, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, phía tây TP.Đông Hà.

Ga Huế đặt tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ga Đà Nẵng đặt tại xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, khu vực phía Bắc nút giao giữa đường Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Tại Quảng Nam, ga Tam Kỳ đặt tại phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ, gần tuyến tránh TP.Tam Kỳ. Tỉnh này còn có ga hàng hóa Chu Lai tại khu vực giáp ranh xã Tam Hiệp và xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành. Nhà ga sẽ phục vụ kết nối với cảng hàng không Chu Lai, các cảng biển Kỳ Hà, Dung Quất.

Ga Quảng Ngãi đặt tại phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi và xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, nằm ở khu vực phía tây thành phố.

Tại Bình Định, ga Bồng Sơn, thuộc xã Hoài Tân và thị trấn Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn. Tỉnh này còn có ga Diêu Trì đặt tại xã Phước An, huyện Tuy Phước.

Tại Phú Yên, ga Tuy Hòa đặt tại xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa, cách sân bay khoảng 4,2 km về phía tây.

Tại tỉnh Khánh Hòa, ga Diên Khánh được đặt xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh gần quốc lộ 27C, cách trung tâm TP.Nha Trang khoảng 11 km về phía tây. Tỉnh này còn có ga hàng hóa Vân Phong tại xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa để đảm bảo đồng bộ, phù hợp định hướng phát triển của khu kinh tế Vân Phong.

Ga Tháp Chàm được bố trí tại phường Phước Mỹ, TP.Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, gần vị trí giao quốc lộ 27.

Ga Phan Rí đặt tại xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách trung tâm thị xã Phan Rí Cửa khoảng 5 km. Tỉnh này còn có ga Mương Mán, thuộc xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam, đặt cách ga Mương Mán hiện tại khoảng 0,4 km, cách trung tâm TP.Phan Thiết khoảng 13,2 km.

Tỉnh Đồng Nai có ga hàng hóa Trảng Bom phục vụ trung chuyển hàng hóa. Ngoài ra, ga Long Thành đặt tại khu vực trung tâm sân bay thuộc xã Bình Sơn, huyện Long Thành.

Cuối tuyến là ga Thủ Thiêm nằm tại phường An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Theo đơn vị tư vấn, khoảng cách giữa các ga đảm bảo cự ly tối thiểu khoảng 30 km. Tùy theo biểu đồ chạy của từng tàu để bố trí việc dừng đỗ tại các ga, không phải tàu nào cũng dừng đỗ tất cả ga.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Danh sách dự kiến các nhà ga tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ đi qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới