Chủ nhật, 24/11/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ tư, 10/08/2022 11:00 (GMT+7)

Du lịch bền vững - "Nói không với rác thải nhựa"

Theo dõi KTMT trên

Trước tác động nghiêm trọng của loại rác thải nhựa đối với môi trường, mục tiêu “đảo xanh không rác thải nhựa” đã lan tỏa ra các tuyến đảo gần bờ, các điểm đến du lịch nổi tiếng và trở thành một chiến lược trọng tâm trong phát triển du lịch bền vững.

Nhận thức được tác hại của rác thải nhựa từ thói quen sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần như: ống hút, thìa, đĩa nhựa... phong trào loại bỏ túi nylon khỏi thói quen sinh hoạt hàng ngày đã được nhân rộng trên khắp các địa phương. Nhiều địa phương đã có các sáng kiến trong việc thực hiện những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường hơn như thực hiện triệt để việc “nói không với túi nylon” tại các điểm du lịch, áp dụng việc tiết giảm sử dụng túi nylon ngay từ gia đình các hội viên phụ nữ các cấp. Điều này đã và đang góp tiếng nói mạnh tuyên truyền, vận động dần loại bỏ thói quen sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân.

Mới đây, huyện Cô Tô đã có thông báo kết luận về hội nghị triển khai thực hiện các biện pháp đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng và hiệu quả du lịch Cô Tô.

Trong đó nêu rõ tuyên truyền cộng đồng, doanh nghiệp tích cực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chú trọng công tác vệ sinh môi trường, hạn chế sử dụng túi nylon; hình thành thói quen trong nhân dân và du khách về sử dụng các vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường trong hoạt động du lịch…

Du lịch bền vững - "Nói không với rác thải nhựa" - Ảnh 1
Người dân Cô Tô tham gia thu gom rác thải nhựa, túi nylon tại khu vực bãi biển.

Đáng chú ý, bắt đầu từ ngày 1/9/2022, Cô Tô sẽ thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nylon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại đây. Đây là một trong những giải pháp mà huyện đảo du lịch Cô Tô đang triển khai thực hiện nhằm xây dựng Cô Tô thành huyện đảo không rác thải nhựa.

Không chỉ Cô Tô, ngay trên huyện đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), nếu du khách sử dụng túi nylon sẽ được người dân tại đây nhắc nhở, đồng thời tuyên truyền, vận động về quy định của đảo. Người dân giúp họ chuyển đổi túi nylon bằng các loại túi sinh thái. Nhiều khách du lịch tỏ ra rất thích thú với việc mua quà và quà được gói vào giấy báo thay thế cho túi nylon.

Du lịch bền vững - "Nói không với rác thải nhựa" - Ảnh 2
Huyện đảo Cù Lao Chàm thực hiện tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp.

Bên cạnh việc phát giỏ nhựa, Ban Quản Lý Khu Bảo Tồn Biển Cù Lao Chàm cũng đã cho thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động người dân, để bà con nhận rõ tác hại của túi nylon cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Không ít du khách sau khi rời khỏi Cù Lao Chàm đã thay đổi thói quen dùng túi nylon. Chính nhờ thói quen ấy mà hòn đảo xinh đẹp này đã gìn giữ được môi trường trong lành, thân thiện.

Trong thời gian qua, Phú Quốc phát triển rất mạnh về kinh tế dịch vụ, trong đó ngành du lịch dịch vụ, nghỉ dưỡng, lưu trú, vui chơi giải trí thể thao biển đóng vai trò quan trọng mang lại nguồn thu đáng kể cho các doanh nghiệp cũng như ngân sách địa phương. Nhằm đảm bảo hài hoà phát triển du lịch nhưng vẫn đảm bảo môi trường, Vườn Quốc gia Phú Quốc đã phối hợp với Quỹ bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF - Việt Nam) tổ chức tặng hàng trăm thùng đựng rác và tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, các nhà hàng, điểm các vui chơi giải trí và chủ phương tiện đưa rước khách khi tham gia hoạt động du lịch biển.

Khu bảo tồn biển Phú Quốc có vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, phát triển kinh tế biển, góp phần cải thiện sinh kế của người dân ven biển. Tuy nhiên trong những năm gần đây, dưới sự tác động của con người, nhất là khách du lịch thường xuyên vứt túi nylon, chai nhựa xuống biển, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài thuỷ sinh, thảm cỏ biển, rạn san hô… trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

“Nhằm hạn chế cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, khách du lịch, Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa Vườn Quốc gia Phú Quốc xây dựng chương trình “nói không với túi nylon” để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như khách du lịch về túi nylon. Đồng thời, phát tờ rơi, áp phích, tổ chức ký cam kết cũng như phát những thùng rác cho các phương tiện thuỷ chuyên chở khách du lịch để chủ phương tiện cũng như du khách không xả rác xuống biển mà gom rác thải lên bờ xử lý đúng nơi quy định”, ông Lý Vành Tha - Phó trưởng phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết.

Trong khi đó, Lý Sơn là huyện đảo chỉ có hơn 10km2, dân số hơn 22.000 người. Mỗi ngày, đảo đón khoảng 600 lượt khách du lịch. Mọi sinh hoạt của người dân và du khách đang sử dụng rất nhiều túi nylon. Ngoài ra, còn lượng rác thải từ biển trôi dạt vào bờ cũng chưa được xử lý. 

Cuộc sống người dân trên đảo có thể nhìn trước được những vấn đề ô nhiễm. Chính vì vậy, huyện đảo Lý Sơn lên kế hoạch thực hiện thí điểm không dùng túi nylon tại đảo Bé, xã An Bình với hình thức tuyên truyền người dân sử dụng các loại túi giấy, túi tái chế, túi dùng nhiều lần. Trên cơ sở đó, sẽ nhân rộng ra toàn đảo.

Nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, UBND huyện Côn Đảo phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã chính thức khởi động đề án “Côn Đảo - Nói không với túi nylon - Hướng đến mục tiêu không rác thải nhựa”.

Theo đó, chuỗi các hoạt động bao gồm hệ thống bảng tuyên truyền tại khu vực chợ Côn Đảo với thông điệp “Tôi chọn giảm túi nylon – Để Côn Đảo mãi là thiên đường” đã được triển khai.

Du lịch bền vững - "Nói không với rác thải nhựa" - Ảnh 3
Đề án “Côn Đảo - Nói không với túi nylon - Hướng đến mục tiêu không rác thải nhựa” đã được khởi động từ nhiều năm trước.

Bên cạnh đó, hoạt động ký gửi giỏ xách cho người dân và du khách khi đi chợ cũng sẽ được triển khai nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi nion. Cụ thể, người dân và khách du lịch nếu không có, hoặc quên mang theo túi đựng cá nhân thì có tới quầy ký gửi để được cấp giỏ xách đựng đồ thay cho túi nylon.

Giỏ xách là các loại túi có quai, kích thước lớn, làm bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như: túi vải, túi cói, túi lưới, túi bạt… phù hợp với nhu cầu mua sắm của người dân và du khách.

Đề án “Côn Đảo - Nói không với túi nylon - Hướng đến mục tiêu không rác thải nhựa” dự kiến được triển khai trong quý 4 năm 2020 và tiếp tục kéo dài trong thời gian tiếp theo.

Từ năm 2030, Việt Nam sẽ cấm toàn bộ túi nylon

Dự kiến, từ năm 2030, Việt Nam sẽ cấm toàn bộ túi nylon, kể cả các khu chợ dân sinh cũng sẽ không còn túi nylon dùng một lần. Hiện các nhà sản xuất đang tính toán thay đổi công nghệ để đáp ứng thị trường và tuân thủ quy định nhà nước.

Theo khảo sát của Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cũng cho thấy hiện vẫn còn một số lượng lớn túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị, trung bình lên tới 104.000 túi nylon/ngày, tương đương với 38 triệu túi nylon/năm.

Trước thực tế đó, Việt Nam đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Đặc biệt, từ năm 2030, Việt Nam sẽ cấm toàn bộ túi nylon, thay vào đó là các bao bì thân thiện với môi trường.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Du lịch bền vững - "Nói không với rác thải nhựa". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ninh Bình: Vượt mục tiêu đón khách du lịch trong năm 2024
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, lượng khách du lịch đến tỉnh này trong tháng 10 đạt 386,5 nghìn lượt, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đón gần 7,7 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đón 7,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
TP.HCM: Doanh thu từ lữ hành tăng gần 50%
10 tháng của năm 2024, doanh thu ngành du lịch TP.HCM đạt 156.649 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ dịch vụ lữ hành đạt mức cao với 32.255 tỉ đồng, tăng mạnh 46,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới