Chủ nhật, 24/11/2024 08:21 (GMT+7)
Thứ bảy, 04/03/2023 15:00 (GMT+7)

Dự báo năng lượng, môi trường năm 2023 [kỳ 4]: Chính sách quốc tế và Việt Nam về BĐKH

Theo dõi KTMT trên

Để kết thúc chuyên đề này, chúng ta cùng tham khảo về kết quả thực hiện và xu hướng quốc tế về biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua kết quả COP27...

Để kết thúc chuyên đề này, chúng ta cùng tham khảo về kết quả thực hiện và xu hướng quốc tế về biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua kết quả COP27; chính sách biến đổi khí hậu của Nhật Bản - nước công nghiệp phát triển trong khu vực Đông Bắc Á, cũng như những tác động của biến đổi khí hậu và kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050.

Dự báo năng lượng, môi trường năm 2023 [kỳ 4]: Chính sách quốc tế và Việt Nam về BĐKH - Ảnh 1
Dự báo năng lượng, môi trường năm 2023 [kỳ 2]: Năng lượng tái tạo, điện hạt nhân Trong kỳ trước, chúng ta đã tham khảo về dự báo thị trường than, dầu mỏ, khí đốt. Ở kỳ 2 này, bài báo sẽ tập trung vào hai vấn chính, đó là năng lượng tái tạo và điện hạt nhân.

Kết quả thực hiện và xu hướng quốc tế:

Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức từ ngày 6 - 18/11/2022 tại thành phố Sharm el-Sheikh, Cộng hoà Ả-rập Ai-cập. Tại Hội nghị này, một số quốc gia đã trì hoãn, hoặc giảm tham vọng trong các chính sách về khí hậu và thậm chí chuyển hướng quay về sử dụng năng lượng hóa thạch. Kể từ sau COP26 đến COP27 có 29 quốc gia nộp bản cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) phản ánh nỗ lực cao hơn trong thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), trong đó có thực hiện các cam kết tại COP26.

Kết quả chính của COP27 là việc thông qua Kế hoạch làm việc Sharm El Sheikh gồm các nội dung chính sau đây:

1/ Về vai trò của khoa học và tình trạng khẩn cấp khí hậu:

- Khẳng định tầm quan trọng của thông tin khoa học và đóng góp của Ủy ban Liên Chính phủ về BĐKH (IPCC) ghi nhận những khoảng trống về thích ứng BĐKH và giảm nhẹ phát thải KNK.

- Khẳng định mục tiêu của Thoả thuận Paris là giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng lên ở dưới ngưỡng 2 độ C, phấn đấu đạt ngưỡng 1,5 độ C và ghi nhận tác động của BĐKH.

2/ Về tăng cam kết và thực hiện:

- Khẳng định tầm quan trọng của thực hiện chuyển đổi bao trùm, công bằng và tham vọng phù hợp với mục tiêu, cũng như các nguyên tắc của UNFCCC, Nghị định thư Kyoto, Thoả thuận Paris và các quyết định COP.

3/ Về năng lượng:

- Nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết thực hiện ngay giảm phát thải từ tất cả các lĩnh vực, trong đó có thông qua phát triển năng lượng ít phát thải, năng lượng tái tạo, đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng và các hình thức hợp tác khác.

- Ghi nhận trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng chưa từng có cần khẩn cấp chuyển đổi hệ thống năng lượng sang nguồn năng lượng có mức độ an ninh và ổn định hơn, bao gồm việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng một cách công bằng sang năng lượng tái tạo.

- Nhấn mạnh tầm quan trọng tăng tỷ trọng năng lượng sạch phù hợp với điều kiện quốc gia và nhu cầu hỗ trợ để chuyển đổi công bằng.

4/ Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính:

- Ghi nhận để đạt mục tiêu 1,5 độ C vào cuối thế kỷ của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cần đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu 43% vào năm 2030 so với năm 2019.

- Nêu bật tầm quan trọng của giảm phát thải ngay trong thập kỷ này trên cơ sở bình đẳng và thông tin khoa học tốt nhất hiện có, phù hợp nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp điều kiện quốc gia và bối cảnh phát triển bền vững, xoá đói giảm nghèo.

- Kêu gọi các quốc gia đẩy nhanh phát triển, chuyển giao công nghệ và thông qua các chính sách phát triển hệ thống năng lượng ít phát thải, bao gồm ứng dụng và mở rộng nhanh chóng công nghệ sản xuất năng lượng sạch và các biện pháp nâng cao hiệu quả năng lượng, bao gồm giảm nhanh nhiệt điện than và trợ cấp năng lượng hoá thạch kèm theo các khoản hỗ trợ có mục tiêu cho các quốc gia nghèo và dễ bị tổn thương nhất phù hợp điều kiện quốc gia, hướng tới các nhu cầu chuyển đổi công bằng.

- Kêu gọi các quốc gia thực hiện mạnh mẽ các hành động giảm phát thải khí mê-tan.

5/ Về thích ứng với biến đổi khí hậu:

- Ghi nhận kèm theo lo ngại về khoảng cách giữa mức độ thích ứng với BĐKH hiện tại so với nhu cầu thích ứng với BĐKH.

- Kêu gọi các quốc gia thông qua cách tiếp cận chuyển đổi để tăng cường khả năng thích ứng và sức chống chịu trước tác động của BĐKH.

- Kêu gọi các quốc gia phát triển khẩn trương tăng đáng kể việc cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực đáp ứng nhu cầu của các nước đang phát triển, bao gồm xây dựng và thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH.

- Khẳng định tầm quan trọng của quỹ, đặc biệt về BĐKH, kêu gọi các quốc gia phát triển đóng tiền cho quỹ.

- Kêu gọi các quốc gia quan tâm vấn đề nước trong thích ứng với BĐKH.

6/ Về tổn thất và thiệt hại:

- Khẳng định BĐKH dẫn đến tổn thất và thiệt hại ngày càng gia tăng cả về mặt kinh tế và phi kinh tế như bắt buộc di dời, tác động đến các di sản văn hóa, di chuyển của con người, sinh mạng và sinh kế của người dân.

- Chi phí liên quan đến tổn thất và thiệt hại tại các nước đang phát triển là rất lớn, gia tăng nợ quốc gia, ảnh hưởng việc thực hiện các mục tiêu bền vững.

- Chào đón việc các bên lần đầu tiên thông qua được vấn đề liên quan đến tài trợ cho xử lý tổn thất và thiệt hại, thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại.

- Chào đón các thỏa thuận thể chế để vận hành Mạng lưới Santiago về tổn thất và thiệt hại nhằm thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển, đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động bất lợi của BĐKH.

- Thành lập Ủy ban chuyển đổi để xây dựng quy định chi tiết trình COP28.

7/ Về cảnh báo sớm và quan trắc hệ thống:

- Nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết những thiếu hụt về hệ thống quan trắc khí hậu toàn cầu.

- Ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc nhân Ngày khí tượng thế giới về việc thiết lập hệ thống cảnh báo sớm toàn cầu về thời tiết cực đoan và BĐKH, kêu gọi các bên tài trợ cho nỗ lực này.

8/ Về thực hiện - lộ trình chuyển đổi công bằng:

- Khẳng định các giải pháp bền vững, công bằng phải được xây dựng trên cơ sở đối thoại xã hội và tham gia của tất cả các bên có liên quan một cách hiệu quả và có ý nghĩa.

- Việc chuyển đổi toàn cầu sang phát thải thấp đem lại cơ hội và thách thức phát triển kinh tế bền vững và xóa đói, nghèo.

- Nhấn mạnh việc chuyển đổi công bằng, công lý bao gồm các lộ trình về năng lượng, kinh tế - xã hội, lực lượng lao động và các khía cạnh khác dựa trên các ưu tiên phát triển do quốc gia xác định (bao gồm bảo trợ xã hội) để giảm thiểu các tác động tiềm năng liên quan đến quá trình chuyển đổi, cũng như nhấn mạnh vai trò quan trọng của các công cụ liên quan đến bảo vệ và đoàn kết xã hội nhằm giảm nhẹ tác động của các giải pháp được áp dụng.

9/ Về tài chính:

- Để có thể đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhu cầu đầu tư khoảng 4 nghìn tỷ USD mỗi năm cho năng lượng tái tạo đến năm 2030.

- Việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp dự kiến sẽ cần đầu tư ít nhất 4 - 6 nghìn tỷ USD mỗi năm.

- Yêu cầu chuyển đổi hệ thống tài chính với sự tham gia của các chính phủ, ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư, tài chính để huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu nêu trên.

- Khẳng định nhu cầu thực hiện NDC của các nước đang phát triển là 5,8-5,9 nghìn tỷ USD cho giai đoạn trước năm 2030.

- Bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc các nước phát triển chưa đạt mục tiêu huy động 100 tỷ USD mỗi năm và kêu gọi các quốc gia khẩn trương thực hiện mục tiêu này.

- Nguồn tài chính huy động được còn nhỏ so với nhu cầu của các quốc gia đang phát triển.

- Kêu gọi các quốc gia phát triển hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH.

- Kêu gọi các các định chế tài chính điều chỉnh ưu tiên, nguồn lực ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu.

10/ Về triển khai và chuyển giao công nghệ:

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc thực hiện các hoạt động chương trình làm việc chung của Ủy ban Công nghệ và mạng lưới Trung tâm công nghệ khí hậu cho giai đoạn 2023 - 2027 tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi cần thiết để đạt được mục tiêu của Công ước và Thỏa thuận Paris, mời các bên tham gia hỗ trợ thực hiện chương trình làm việc chung bao gồm đánh giá nhu cầu công nghệ, kế hoạch hành động và lộ trình thực hiện.

11/ Về tăng cường năng lực:

Ghi nhận thiếu hụt và nhu cầu tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển, kêu gọi các quốc gia phát triển nâng cao hỗ trợ tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển.

12/ Về đánh giá nỗ lực:

Ghi nhận tầm quan trọng của rà soát thường xuyên mục tiêu toàn cầu dài hạn trong khuôn khổ Công ước và tiến độ đạt được.

13/ Về đại dương:

Ủng hộ nỗ lực và kết quả của đối thoại năm 2022, khuyến khích các bên xem xét đưa các hoạt động dựa vào đại dương trong các mục tiêu khí hậu quốc gia và thực hiện các mục tiêu này bao gồm nhưng không hạn chế trong NDC, các chiến lược dài hạn và các báo cáo quốc gia thích ứng với BĐKH.

14/ Về rừng:

Khuyến khích các bên xem xét các giải pháp dựa vào tự nhiên, hệ sinh thái, có xem xét Nghị quyết 5/5.31 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc cho hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội có liên quan.

15/ Về nông nghiệp: Hoan nghênh việc thiết lập chương trình làm việc chung Sharm El-Sheikh 4 năm về việc thực hiện các hành động khí hậu về an ninh lương thực và nông nghiệp, thiết lập cổng thông tin điện tử trực tuyến Sharm El-Sheikh.

16/ Về tăng cường việc thực hiện của các thực thể phi nhà nước:

- Khẳng định vai trò quan trọng của người dân và cộng đồng địa phương, thành phố, các tổ chức xã hội, bao gồm cả thanh niên và trẻ em, trong việc giải quyết và ứng phó với BĐKH.

- Nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về hành động hợp tác với các thực thể này.

- Ghi nhận việc thông qua kế hoạch hành động trong khuôn khổ Chương trình làm việc Glasgow về hành động trao quyền khí hậu.

- Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong các hành động khí hậu, khẳng định vai trò của trẻ em và thanh niên như các nhân tố quan trọng trong giải quyết vấn đề BĐKH.

Tóm lại, tại COP27 ở Ai Cập, Chương trình Công tác Giảm thiểu biến đổi khí hậu với việc kiểm tra tiến độ hàng năm đã được đưa ra trong lĩnh vực giảm thiểu BĐKH và các cuộc đàm phán kỹ thuật về cách vận hành cơ chế này đã được thực hiện trong khu vực tín dụng. Cuối cùng, không có thỏa thuận nào đạt được về các vấn đề phương pháp luận, hoặc hướng dẫn về việc loại bỏ Điều 6.4 (cơ chế do Liên Hợp Quốc quản lý) và cách tiếp cận dựa trên Điều 6.2 (chuyển giao quốc tế các khoản cắt giảm dựa trên các thỏa thuận song phương, hoặc đa phương tự nguyện) dự kiến sẽ được thực hiện trước tiên. Trong khi đó, vì các khoản tín dụng tự nguyện hiện không thể được sử dụng cho khối lượng phát thải, hoặc tiềm năng phát thải đã điều chỉnh theo Đạo luật Thúc đẩy các Biện pháp Đối phó với Sự nóng lên Toàn cầu, điều quan trọng là phải tiếp tục thực hiện các sáng kiến J-tín dụng và JCM.

COP28 sẽ trùng với giai đoạn cuối của Kiểm kê toàn cầu đầu tiên (GST), đánh giá 5 năm về tiến độ hướng tới các mục tiêu dài hạn của Thỏa thuận Paris. Mục đích của GST là đánh giá "trên toàn thế giới" nó sẽ không đánh giá được sự tiến bộ của mỗi quốc gia.

Xu hướng của Nhật Bản:

Trọng tâm lớn nhất sẽ là thiết kế thể chế cho sáng kiến định giá carbon (CP) định hướng tăng trưởng. Một trong những trọng tâm của sáng kiến này là Trái phiếu chuyển đổi kinh tế GX, mà Chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả trước 20 nghìn tỷ yên trong tổng số hơn 10 năm để đẩy nhanh nỗ lực khử cacbon của các công ty. Trái phiếu Chuyển đổi Kinh tế GX sẽ bắt đầu được phát hành vào năm 2023, với các khoản hoàn trả được tài trợ bởi chương trình CP mới và dự kiến hoàn thành vào năm 2050. Tiêu chí về công nghệ và biện pháp nhận hỗ trợ, cũng như chi tiết về các phương thức hỗ trợ sẽ được thảo luận trong tương lai.

Hệ thống CP đang được hình dung là sự kết hợp giữa mua bán phát thải (GX-ETS) và phụ phí carbon (phụ phí GX). Phụ phí sẽ được áp dụng ở thượng nguồn và dự kiến sẽ được áp dụng vào khoảng năm 2028. Hệ thống mua bán khí thải sẽ tạm thời được điều hành bởi GX-League vận hành GX-ETS, tập trung vào quyền tự chủ của các công ty thành viên, nhưng để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả, chứng nhận và kỷ luật của bên thứ ba sẽ được tăng cường từ năm 2026, và hình thức đấu giá có trả tiền sẽ được áp dụng theo từng giai đoạn trong lĩnh vực sản xuất điện từ khoảng năm 2033.

Do lĩnh vực sản xuất điện có thể phải chịu cả mua bán phát thải và phụ phí theo hệ thống CP được đề xuất nên một số biện pháp điều chỉnh sẽ là không thể thiếu. Mặc dù chính sách nhằm giảm tổng gánh nặng tài chính so với mức hiện tại (bao gồm từ thuế xăng dầu và than đá, phụ phí năng lượng tái tạo...), nhưng cần phải xem xét thích đáng các tác động đối với cuộc sống của người dân và khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành.

Một cách tiếp cận là phân bổ số tiền thu được từ Trái phiếu Chuyển đổi để hỗ trợ các công ty đang hoạt động trong GX League, bên cạnh các công nghệ khử cacbon.

Đặc biệt, tác động của các biện pháp liên quan đến chuỗi cung ứng, bao gồm cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ tác động đến cơ sở của chuỗi cung ứng. Hơn nữa, do mua bán phát thải của ngành sản xuất điện trong các cuộc đấu giá có trả tiền có thể đẩy giá điện lên ít nhất là trong ngắn hạn và do đó cản trở quá trình điện khí hóa, một trong những trụ cột của chính sách công nghiệp, nên các biện pháp giải quyết vấn đề này phải được xem xét.

Cuối cùng, để tạo cơ sở cho việc giới thiệu hệ thống CP, cần khẩn trương rà soát và làm rõ các chính sách hiện hành trong lĩnh vực này. Điều này cần thiết để hiện thực hóa khái niệm CP định hướng tăng trưởng, thậm chí còn cần thiết hơn cả việc thiết kế hệ thống CP.

Các vấn đề của Việt Nam:

1/ Các tác động gần đây của BĐKH:

Theo Báo cáo kỹ thuật Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (cập nhật năm 2022), các biểu hiện của BĐKH tới Việt Nam gồm:

Thứ nhất, về biến đổi của nhiệt độ:

Tính trung bình trên cả nước, nhiệt độ trung bình năm tăng 0,89°C trong 61 năm có số liệu quan trắc, tương ứng với 0,15°C/thập kỷ. Tốc độ tăng rất khác nhau giữa hai nửa thời kỳ, trong 27 năm đầu (1958 - 1985) nhiệt độ chỉ tăng 0,15°C (khoảng 0,056°C/thập kỷ); trong 33 năm sau (1986 - 2018) nhiệt độ tăng 0,74°C (khoảng 0,22°C/thập kỷ).

Mức tăng của nhiệt độ trung bình năm tăng dần theo các thập kỷ, mạnh nhất là ở thập kỷ 2011 - 2018. Nhiệt độ trung bình, cũng như cao nhất và thấp nhất năm tăng tại hầu khắp cả nước.

Số ngày nắng nóng (ngày có Tx ≥ 35°C) tăng trên hầu hết các vùng khí hậu, phổ biến từ 10 đến 40 ngày, tương đối nhiều ở phía Nam vùng Đông Bắc, đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ.

Số ngày rét đậm (nhiệt độ trung bình ≤ 15°C) giảm rõ rệt, phổ biến từ 10 đến 25 ngày. Số ngày rét hại (nhiệt độ trung bình ≤ 13°C) giảm ở miền khí hậu phía Bắc, phổ biến từ 5 đến 20 ngày.

Thứ hai, biến đổi của lượng mưa:

Lượng mưa năm trung bình cả nước tăng nhẹ, với mức tăng 2,1% trong 61 năm; tăng ở phần lớn diện tích phía Nam, nhiều nhất ở Nam Trung bộ và giảm ở phần lớn diện tích phía Bắc và phía Tây của Tây Nguyên.

Lượng mưa một ngày lớn nhất (Rx1day) tăng ở trung tâm vùng Đông Bắc, hầu hết các tỉnh duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, phổ biến từ 20 đến 60%; giảm ở hầu hết các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ, một phần Bắc Trung bộ, cực Nam Trung bộ và Tây Nam bộ. Lượng mưa năm ngày lớn nhất (Rx5day) tăng ở hầu hết cả nước, phổ biến từ 5 đến 40%.

Thứ ba, biến đổi của bão và áp thấp nhiệt đới:

Số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông dao động qua các năm, nhiều nhất là 20 cơn vào năm 2017; 19 cơn vào năm 1964, 2013; 18 cơn vào năm 1989 và 1995. Nhưng chỉ có 4 cơn vào năm 1969; 6 cơn vào năm 1963, 1976, 2014, 2015. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ, hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam cũng có dao động tương tự.

Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có xu thế tăng nhẹ trong khi số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp và đổ bộ vào Việt Nam không có xu thế rõ ràng. Thời kỳ 1990 - 2018, có 86 cơn bão mạnh (từ cấp 12 trở lên), trung bình mỗi năm có 2 - 3 cơn. Các cơn bão mạnh có xu thế tăng nhẹ, thời gian hoạt động muộn hơn, đường đi lệch hơn về phía Nam và đổ bộ vào khu vực phía Nam nhiều hơn. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam trong những năm gần đây có nhiều bất thường.

Thứ tư, biến đổi mực nước biển:

Tính trung bình toàn dải ven biển Việt Nam, mực nước biển tăng khoảng 2,7 mm/năm. Mực nước biển trung bình trên toàn Biển Đông tăng 4,1 mm/năm trong giai đoạn 1993 - 2018.

Với dải ven biển có chiều dài 3.260 km và các vùng biển hải đảo, Việt Nam là vùng sẽ chịu nhiều rủi ro, tác động tiềm tàng nhiều nhất liên quan đến BĐKH và nước biển dâng. Rủi ro sẽ ngày càng gia tăng đối với các vùng đồng bằng và ven biển, đặc biệt là các đô thị ven biển do mật độ dân cư cao, quy hoạch đô thị/không gian chưa tính đến BĐKH và là vùng tập trung nhiều tài sản, công trình hạ tầng và các nhóm dân cư dễ bị tổn thất.

Khu vực miền núi phía Bắc và vùng núi ở miền Trung sẽ chịu nhiều rủi ro hơn do lũ quét và trượt lở đất. Trong khi đó, vùng duyên hải Trung bộ và Nam Trung bộ, đồng bằng Bắc bộ, các vùng trung du và khu vực Tây Nguyên chịu rủi ro cao hơn và dễ bị tổn thương hơn do hạn hán, thiếu nước và gia tăng hoang mạc hoá. ĐBSCL có nguy cơ bị ngập do nước biển dâng và sụt lún đất do lún địa chất, giảm lượng phù sa về đồng bằng, và khai thác nước ngầm quá mức. Theo dự tính, một số khu vực thuộc ĐBSCL có thể bị ngập đến 100 cm vào giữa thế kỉ 21 do tác động kết hợp giữa nước biển dâng và sụt lún đất.

Các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao trước BĐKH là nông nghiệp và an ninh lương thực, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, nơi cư trú và hạ tầng kỹ thuật, đây là những ngành/lĩnh vực có mức độ phơi bày và mức độ nhạy cảm cao với thiên tai, các hiện tượng khí hậu cực đoan. BĐKH là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Trong tương lai, dưới tác động của BĐKH và nước biển dâng, nguy cơ bị ngập dẫn đến mất đất canh tác nông nghiệp, nước tưới cho nông nghiệp, nước cấp cho sinh hoạt và công nghiệp bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Theo báo cáo cập nhật hai năm một lần (lần thứ 3) của Việt Nam, tổng phát thải ròng khí nhà kính (KNK) trong năm 2016 là gần 316.735 nghìn tấn CO2tđ. Trong đó, phát thải KNK từ lĩnh vực năng lượng hơn 205.832 nghìn tấn CO2tđ, chiếm tỷ trọng lớn nhất là 65%, tiếp theo là lĩnh vực Các quá trình công nghiệp và tiêu thụ sản phẩm (IPPU), 46.095 nghìn tấn CO2tđ, chiếm 14,6%. Phát thải ròng của lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất mục đích khác (AFOLU) là 44.070 nghìn tấn CO2tđ, trong đó lượng hấp thụ CO2 từ đất là -39.491 nghìn tấn CO2tđ, chiếm tỷ trọng lớn thứ ba, 13,9% và nhỏ nhất là lĩnh vực chất thải, 20.738 nghìn tấn CO2 tđ, chiếm 6,5%.

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam tuyên bố “sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà khính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”. Việt Nam cũng đã tham gia cam kết giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020; không phát triển nhà máy điện than mới sau năm 2030; tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng, sử dụng đất và một số cam kết khác.

Sau COP26, Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được thành lập do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng, thực hiện các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26./.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU

Bạn đang đọc bài viết Dự báo năng lượng, môi trường năm 2023 [kỳ 4]: Chính sách quốc tế và Việt Nam về BĐKH. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới