Đồng Tháp xây dựng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố xây dựng 1 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Hiện nay, việc quản lý, phát triển chợ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống mạng lưới chợ đã được hình thành và được phân bố hợp lý, phù hợp với điều kiện địa hình, địa giới của địa phương.
Thực hiện dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình mục tiêu Y tế và Dân số do Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) chủ trì; hướng dẫn xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm của Bộ Công Thương và dự án Xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, đã có 3 chợ thực hiện thí điểm mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đã phát huy hiệu quả cần nhân rộng mô hình chợ đảm bảo an toàn thực phẩm được thực hiện tại các địa phương có hệ thống ban/tổ quản lý chợ được tổ chức tốt.
Điển hình vừa qua tỉnh Đồng Tháp có 3 chợ theo mô hình an toàn thực phẩm như chợ Cái Tàu Hạ ở huyện Châu Thành thực hiện năm 2015 từ nguồn kinh phí tỉnh Đồng Tháp; chợ Mỹ Phú ở thành phố Cao Lãnh thực hiện năm 2018 và Khu kinh doanh ăn uống ở chợ thành phố Sa Đéc thực hiện năm 2020 từ nguồn kinh phí Bộ Công Thương hỗ trợ.
Đa số các chợ thực hiện vừa qua các ngành hàng kinh doanh thực phẩm được sắp xếp theo đúng quy định an toàn thực phẩm, từng bước thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nâng cao chất lượng phục vụ, thuận lợi cho hoạt động mua bán; tạo cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn những hàng hóa thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, góp phần đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy thiết lập, hình thành các chuỗi “sản xuất - chế biến - tiêu thụ” thực phẩm sạch, an toàn, ổn định bền vững.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 181 chợ, gồm 6 chợ hạng 1; 27 chợ hạng 2 và 148 chợ hạng 3.
Các chợ được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tốt trong việc thu hút, tập trung lượng hàng hóa lớn được sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân.
UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố xây dựng 1 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.
Qua việc thực hiện các dự án thí điểm nêu trên, cho thấy việc thực hiện mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chợ; giúp hạ tầng thương mại được phát triển, khang trang; môi trường kinh doanh thuận lợi, hàng hóa được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, quản lý tốt về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ; cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh hàng thực phẩm tại chợ được thiết kế theo tiêu chuẩn.
UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu nhân rộng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm với hệ thống các tiêu chí nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ. Nâng cấp cơ sở vật chất tại các chợ theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Xây dựng các chợ kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng do thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ra cho người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm, năng lực quản lý cho cán bộ, nhân viên ban, tổ, hợp tác xã, doanh nghiệp quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trong việc hướng dẫn, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hướng dẫn các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ thực hiện các quy định của nhà nước về hàng hóa kinh doanh, an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng chợ theo hướng văn minh, hiện đại từ nguồn xã hội hóa gắn với thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ.
UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu, mỗi huyện, thành phố xây dựng mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Có ít nhất 1 mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chợ đáp ứng yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm tại các xã nông thôn mới nâng cao.
Các chợ hạng 1, hạng 2 trên địa bàn, mỗi chợ phải xây dựng 1 mô hình khu vực kinh doanh (ít nhất 10 điểm kinh doanh) đạt tiêu chí an toàn thực phẩm. Các chợ hạng 3 trên địa bàn, mỗi chợ phải xây dựng ít nhất 5 điểm kinh doanh thực phẩm đạt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm.
Yêu cầu của UBND tỉnh là chợ an toàn thực phẩm phải thực hiện theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11856:2017 Chợ kinh doanh thực phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại Quyết định số 2166/QĐ-BKHCN ngày 15/8/2017. Sử dụng nước sinh hoạt để rửa, sơ chế sản phẩm, dụng cụ sơ chế, bày bán, pha lọc và chứa đựng sản phẩm động vật, thực vật trước và sau khi bán (đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, hiện hành là QCVN 01-1:2018/BYT). Kinh phí thực hiện nhân rộng mô hình các chợ an toàn thực phẩm hơn 1 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, thời gian qua, các chợ thí điểm đã bố trí, sắp xếp được các ngành hàng kinh doanh thực phẩm theo đúng quy định ATTP, nâng cao chất lượng phục vụ, thuận lợi cho hoạt động mua bán; tạo cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn, tiêu dùng những hàng hóa thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, góp phần đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường. Điều này cũng góp phần thúc đẩy thiết lập, hình thành các chuỗi “sản xuất - chế biến - tiêu thụ” thực phẩm sạch, an toàn, ổn định bền vững, trong đó các chợ trên địa bàn tỉnh là kênh phân phối, tiêu thụ hiệu quả của chuỗi.
Xây dựng thành công mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP là điều kiện thuận lợi để phát triển chợ theo xu hướng văn minh, hiện đại vì trên thực tế các chợ truyền thống còn nhiều bất cập về vệ sinh ATTP; nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị quản lý chợ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thay đổi dần thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực...
An Như