Doanh nghiệp Đức khảo sát dự án điện gió ngoài khơi trị giá 4,6 tỷ USD ở Bình Định
Tập đoàn PNE (Cộng hòa Liên bang Đức) thể hiện quyết tâm theo đuổi dự án điện gió ngoài khơi trị giá 4,6 tỷ USD trong chuyến đi khảo sát dự án ở Bình Định.
Ngày 22/10, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Tập đoàn PNE về một số vấn đề liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh này.
Tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Bình Định là Bí thư Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch Phạm Anh Tuấn; đại diện tập đoàn PNE là ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, tỉnh và Tập đoàn PNE đã cùng quyết tâm triển khai dự án điện gió ngoài khơi từ năm 2019 đến nay. Ông cũng cho biết, đoàn công tác của tỉnh đã từng đến Đức, thăm trụ sở PNE và khảo sát trang trại điện gió ngoài khơi của tập đoàn này. Sắp tới, PNE dự kiến khai trương văn phòng tại Quy Nhơn, thể hiện cam kết đồng hành cùng tỉnh trong việc phát triển dự án.
Bình Định được đánh giá là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt là lợi thế bờ biển của tỉnh dài 134 km. Thời gian qua, tỉnh đã kêu gọi, thu hút nhà đầu tư lớn có năng lực tài chính và kinh nghiệm đến nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.
Sau buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã cùng lãnh đạo tập đoàn PNE đi dọc bờ biển khảo sát dự án. Sau khi khảo sát, PNE thể hiện quyết tâm theo đuổi dự án, với đề xuất quy mô công suất 2.000 MW, được chia thành 3 giai đoạn, tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn khoảng hơn 1,5 tỷ USD). Tập đoàn cũng cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai dự án ngay khi có chủ trương đầu tư.
PNE là doanh nghiệp có kinh nghiệm 25 năm về phát triển dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi. Đề xuất làm dự án điện gió 1,5 tỷ USD từng được doanh nghiệp này nêu tại buổi làm việc giữa Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (cơ quan đại diện của Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên Bang Đức) và tỉnh Bình Định 4 năm trước.
Trong buổi làm việc lần này với tỉnh Bình Định, PNE hy vọng sẽ nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ Chính phủ Việt Nam để dự án sớm triển khai. Tập đoàn cũng muốn đạt cơ sở pháp lý cũng như sự độc quyền để tránh chồng lấn và có cơ sở để huy động vốn cũng như các thành viên trong tập đoàn ủng hộ để triển khai trong thời gian tới.
Với đường bờ biển dài, Bình Định được đánh giá là nơi thuận lợi để làm dự án. Song việc triển khai gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý và cơ chế đặc thù.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, dự án điện gió ngoài khơi mà Tập đoàn PNE đề xuất là dự án rất lớn đối với tỉnh Bình Định. Vì vậy, tỉnh Bình Định cam kết hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện dự án.
"Trước mắt, sẽ còn một số khó khăn, tuy nhiên tôi mong muốn Tập đoàn PNE cùng đồng hành với tỉnh Bình Định để vượt qua những khó khăn này", ông Tuấn nói.
Theo tính toán, khi đưa vào vận hành, mỗi năm dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực.
Nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách địa phương và hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, việc phát triển điện gió ngoài khơi là một trong những định hướng quan trọng của Quy hoạch điện VIII. Ngoài việc giúp hiện thực hóa lộ trình chuyển dịch năng lượng thì phát triển điện gió ngoài khơi còn giúp Việt Nam khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn của năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế biển.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 600 GW. Nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phát triển khoảng 6.000 MW điện gió ngoài khơi và đã định hướng phát triển, hình thành hai trung tâm công nghiệp, dịch vụ về năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có điều kiện (chủ yếu là điện gió ngoài khơi).
Ngoài ra, định hướng đến năm 2050, Việt Nam đạt 70.000 MW đến 91.000 MW điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, Việt Nam hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện.
Tại tọa đàm về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hôm 16/10, ông Nguyễn Tuấn, Trưởng ban Thương mại của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - thuộc PVN) cho biết, Việt Nam đã chủ động được nhiều khâu trong phát triển điện gió ngoài khơi như khảo sát, mua sắm, thi công lắp đặt trạm biến áp ngoài khơi đến quản lý vận hành, tàu dịch vụ phục vụ dự án gần bờ.
Song, theo ông Tuấn, nếu không đủ hành lang pháp lý, mục tiêu 6.000 MW đặt ra tại Quy hoạch Điện VIII khó đạt được. Do đó, ông đề xuất cơ quan quản lý có các chính sách ưu đãi đột phá với loại hình này.
"Làm 1 GW điện gió ngoài khơi tốn kém mấy tỷ USD. Nếu không có cơ chế ưu đãi thì nhà đầu tư sẽ bỏ đi", ông nói. Các chính sách được nêu gồm miễn giảm tiền sử dụng đất, mặt nước, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc hỗ trợ về vốn vay.
Ngoài PNE, trước đây có nhiều nhà đầu tư muốn làm điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, đơn cử như Tập đoàn CIP (Đan Mạnh) đề xuất dự án điện gió ngoài khơi La Gàn công suất 3,5 GW tại Bình Thuận. Cách đây hơn hai năm, 36 nhà đầu tư trong nước từng xin khảo sát điện gió ngoài khơi. Nhưng lúc đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị dừng cấp phép do vướng pháp lý.
H.A