Chủ nhật, 24/11/2024 08:07 (GMT+7)
Thứ bảy, 25/03/2023 13:30 (GMT+7)

ĐBSCL: Ứng dụng than sinh học hướng đến phát triển bền vững

Theo dõi KTMT trên

Việc tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra than sinh học sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển bền vững.

“Vàng đen” của ngành nông nghiệp

Than sinh học là một loại than dạng rắn giàu các bon, thu được trong quá trình nhiệt phân hoặc khí hoá nhiên liệu sinh khối trong trường hợp không có (hoặc nghèo) ô xi, ở nhiệt độ dưới 700 độ C.

Than sinh học có thể được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu sinh khối khác nhau như bã mía, vỏ trấu, lõi ngô, mùn cưa, phoi bào, rơm rạ, vỏ cà phê… được nén thành bất kỳ hình dạng và kích cỡ nào. Than sinh học thường thấy ở dạng viên, ngoài ra nó có thể được vận chuyển được nếu nén dưới dạng bột và bánh.

Bên cạnh đó, than sinh học được nhiều nhà khoa học trên thế giới ví như là “vàng đen” cho ngành nông nghiệp. Than sinh học có cấu tạo dạng cấu trúc rỗng, nhiều lỗ và có khả năng hấp phụ các chất hữu cơ và phân bón hóa học trên bề mặt, giữ các chất dinh dưỡng trên mặt đất, chống rửa trôi.

ĐBSCL: Ứng dụng than sinh học hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 1
Than sinh học được mệnh danh là "vàng đen" của ngành nông nghiệp

Than sinh học còn là môi trường cho các vi sinh vật có ích trong đất cộng sinh, phát triển để phân giải nhanh các chất hữu cơ thành khoáng chất giúp cây hấp thụ. Sử dụng than sinh học để bón vào đất không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, mà còn giúp tăng cường trao đổi cation, khả năng giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi khuẩn có lợi cho đất, tăng sức sản xuất của đất trồng, giảm lượng phân bón hóa học.

Hơn nữa, than sinh học giúp đất giữ lại các chất dinh dưỡng và nước không bị rửa trôi, có thể giúp giảm chi phí cho tưới tiêu, phân bón và tăng sức sản xuất của đất trồng trong thời gian dài; đồng thời chống rửa trôi phân bón gây ô nhiễm nguồn nước. Than sinh học là một phụ gia tạo độ phì nhiêu cho đất lâu dài mà không cần phải bổ sung hàng năm.

Ngoài ra, sử dụng than sinh học giúp cô lập các bon, chuyển các bon từ không khí xuống đất (than sinh học có thể tồn tại vài chục năm trong đất) nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, chống biến đổi khí hậu.

Theo chuyên gia của tổ chức NEXUS, việc sử dụng than sinh học thường xuyên và hiệu quả có thể được đăng ký bán tín chỉ các bon tại một số thị trường tín chỉ các bon trên thế giới.

Theo kết quả tính toán của Sebastian và cộng sự cho thấy sử dụng than sinh học sẽ giảm được 13 - 22% lượng phát thải CO2 vào khí quyển. Quá trình sản xuất than sinh học sẽ tạo ra khí ga (khí CO) giúp chạy máy phát điện, đun nấu, sấy lúa,…

Tiềm năng để ứng dụng là rất lớn

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước. Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, nên mỗi năm khu vực ÐBSCL đã phát sinh một lượng lớn phế phẩm như rơm, trấu, bả bùn mía... Khi quản lý không phù hợp sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ.

Ðơn cử như rơm, những năm gần đây, rơm sau thu hoạch lúa được thu gom để làm thức ăn thô cho gia súc ăn cỏ, làm đệm lót sinh học cho vật nuôi, làm nấm rơm, phủ gốc cho cây trồng... Tuy nhiên, theo thống kê lượng thu gom rơm chỉ đạt hơn 50%.

Hiện nay, vẫn còn một số nơi, sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân có thói quen đốt rơm rạ ngay tại ruộng vừa gây ô nhiễm môi trường, cản trở tầm nhìn người tham gia giao thông và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bên cạnh đó, việc đốt phế phẩm này ngoài trời sẽ giải phóng vào khí quyển gây hiệu ứng nhà kính.

ĐBSCL: Ứng dụng than sinh học hướng đến phát triển bền vững - Ảnh 2
Nguồn nguyên liệu để sản xuất than sinh học tại ĐBSCL rất dồi dào

Tại Hội thảo “Ứng dụng than sinh học trong nông nghiệp” mới đây tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Cần Thơ đánh giá, ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp đóng góp hiệu quả vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp. Với giá trị được tạo ra từ các loại phụ phẩm trong nông nghiệp - một nguồn nguyên liệu dồi dào, đã giúp cho than sinh học trở thành “vàng đen” giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi sinh vật có lợi cho đất.

Tại các quốc gia Châu Á, các vật liệu carbon hóa từ vỏ trấu hay phụ phẩm khác được sử dụng làm vật liệu cải tạo đất, có giá trị như phân bón. Đặc biệt tại Nhật Bản, từ những năm 1990, để đáp ứng sự lan tỏa của nông nghiệp hữu cơ, kỹ thuật sử dụng than sinh học đã chính thức được phổ biến.

Còn tại Việt Nam, việc ứng dụng than sinh học vẫn còn rất hạn chế. Theo đánh giá của ông Masaaki Uesugi, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tromso Nhật Bản, trong nông nghiệp, than sinh học được sử dụng để bón cho nhiều loại cây trồng, nhất là cây lúa. Bản thân than sinh học có một số thành phần có thể thay thế cho phân bón, khả năng hấp thụ khí CO­­­2 tốt.

Thời gian qua, việc ứng dụng than sinh học được sản xuất từ các nguồn phụ phẩm như rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê… trong lĩnh vực trồng trọt cũng cho thấy hiệu quả, làm tăng độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng và giảm thất thoát phân bón, góp phần giảm phát thải nhà kính.

“Khi phân hủy, than sinh học cũng sẽ tạo ra một lượng phân bón hữu cơ cung cấp ngược cho đất, khử mùi và khử trùng. Nếu sử dụng kết hợp than sinh học với một số chế phẩm vi sinh khác, có thể tạo ra một lớp thảm sinh học phục vụ chăn nuôi”, ông Masaaki Uesugi nhấn mạnh.

Với những lợi ích từ than sinh học, một số doanh nghiệp vùng ÐBSCL quan tâm. Anh Nguyễn Quang Lộc, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển Công ty TNHH MTV HG Farm, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết, HG Farm đã ứng dụng thành công nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trong thời gian qua. Qua nghiên cứu, than sinh học chứa những hệ vi sinh, khi cung cấp vào đất sẽ tạo một nguồn dinh dưỡng, cây trồng dễ dàng hấp thụ.

Bên cạnh đó, than sinh học thu hút doanh nghiệp bởi hiện nay trong bối cảnh sản xuất giảm phát thải, vấn đề tín chỉ carbon đang dần nóng lên tại Việt Nam. Do vậy, ứng dụng than sinh học sẽ giúp mô hình của công ty trở nên hoàn hảo hơn...

“Nông nghiệp tuần hoàn muốn thành công cần trợ lực của khoa học công nghệ và cả toán học, có chuyên nghiệp hóa nông nghiệp thì mới tạo được dòng năng lượng và dòng vật chất trong sản xuất nông nghiệp một cách liên tục. Hiện nay, HG Farm đang nghiên cứu, ấp ủ kế hoạch phát triển than sinh học từ lục bình để đa dạng hóa cách thức phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ”, anh Lộc chia sẻ.

Lâm Vũ

Bạn đang đọc bài viết ĐBSCL: Ứng dụng than sinh học hướng đến phát triển bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới