Chủ nhật, 24/11/2024 08:25 (GMT+7)
Thứ ba, 24/11/2020 17:02 (GMT+7)

Điện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều

Theo dõi KTMT trên

Với hơn 3.200km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi.

Tiềm năng lớn

Tiềm năng gió ngoài khơi ở Việt Nam là rất lớn và dựa trên những hoạt động khảo sát sàng lọc các dự án điện gió móng cố định và nổi trên mặt nước trong khu vực, tiềm năng kỹ thuật về khai thác công suất điện gió ngoài khơi được xác định là khoảng 160GW.

Tiềm năng này cao hơn rất nhiều lần công suất lắp đặt trong năm 2011 tại châu Âu và tương đương một phần đáng kể nhu cầu dự kiến đến 2050 của điện gió ngoài khơi châu Âu. Con số tiềm năng này được tính toán dựa trên các nguồn dữ liệu đã được công bố cho các khu vực cách bờ từ 5km đến 100km2.

Ngoài ra, chỉ những khu vực có tốc độ gió cao hơn 7m/s ở độ cao 100m trên mặt nước biển mới được xem xét. Mặc dù những kết quả này cần được tinh lọc bằng việc bổ sung các dữ liệu đầu vào có tính đến các lợi ích quân sự và khai thác dầu khí, chúng ta vẫn nhận thấy được triển vọng của danh mục dự án và công suất khai thác tiềm năng tại Việt Nam.

Điện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều - Ảnh 1
Với lợi thế bờ biển dài, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn. (Ảnh minh họa: Internet)

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện có 157 dự án điện gió trên biển đang đề nghị khảo sát phát triển và bổ sung vào quy hoạch toàn quốc, với quy mô công suất 61.132 MW.

Để xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch nghiên cứu, xác định lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam. Theo đó, sẽ xác định cơ cấu phát triển điện gió ngoài khơi trong từng giai đoạn, các khu vực ngoài khơi tiềm năng phát triển điện gió.

Theo nghiên cứu trên, có 25 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng cố định và 17 vị trí điện gió ngoài khơi với công nghệ móng nổi.

Hiện nay, trang trại gió biển Bạc Liêu đầu tiên với công suất 100 MW đã hoạt động cung cấp khoảng 300 triệu kWh/năm và tới năm 2025, lên tới 1.000 MW hay 3 tỉ kWh/năm.

Điện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều - Ảnh 2
Nhà máy điện gió Bạc Liêu. (Ảnh: Internet)

Cụ thể, các trang trại tuabin gió tại Bạc Liêu đã hoạt động tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao, cơ hội thu hồi vốn khoảng hơn 10 năm, so với tuổi thọ tuabin 50 năm. Trang trại gió biển hiện đóng góp ngân sách cho địa phương với nguồn thu ổn định, như tỉnh Bạc Liêu đạt 76 tỉ đồng/năm, khi hoàn thành trang trại gió 1.000 MW sẽ lên tới gần 760 tỉ đồng mỗi năm.

Siêu dự án Thăng Long ngoài khơi Bình Thuận với công suất 3,4 GW đang trong quá trình nghiên cứu khả thi từ năm 2019 và có thể hoàn thành trước năm 2030 sẽ mang lại vị thế cường quốc điện gió ngoài khơi cho Việt Nam.

Cơ hội xuất khẩu điện gió ngoài khơi

Theo TS Trần Quang Cử, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về tiết kiệm năng lượng (ENERTEAM) cho biết: “Đến nay đã có 11 tỉnh lập quy hoạch riêng về phát triển điện gió cấp tỉnh: Thái Bình; Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắc Lắc; Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu. Tổng công suất lắp đặt điện gió dự kiến của 11 tỉnh cao hơn nhiều so với mục tiêu quốc gia: Khoảng 2.600 MW đến năm 2020 (so với 800 MW của cả nước); Khoảng 15.700 MW đến năm 2030 (so với 6.000 MW của cả nước)”.

Tính đến tháng 6/2020, có khoảng 31 dự án đã có hợp đồng mua bán điện với EVN có tổng công suất 1.662 MW dự kiến đi vào vận hành năm 2020 - 2021. Nếu đúng hạn, đến cuối năm 2021, tổng công suất lắp đặt điện gió ~2.200 MW (đạt 36% mục tiêu quy hoạch đến năm 2025). 91 dự án điện gió với tổng công suất lắp đặt khoảng 7.000 MW đã được bổ sung vào Quy hoạch điện gió và 250 dự án (~45.000 MW) đang chờ bổ sung vào quy hoạch.

Theo TS Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã ban hành như Nghị quyết 55, Nghị quyết 36 về phát triển năng lượng tái tạo biển, điện gió ngoài khơi, năng lương sóng, thủy triều và hải lưu. Khi Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, các nguồn vốn lớn và công nghệ điện gió ngoài khơi từ EU sẽ dễ dàng tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

“Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam có tiềm năng, đột phá đi đầu ASEAN, trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới, thúc đấy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển hỗ trợ, tương lai xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang khu vực ASEAN và các khu vực lân cận” – TS Dư Văn Toán kỳ vọng.

Điện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều - Ảnh 3
Đến nay, Việt Nam đã có 11 tỉnh lập quy hoạch riêng về phát triển điện gió cấp tỉnh. (Ảnh minh họa: Internet)

Không ít thách thức 

Nhận thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi, Chính phủ đã triển khai áp dụng giá điện nối lưới FiT vào năm 2018 ở mức 2.223VNĐ/kWh (tương đương ~88 EUR/MWh), đây là giá FiT cao thứ hai mà Việt Nam đưa ra, chỉ thấp hơn giá điện từ xử lý rác thải đô thị là ~92EUR/MWh.

Những cơ chế hỗ trợ khác dưới hình thức ưu đãi thuế như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và phí thuê đất, song song với tăng phí bảo vệ môi trường cũng được áp dụng, nhằm hỗ trợ triển khai phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Nguồn gió phong phú và tiềm năng của một số lượng lớn các dự án điện gió đang chuẩn bị triển khai chắc chắn đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong ngành.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng thì cũng không ít thách thức đặt ra như: Chưa có khung pháp lý hỗ trợ, thủ tục cấp phép phức tạp và hợp đồng mua bán điện không có khả năng vay vốn ngân hàng, đã cản trở quá trình khởi động của ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Do đó, theo các chuyên gia, để khai thác tiềm năng này, Việt Nam cần phải có chính sách thúc đẩy và xây dựng chiến lược quốc gia, quy hoạch không gian biển nhằm phát triển điện gió ngoài khơi tới năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các dạng năng lượng biển khác.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Điện gió ngoài khơi ở Việt Nam: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới