Chủ nhật, 24/11/2024 08:03 (GMT+7)
    Thứ sáu, 29/07/2022 17:50 (GMT+7)

    Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 – TP. HCM

    Theo dõi KTMT trên

    Để dự án Đường vành đai 4 - TP. HCM về đích đúng hẹn vào trước năm 2028, hiện cả 5 tỉnh thành có tuyến đường đi qua đang tích cựu hoàn tất các thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng... để sớm triển khai dự án.

    Dự án kết nối quan trọng bậc nhất vùng Đông Nam Bộ

    Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - TP. HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chi tiết tại Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011. Dự án có tổng chiều dài 197,6 km đi qua 5 tỉnh thành là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM và Long An.

    Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 – TP. HCM - Ảnh 1
    Sơ đồ dự án đường Vành đai 4 - TP. HCM

    Để dự án triển khai đúng tiến độ, tháng 5/2022 vừa qua, Sở Giao thông vận tải TP. HCM đã tổ chức họp bàn với Sở Giao thông vận tải các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu về kế hoạch phối hợp thực hiện dự án đường Vành đai 4 - TP. HCM. Theo kế hoạch, các địa phương sẽ phối hợp hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào tháng 12/2022. Mục tiêu đề ra là khởi công dự án năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2028. Căn cứ mốc tiến độ nêu trên, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch triển khai từng đoạn qua địa bàn quản lý.

    Trước đó, tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có văn bản giao các địa phương liên quan làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án (thành phần) của đường Vành đai 4 - TP. HCM.

    Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn có chiều dài khoảng 18km; UBND tỉnh Đồng Nai triển khai dự án đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên) có chiều dài khoảng 45km; UBND tỉnh Bình Dương triển khai đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn) có chiều dài 49km; UBND TP. HCM triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn) có chiều dài khoảng 17km và UBND tỉnh Long An chịu trách nhiệm triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước, bao gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP. HCM có chiều dài khoảng 71km.

    Đánh giá về tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - TP.HCM, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Cao Tiến Dũng cho rằng, đường Vành đai 4 - TP. HCM khi hoàn thành xây dựng sẽ giúp cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương như: Bình Phước, Bình Dương, Long An không phải đi xuyên tâm TP. HCM. Với hướng tuyến kéo dài từ Long An, đi qua TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 - TP. HCM sẽ là tuyến đường kết nối quan trọng nhất của vùng Đông Nam bộ cũng như Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tất cả các địa phương phát triển công nghiệp đều phải đi qua đường Vành đai 4 - TP. HCM để về cảng Cái Mép nếu xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển.

    Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu phối hợp triển khai

    Mục tiêu khi xây dựng đường Vành đai 4 – TP. HCM có vai trò lớn nhất là kết nối các địa phương phát triển mạnh về công nghiệp với cảng biển Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) và cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) trong tương lai nhằm tạo thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu hàng hóa.

    Cụ thể, đối với việc xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển, cảng Cái Mép sẽ là “cửa ngõ” cho các địa phương này. Trong khi đó, nếu thực hiện xuất, nhập khẩu hàng hóa bằng đường hàng không, sân bay Long Thành sẽ đóng vai trò chủ đạo.

    Vì vậy, trong việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - TP. HCM, việc kết hợp thành một dự án đối với các đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đảm bảo được tính đồng bộ và tăng hiệu quả khai thác.

    Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 – TP. HCM - Ảnh 2
    UBND tỉnh Đồng Nai triển khai dự án đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên) có chiều dài khoảng 45km

    Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Cao Tiến Dũng cho biết, hiện đã có nhà đầu tư quan tâm đến dự án khi triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). 2 địa phương Đồng Nai và Bà Rịa - Vùng Tàu đang làm việc để phối hợp triển khai thực hiện theo hướng 2 tỉnh sẽ thực hiện chung dự án đối với các đoạn tuyến đi qua địa bàn 2 tỉnh để tăng hiệu quả khai thác. Đồng Nai xác định đường Vành đai 4 - TP.HCM có vai trò rất quan trọng nên sẽ xúc tiến để triển khai sớm.

    Được biết, sau khi thống nhất với các địa phương dự án, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã văn bản yêu cầu các đơn vị chuẩn bị một số nội dung trong lĩnh vực môi trường để thực hiện dự án đường Vành đai 4 TP. HCM đoạn qua địa bàn tỉnh.

    Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao UBND huyện Châu Đức thống kê sơ bộ ban đầu đối với các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi; giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Tổng công ty ư vấn Giao thông vận tải (TEDI) rà soát việc xây dựng khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án. Tỉnh này cũng yêu cầu các sở ngành liên quan rà soát quỹ đất hai bên đường dự án để lập phương án tổ chức bán đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.  

    Thanh Vũ

    Bạn đang đọc bài viết Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 4 – TP. HCM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới