Chủ nhật, 24/11/2024 17:45 (GMT+7)
Thứ năm, 11/07/2019 12:00 (GMT+7)

Đừng để trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ

Theo dõi KTMT trên

Trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ đang là vấn đề rất phổ biến trong thời đại số hóa. Nếu bạn không can thiệp kịp thời, sức khỏe và tâm lý của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngày nay, trẻ em được tiếp xúc và sử dụng các thiết bị công nghệ từ rất sớm. Tuy nhiên, việc để trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ này mà không có sự giám sát của cha mẹ sẽ mang lại rất nhiều tác hại.

Đừng để trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ - Ảnh 1
Trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ đang là vấn đề rất phổ biến trong thời đại số hóa - Ảnh minh họa

Theo kết quả một cuộc khảo sát xã hội về thực trạng sử dụng các thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh do Trung tâm Nghiên cứu văn hóa - giáo dục và đời sống xã hội và Công ty Nghiên cứu thị trường Epinion thực hiện cho thấy: Có đến 78% trẻ em Việt Nam ở thành thị tiếp cận với tivi và các thiết bị số khác.

Trẻ em "nghiện" công nghệ và hình ảnh trẻ em dính lấy ipad, điện thoại thông minh và tivi… có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu trong thời kỳ công nghệ 4.0. Điều này khiến các bậc phụ huynh đau đầu vì cai "nghiện" công nghệ không hề dễ dàng.

Đừng để trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ - Ảnh 2
Trẻ "nghiện" công nghệ nguyên nhân chính là do bố mẹ - Ảnh minh họa

Hậu quả khi trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ

Việc trải qua nhiều giờ liên tục sử dụng máy tính, ipad, điện thoại hay tivi sẽ làm ảnh hưởng đến mắt, não và làm rối loạn hành vi. Cụ thể, khi xem tivi, điện thoại thường xuyên mắt bé thường phải điều tiết quá độ, nhãn cầu đong đưa liên tục, cơ mắt, cơ mặt, cổ, vai liên tục hoạt động dẫn tới cơ mỏi mệt.

Đừng để trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ - Ảnh 3
Xem thiết bị công nghệ trong thời gian dài khiến mắt của trẻ bị ảnh hưởng - Ảnh minh họa

Việc lạm dụng các phương tiện công nghệ số còn có thể dẫn tới các vấn đề tinh thần, như: rối loạn về khả năng chú ý, khả năng nhận thức, khả năng học tập và thậm chí còn làm cho trẻ chậm phát triển... Những trẻ "nghiện" công nghệ còn có xu hướng bạo lực và tách biệt khỏi xã hội.

Theo thống kê của Khoa Tâm bệnh tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng như tại các trung tâm điều trị trẻ tự kỷ và chậm nói, một trong những nguyên nhân dẫn tới trẻ chậm phát triển ngôn ngữ và kém trong giao tiếp chính là việc gia đình đã để cho trẻ xem tivi, chơi ipad, điện thoại di động quá nhiều.

Làm gì để trẻ không bị "nghiện" công nghệ ?

Để bảo vệ sức khoẻ cho trẻ, thiết nghĩ các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho trẻ, hướng trẻ vào những hoạt động lành mạnh phù hợp với độ tuổi nhằm tránh những hệ luỵ khó lường có thể xảy ra khi trẻ "nghiện" công nghệ số.

Đừng để trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ - Ảnh 4
Phụ huynh cần khuyến khích trẻ tránh xa các thiết bị công nghệ bằng các hoạt động ngoài trời - Ảnh minh họa

Không cấm đoán việc các con xem tivi hay chơi game bởi điều đó làm chúng càng “thèm muốn”. Tuy nhiên, cần đưa ra một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như 10, 15, 20, 30 phút hàng ngày hay 1-2 giờ vào dịp cuối tuần sẽ tùy theo hoàn cảnh như độ tuổi, công việc học hành của trẻ. Cần thực hiện nguyên tắc về thời gian một cách nghiêm túc và triệt để.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho trẻ được chơi đùa, thư giãn tại các khu vui chơi, các công viên có khoảng không gian rộng lớn, nhiều cây xanh,… cho trẻ đạp xe, đá bóng, chơi cầu lông, chơi patin… Tất cả hoạt động này giúp trẻ có cơ hội vận động, giải tỏa mệt mỏi căng thẳng khi học tập và làm trẻ năng động, nhanh nhẹn hơn rất nhiều.

Đừng để trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ - Ảnh 5
Dành thời gian vui đùa và trò chuyện cùng con cái là cách tốt nhất để trẻ không "nghiện" các trò chơi trên thiết bị công nghệ.

Động viên, khuyến khích con trẻ hỗ trợ các công việc trong gia đình như: quét nhà, lau nhà, phơi quần áo, phụ bếp... tùy vào độ tuổi của trẻ. Điều này làm tăng sự tự lập và tháo vát của trẻ khi trưởng thành cũng như giúp trẻ khéo léo và thuần thục với đôi tay.

Công việc bận rộn làm chúng ta quên mất việc cần lắng nghe và trò chuyện với con cái. Đối thoại trực tiếp bằng lời nói, cử chỉ và ánh mắt luôn có hiệu quả hơn gấp nhiều lần khi đối thoại bằng phương tiện như điện thoại, máy tính. Việc làm này làm cho mối quan hệ của cha mẹ và con cái gắn kết hơn, làm tình cảm gia đình thêm yêu thương hơn.

Diệu Nguyên (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đừng để trẻ "nghiện" thiết bị công nghệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới