Chủ nhật, 24/11/2024 05:02 (GMT+7)
Thứ ba, 03/11/2020 10:40 (GMT+7)

Dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Cần thêm quy định về công khai báo cáo đánh giá môi trường

Theo dõi KTMT trên

Nhiều chuyên gia đề nghị dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần bổ sung quy định cơ quan thẩm định công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, công khai hội đồng thẩm định, quyết định phê duyệt để cộng đồng giám sát, phản biện.

Luật Bảo vệ môi trường hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2014 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ những hạn chế, chưa tiếp cận kịp thời các vấn đề phát sinh mới từ thực tiễn.

Đại diện Bộ TN-MT cũng cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật với những thay đổi nhanh của cơ chế thị trường. Quản lý môi trường mới chỉ tập trung đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, chưa làm rõ vai trò của người dân, doanh nghiệp, sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng trong bảo vệ môi trường, chưa huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội cho bảo vệ môi trường.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường là bước thụt lùi

Tại buổi tọa đàm "Góc nhìn cộng đồng và chuyên gia đối với Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi" diễn ra ngày 2/11, nhiều ý kiến đồng tình cần phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo VietnamNet, tại tọa đàm, đa phần các chuyên gia, nhà khoa học tại đều bày tỏ nỗi lo về dự thảo luật còn nhiều “hạt sạn” nếu được trình Quốc hội thông qua vào ngày 11/11 tới đây.

Dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Cần thêm quy định về công khai báo cáo đánh giá môi trường - Ảnh 1
TS Hoàng Dương Tùng. (Ảnh: Báo Thanh niên)

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN-MT cho rằng, dù nhiệt tình, sát sao với việc góp ý kiến vào sửa Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi nhưng không dễ tiếp cận với bản dự thảo mới nhất.

Ông cho biết, cá nhân ông từng đưa nhiều ý kiến rất thiết thực cho việc sửa luật, nhưng không thấy thiện chí tiếp thu của cơ quan soạn thảo là Bộ TN-MT nên đã gửi văn bản kiến nghị tới lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội.

“Tôi có góp ý chi tiết về các quy định bảo vệ môi trường nước, môi trường không khí thì trong dự thảo được quy định rất ngắn gọn. Bảo vệ môi trường nước chỉ có 2 trang; bảo vệ môi trường không khí chỉ có 1 trang.

Chưa từng thấy dự thảo luật Bảo vệ môi trường nào mà vấn đề rất quan trọng là nước và không khí mang tính sống còn lại sơ sài vậy dù Ban soạn thảo có giải thích đã được đề cập ở chỗ này, chỗ khác. Nhưng, còn nhiều vấn đề khác phát sinh trong điều kiện mới cần cập nhật mà luật cần đi trước”, ông Tùng bày tỏ.

Bên cạnh đó là công khai kết quả thanh tra, hiện nay thường là không hoặc chậm công khai. Kết quả quan trắc của các dự án đầu tư cũng cần phải công khai để người dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. "Công khai để phòng ngừa, hạn chế đánh đổi môi trường lấy kinh tế, chạy dự án, cơ chế tiêu cực sinh ra từ việc thiếu công khai, tăng cường giám sát của cộng đồng, cớ sao lại không?”, ông Tùng nói.

Dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Cần thêm quy định về công khai báo cáo đánh giá môi trường - Ảnh 2
Các chuyên gia cho rằng, cần công khai về đánh giá môi trường chiến lược, công khai ĐTM, kết quả thanh tra… (Ảnh minh họa: Internet)

Còn theo nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT: Đánh giá chung của tôi và nhiều người quan tâm đến dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này là bước lùi so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, có Điều 131 về công khai thông tin về môi trường là sự tiến bộ: Công khai về đánh giá môi trường chiến lược, công khai ĐTM, kết quả thanh tra… nhưng dự thảo luật lần này bỏ là bước thụt lùi. Tôi cho rằng, cần công khai và thời điểm công khai.

Nếu không quy định rõ, doanh nghiệp có thể cãi cùn rằng là tôi chưa công khai, 10 năm nữa tôi mới công khai cũng không sai luật.

Tôi đã gửi góp ý, trong đó đề nghị, các nội dung liên quan đến ĐTM (đánh giá tác động môi trường) là giấy phép môi trường: ĐTM (bản trình Hội đồng thẩm định, bản được phê duyệt), thành viên Hội đồng thẩm định, quyết định thẩm duyệt, các hồ sơ xin giấy phép môi trường phải được công khai.

Cơ bản đã đi đến thống nhất

Cũng trong ngày 2/11, Bộ TN-MT phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Hội thảo “Những nội dung quan trọng trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)”.

Dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Cần thêm quy định về công khai báo cáo đánh giá môi trường - Ảnh 3
Hội thảo “Những nội dung quan trọng trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)”. (Ảnh: Báo TN-MT)

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, đến thời điểm hiện tại, ý kiến ĐBQH về các chính sách lớn, các phương án lớn trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) về cơ bản đã đi đến thống nhất với nhau.

Theo báo TN-MT, tham gia thảo luận tại hội thảo, ĐBQH Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, việc tiếp thu của cơ quan soạn thảo hết sức cầu thị, giải trình cụ thể, nỗ lực lớn để mong muốn môi trường thực sự thay đổi. Vấn đề xả thải nước mặt chúng ta đã có quy định về hạn ngạch mức chịu tải của dòng sông, vậy còn rất nhiều những yếu tố môi trường khác có nên đề cập không? Ví dụ như hạn ngạch khai thác nước ngầm; nước ngầm hiện nay khai thác một cách vô tội vạ, dẫn đến sụt lún… Vấn đề hạn ngạch khai thác nước ngầm đã đề cập chưa, có nên đề cập không và có khả thi hay không? Hay hạn ngạch khí thải, hiện nay các địa phương cấp phép trong dự án hâu như là cứ cấp phép còn khí thải xả ra môi trường xung quanh chịu.

Đại biểu có đề cập đến việc cân nhắc tính toán mức chịu tải môi trường, mức chịu tải để cấp phép xả thải; cấp phép các dự án như thế nào để tổng mức khí thải trong mức chịu đựng. Điều này phải có sự điều phối chung trong phạm vi khu vực, quốc gia.

Tham gia góp ý về đánh giá tác động môi trường và về giấy phép môi trường, Đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, ông đồng phương án 1 trong tờ trình Chính phủ có điều chỉnh dự án đầu tư chia thành 4 nhóm, các dự án phả có đánh giá môi trường và phải có giấy phép môi trường, đây là những dự án cự kỳ quan trọng có liên quan đến môi trường và cũng như có tác động xấu đến môi trường thì những dự án này là phải có đánh giá tác động môi trường.

Thứ hai, dự án đầu tư chỉ phải thực hiện đánh giá tác động môi trường môi mà không cần có giấy phép tác động môi trường, các nội dung này rất thông nhất, cụ thể.

“Cái được của luật bảo vệ môi trường sửa đổi lần này là Bộ TN-MT và ban thẩm tra đã có tiếp thu, không phải tất cả dự án đều phải đánh giá tác động môi trường, mà phải chia rạch ròi, dự án 1,2,3 có những dự án nào cần phải đánh giá tác động của môi trường. Thực tế có nhiều địa phương, có một số chủ đầu tư cấp huyện, cấp xã chỉ cần xây dựng trường học mà suốt ngày đánh giá tác động môi trường. Tôi thống nhất theo dự thảo là tùy theo dự án như trong dự thảo luật đó mà chúng ta đánh giá tác động môi trường và có giấy phép bảo vệ môi trường” – Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với nội dung giấy phép môi trường, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa thống nhất rằng chỉ nên đánh giá những dự án có nguy cơ về môi trường, còn những dự án xác định là không có nguy cơ về môi trường thì chúng ta không đánh giá tác động để làm sao giảm được giấy phép con cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp hài lòng về vấn đề này, một là giảm được giấy phép con, thời gian và tiền bạc khi đánh giá tác động môi trường.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng thống nhất rằng, bản thân doanh nghiệp cũng phải đảm bảo những dự án không phải đánh giá tác động môi trường và giấy phép bảo vệ môi trường thì doanh nghiệp phải đảm bảo rằng đây là dự án sẽ không ảnh hưởng đến môi trường nếu sau này ảnh hưởng đến môi trường về ô nhiễm thì sẽ thanh tra, kiểm tra xử lý và rút giấy phép hoạt động của dự án đó.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi: Cần thêm quy định về công khai báo cáo đánh giá môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới