Chủ nhật, 24/11/2024 08:53 (GMT+7)
    Chủ nhật, 23/08/2020 09:30 (GMT+7)

    Dòng vốn rẻ không chảy vào thị trường bất động sản

    Theo dõi KTMT trên

    Lãi suất huy động và cho vay liên tục giảm cho thấy các ngân hàng thương mại đang gặp khó vì không có khách vay. Thêm vào đó, “room” tín dụng cho bất động sản đã bị siết chặt khiến thị trường bất động sản không thể đón được dòng vốn rẻ từ ngân hàng.

    Dư nợ tín dụng bất động sản giảm

    Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cho biết, từ cuối năm 2019 và trong 6 tháng đầu năm 2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản có xu hướng giảm 0,87%, đạt 526.396 tỉ đồng.

    Như vậy, trong 5 năm gần đây, dư nợ cũng đã giảm khoảng 7,3%, từ mức 8,05% xuống còn 6,3% trong quý I/2020. Cơ cấu dư nợ bất động sản cũng có thay đổi, cho vay đầu tư bất động sản giảm dần, chiếm tỉ lệ 38,9%, các dự án condotel chỉ còn 4%...

    Bên cạnh đó, 2 tháng qua, một loạt các ngân hàng thương mại đã có động thái hạ lãi suất tiền gửi phổ biến ở mức 5,5 - 7,3%/năm với kỳ hạn 12 tháng. Còn lãi suất cho vay mua nhà ở cũng hạ mức thấp kỷ lục dưới 8%/năm.

    Bà Trần Thanh Tú – Trưởng chi nhánh ngân hàng BIDV (Trung Kính, Hà Nội) cho biết, sở dĩ ngân hàng liên tục điều chỉnh mức giảm lãi suất là do không có khách hàng vay tiền để đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực đặc biệt là bất động sản, nhà ở.

    “Hiện, lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục và đã duy trì nhiều tuần qua. Nếu dòng vốn đầu ra không được khơi thông, sức hấp thụ của nền kinh tế không được cải thiện, rất có thể mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm trong thời gian tới” – bà Tú cho biết.

    Thông thường, khi lãi suất giảm mạnh, các kênh đầu tư như bất động sản sẽ luôn được coi là một kênh đầu tư tốt. Lý do bởi bất động sản có thể sinh ra 2 dòng lợi nhuận: Một là từ việc khai thác kinh doanh bất động sản hàng tháng như cho thuê; Hai là có khả năng tăng giá theo thời gian.

    Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020, khi Ngân hàng Nhà nước chính thức đưa ra những quy định nhằm kiểm soát nguồn vốn cho vay đối với bất động sản. Thị trường đã thực sự bước vào giai đoạn trầm lắng. Kèm theo đó, cả ngân hàng, chủ đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn.

    Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý II/2020, cả nước có 29.674 giao dịch bất động sản thành công. Tại Hà Nội có 1.354 giao dịch thành công , TP.Hồ Chí Minh có 3.958 giao dịch thành công. Đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

    Dòng vốn rẻ không chảy vào thị trường bất động sản - Ảnh 1
    Thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó do dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

    Giao dịch nhà đất tê liệt

    Các văn phòng môi giới bất động sản tại Hà Nội cho rằng, do dịch bệnh kéo dài, nhu cầu mua bất động sản để ở và đầu tư tiếp tục giảm, nhiều người đầu tư phải bán nhà đất để cắt lỗ hoặc trả nợ đã tạo ra xu hướng giảm giá.

    “Ngày càng có nhiều người mong muốn bán nhà nhanh hơn và xuất hiện một số khách hàng nhờ bán nhà với giá giảm hơn so với những sản phẩm trên thị trường. Thậm chí, họ chấp nhận cắt lỗ 20-30% để thu hồi tiền trả nợ vay nhưng vẫn không thể bán được. Bây giờ, khách mua có tâm lý cân nhắc rất kỹ và phải có giá giảm rất mạnh mới bỏ tiền ra mua” – anh Nguyễn Phúc Vinh – văn phòng môi giới Tây Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói.

    Ông Nguyễn Trần Nam- Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, lĩnh vực bất động sản đang phát triển bất ổn do tác động của dịch bệnh. Thực trạng này được phản ánh qua sự sụt giảm mạnh của vốn đầu tư FDI vào bất động sản, tồn kho bất động sản tăng.

    Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản. Bởi đây là lĩnh vực có liên quan mật thiết đến hệ thống ngân hàng. Nguồn vốn vay cho các dự án bất động sản nằm phần lớn tại các ngân hàng. Nếu bất động sản sụp đổ thì hệ thống ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng đổ vỡ khi nguồn vốn cho vay trong lĩnh vực bất động sản trở thành nợ xấu. Theo dây chuyền, khi hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ thì nền kinh tế sẽ bị tê liệt.

    Ông Nguyễn Gia Long – Chủ tịch HĐQT công ty MB Land cho rằng, Dòng vốn đổ vào thị trường bất động sản đang vấp phải nhiều lực cản nhất thời. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ bình tĩnh và lạc quan, giữ vững cam kết sẽ tiếp tục tham gia vào thị trường trong dài hạn. Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi thời cơ, chưa thật sự trở lại thị trường nên trong quý 2 thị trường chưa nhiều biến động. Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát tương đối tốt ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị cho các hoạt động kinh doanh của họ trở lại bình thường. Do đó, kỳ vọng sẽ có nhiều giao dịch thành công hơn khi thị trường dự kiến phục hồi trong nửa cuối năm 2020 hoặc 2021.

    Ông Nguyễn Đức Toản - Tổng giám đốc CTCP Bất động sản EZ Việt Nam cho biết, lượng giao dịch bất động sản từ đầu năm đến nay chỉ bằng 25 - 30% so với cùng kỳ 2019. Các khách hàng hầu như tạm dừng mua nhà và tìm đến các kênh khác để đầu tư.

    Thùy Linh

    Bạn đang đọc bài viết Dòng vốn rẻ không chảy vào thị trường bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới