Chủ nhật, 24/11/2024 09:58 (GMT+7)
Thứ năm, 11/06/2020 07:06 (GMT+7)

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Đầu tư cho môi trường cân xứng với kinh tế, xã hội

Theo dõi KTMT trên

Chiều 10/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Đỗ Chí nghĩa đồng chủ trì Hội thảo Hội thảo tham vấn đại biểu quốc hội về một số nội dung quan trọng trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tham dự Hội thảo có ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cùng hơn 100 đại biểu đến từ các đoàn Đại biểu Quốc hội trên cả nước.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Đầu tư cho môi trường cân xứng với kinh tế, xã hội - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp xác đáng, sáng tạo, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các vị Đại biểu Quốc hội đối với công tác bảo vệ môi trường của đất nước cho bản dự thảo này để làm cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật đáp ứng đầy đủ nguyện vọng và ý chí của cử tri.

“Rất ít dự án Luật mới có nhiều chính sách mang tính đột phá như vậy”

Khẳng định môi trường là một trong 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững của đất nước, bên cạnh kinh tế và xã hội, Chủ nhiệm Uỷ ban KH, CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, địa vị, vị thế Việt Nam trên thế giới hiện nay đã ở mức cao, khác rất xa so với lúc ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2015, nên công tác bảo vệ môi trường đòi hỏi phải ở mức cao hơn nhiều.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Đầu tư cho môi trường cân xứng với kinh tế, xã hội - Ảnh 2
Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo.

Đánh giá cao sự đổi mới mạnh mẽ của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với 13 chính sách lớn, rất ít dự án Luật mới nào có nhiều chính sách mới mang tính đột phá như vậy. Tuy nhiên, đổi mới càng nhiều thì trở ngại càng lớn, dẫn tới việc xây dựng Luật càng khó và rất khó để thể hiện được khát vọng của Chính phủ vì một Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu.

Dù vậy, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, chúng ta có quyền tin tưởng sẽ có một dự án Luật tốt phục vụ cho công tác bảo vệ môi trường và để có một cuộc sống tốt của người dân Việt Nam. Điều đó thể hiện rõ qua sự quyết tâm và dũng cảm đổi mới của Chính phủ và cơ quan soạn thảo, từ sửa một số điều đến sửa đổi tổng thể, từ 7 chính sách mới thành 13 chính sách mới với nhiều quy định quan trọng.

Hướng đến một bộ luật đồng bộ, thống nhất về môi trường

Báo cáo sơ bộ những điểm mới của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đó là giải quyết được tính thống nhất trong quản lý nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật với hệ thống pháp luật

Năm 1993, chúng ta có Luật BVMT đầu tiên, đến nay qua 2 lần sửa đổi nhưng nhiều nội dung về BVMT vẫn đang được quy định phân tán tại các luật khác nhau, chưa hướng đến mục tiêu tổng thể; đặc biệt, một số chức năng quản lý nhà nước về BVMT hiện đang giao cho các bộ, ngành theo các luật chuyên ngành, chưa bảo đảm vai trò tham mưu, giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về BVMT của Bộ TN&MT.

Khắc phục bất cập nêu trên, tại dự thảo Luật lần này, Bộ TN&MT đã đưa các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; đồng thời phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của các Bộ, ngành, địa phương.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Đầu tư cho môi trường cân xứng với kinh tế, xã hội - Ảnh 3
Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nêu ý kiến tại hội thảo.

Đặc biệt mối tương quan của từng chính sách trong Dự thảo Luật cũng được đánh giá cụ thể với vai trò là đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường với các luật chuyên ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ. Trong đó, thống nhất với pháp luật về đầu tư công, đầu tư và xây dựng về quy định đánh giá sơ bộ tác động môi trường; thời điểm thẩm định báo cáo ĐTM, cấp giấy phép môi trường với thời điểm thẩm định báo cáo nghiên cứu khả khi, thẩm định thiết kế xây dựng; danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai), vấn đề môi trường là vấn đề thời đại, là cấp thiết. Đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá cao Ban soạn thảo đã dày công để biên soạn ra một dự án Luật đồ sộ, bao trùm với rất nhiều vấn đề cấp thiết về môi trường. Đại biểu tán thành việc những lĩnh vực cần thống nhất một đầu mối để tạo ra một thể thống nhất, toàn diện và chịu trách nhiệm.

Thanh, kiểm tra đột xuất mới ngăn chặn được những cái xấu trong môi trường

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà (Phó trưởng đoàn ĐBQH Vĩnh Long), vấn đề bảo vệ môi trường đang ngày càng quan trọng và trở thành vấn đề luôn được các cử tri, các tầng lớp nhân dân quan tâm và chất vấn.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Đầu tư cho môi trường cân xứng với kinh tế, xã hội - Ảnh 4
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) tán thành nội dung thanh, kiểm tra đột xuất.

Với những mục tiêu và những điều khoản mới trong Dự án Luật BVMT (sửa đổi) được bảo đảm chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời góp phần phòng vệ, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm đại biểu Phạm Văn Hoà tin tưởng rằng, sau khi Luật có hiệu lực thi hành chắc chắn sẽ nhận được đông đảo nhân dân ủng hộ. Song song với đó là công tác triển khai, tổ chức những quy định của Luật phải được minh bạch, khách quan.

Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng tán thành những nội dung thanh tra, kiểm tra đột xuất được nêu trong dự thảo Luật, bởi “Việc thông báo trước không bao giờ thanh tra, phát hiện được những cái xấu trong môi trường. Việc thanh, kiểm tra đột xuất mới đạt hiệu quả và người dân hài lòng hơn.” – ông Hoà nhấn mạnh

Góp ý với những điều, khoản trong dự án Luật, đại biểu Phạm Văn Hoà lưu ý cần giải quyết được vấn đề đang vướng mắc hiện nay về việc chồng chéo và trốn tránh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mỗi khi có vấn đề về môi trường, ô nhiễm.

Cần thiết nâng thời hiệu có hiệu lực xử phạt hành chính

Nhấn mạnh một trong số nội dung quan trọng được Đại biểu Quốc hội quan tâm là việc sửa đổi hiệu lực xử phạt hành chính, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thực tế hiện nay việc xử phạt hành chính rất ít. Trong khi, thậm chí phải mất 10 năm, 20 năm mới xác định được ô nhiễm môi trường, nên việc nâng thời hiệu có hiệu lực xử phạt với hành vi gây ô nhiễm môi trường là cần thiết.

“Muốn làm thì phải thay đổi, thay đổi để đáp ứng kỳ vọng của đại biểu và cử tri”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Đầu tư cho môi trường cân xứng với kinh tế, xã hội - Ảnh 5
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nêu ý kiến tại hội thảo

Đồng tình với việc nâng thời hiệu có hiệu lực xử phạt hành chính như trong dự thảo Luật, đại biểu Phạm Văn Hoà cho biết, hiện nay, chúng ta quy định xử phạt vi phạm hành chính hiệu lực chỉ 1,2 năm. Thế nhưng, đối với môi trường chỉ 1,2 năm không thể làm được.

“Hiệu lực như trong dự thảo Luật 5 năm vẫn là thấp vì có nhiều vấn đề môi trường có ảnh hưởng sâu rộng, phải lâu dài mới hiển hiện ra”, đại biểu Phạm Văn Hoà nêu quan điểm.

Chú trọng thay đổi nhận thức và giáo dục ý thức người dân về môi trường

Đánh giá cao việc sửa đổi một cách chi tiết của dự án Luật Bảo vệ môi trường, tuy nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng cần có cách tiếp cận toàn diện hơn.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, thực chất môi trường là thiên nhiên, ứng xử con người với thiên nhiên chính là văn hoá. Chúng ta có giải pháp công nghệ, hạ tầng tốt bao nhiêu nhưng không tạo ra thói quen, nếp sinh hoạt của con người thì không thể bền vững.

“Dịch covid-19 là lời cảnh báo ban đầu về y tế và môi trường. Tôi cho rằng giáo dục ý thức con người phải là một trong những yếu tố được coi trọng và tiếp cận trong sửa đổi Luật lần này”, ông Dương Trung Quốc nêu ý kiến.

Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Đầu tư cho môi trường cân xứng với kinh tế, xã hội - Ảnh 6
Đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn TP.Hải Phòng) nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức về môi trường.

Đồng tình với quan điểm đó, đại biểu Mai Hồng Hải (đoàn TP.Hải Phòng) cho rằng, vấn đề quan trọng nhất về bảo vệ môi trường cái quan trọng là nhận thức. Nếu nhận thức không tới, không hết mà chỉ coi đó là rào cản, gánh nặng thì hành vi, hành động sẽ là sự trốn tránh.

“Do vậy, phải làm sao để người dân, doanh nghiệp nhận thức được đó là trách nhiệm của toàn dân và cả hệ thống chính trị. “Tự mình có trách nhiệm với chính mình”, có nhiều vấn đề không nhận thức được thì không bao giờ thay đổi được”, ông Hải nói.

Nêu thực tế có nhiều doanh nghiệp khi lập dự án đầu tư thì sợ ĐTM vì từ nhận đã coi đó là rào cản phải bước qua, trong khi thực chất đó là công cụ quản lý nhà nước về môi trường. “Đó là điều cần thay đổi trong nhận thức của các doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh và đề nghị, cần chú trọng triển khai, tổ chức, phổ biến, truyền thông trong nhân dân.

Thảo luận tại Hội thảo, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) một lần nữa khẳng định vấn đề cảnh quan, thiên nhiên, môi trường không đơn giản chỉ là vấn đề ô nhiễm, có những cái không gây ô nhiễm nhưng vẫn tàn phá môi trường, thu hẹp môi trường.

"Đất nước càng phát triển, môi trường càng quý giá đối với con người, Luật BVMT sửa đổi phải chuẩn bị tâm thế là hành lang pháp lý cho đến 10, 20 năm sau", Luật sư Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Khương Trung – Tuyết Chinh

Bạn đang đọc bài viết Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi): Đầu tư cho môi trường cân xứng với kinh tế, xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới