Chủ nhật, 24/11/2024 07:48 (GMT+7)
Thứ bảy, 26/06/2021 08:35 (GMT+7)

Gắn phát triển kinh tế rừng với bảo vệ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Biến đổi khí hậu (BĐKH) trở thành thách thức lớn đối với ngành lâm nghiệp. Do đó, việc đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường đang trở thành nhiệm vụ quan trọng của các địa phương và cộng đồng xã hội…

Tích cực trồng rừng

Theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặt ra yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Về môi trường, quản lý rừng bền vững, bảo tồn lâu dài tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, chống suy thoái đất đai, giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai, chủ động ứng phó với BĐKH, cung ứng dịch vụ môi trường rừng;...

Trong thời gian qua, Nhà nước đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, đồng thời tạo tiền đề thu hút và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng.

Gắn phát triển kinh tế rừng với bảo vệ môi trường - Ảnh 1
Ươm giống cây phục vụ trồng rừng ở Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ. (Ảnh: Văn Sinh)

Để triển khai hiệu quả công tác trồng rừng năm 2021, thực hiện Đề án trồng một tỉ cây xanh và Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương căn cứ vào tình hình thời tiết, tập trung trồng rừng, áp dụng những loài cây phù hợp với thực tế để phát huy hiệu quả cao nhất.

Theo đó, trong các tháng chuyển mùa từ nay đến tháng 7-2021, căn cứ kế hoạch phát triển rừng được giao năm 2021 và dự báo khí tượng thủy văn, mùa vụ trồng rừng nêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp đã đề nghị các địa phương chủ động chuẩn bị cây giống đủ số lượng, bảo đảm chất lượng tốt; kiểm soát nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định. Khảo sát, chuẩn bị hiện trường, thiết kế trồng rừng bảo đảm kỹ thuật.

Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Tổ chức triển khai rà soát, xác định quỹ đất, xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán (khu vực đô thị và nông thôn) hằng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Xử lý thực bì, cuốc hố, lấp hố, trồng cây, chăm sóc, bón phân,… đúng hướng dẫn kỹ thuật đối với từng loài cây.

Bên cạnh đó, cần tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi, trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa ẩm để bảo đảm cây trồng đạt tỷ lệ cây sống cao; không trồng vào những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài hoặc mưa lũ lớn; trồng rừng ngập mặn vào thời điểm ít có gió mạnh, sóng biển thấp và thủy triều rút. Chú ý phòng trừ một số loài sâu bệnh hại cây trồng…

Gắn kinh tế rừng với bảo vệ môi trường

Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị khẳng định, gắn kết giữa phát triển kinh tế rừng và ứng phó hiệu quả BĐKH là nhiệm vụ hàng đầu của không chỉ ngành lâm nghiệp mà của cả các địa phương và các doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng xã hội. Do đó, cần quản lý, bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có; phục hồi và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng, trong đó: đối với rừng đặc dụng bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

 Đối với rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên, chú trọng công tác bảo vệ rừng, phát triển dịch vụ môi trường rừng và các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ, nông lâm kết hợp; thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là các địa phương cần hạn chế đến mức thấp nhất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thật sự; bảo đảm đủ các điều kiện để tổ chức quản lý bảo vệ rừng và phát triển bền vững tài nguyên rừng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh gắn kết giữa bảo tồn và phát triển với sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong quản lý rừng như: xây dựng các mô hình gắn kết cộng đồng địa phương tham gia và chia sẻ lợi ích công bằng vào công tác quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thông qua cách tiếp cận quản lý hợp tác thích ứng nhằm nâng cao mức độ tham gia của các cộng đồng địa phương, giảm xung đột và nâng cao hiệu quả quản lý; đẩy mạnh cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và hướng dẫn kỹ thuật về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; có hướng dẫn riêng cho các nhóm đối tượng khác nhau như: cá nhân, hộ, nhóm hộ, cộng đồng,...; tăng cường nâng cao năng lực cho các bên liên quan về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Đẩy mạnh công tác quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ thông tin trong quản lý ngành lâm nghiệp; điều tra, đánh giá tài nguyên rừng quốc gia; phát triển lâm nghiệp cộng đồng, nâng cao năng lực để các chủ rừng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, bảo đảm đến năm 2030, 100% chủ rừng là tổ chức có đủ năng lực theo dõi, giám sát, quản lý tài nguyên rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương và cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên phát triển giống được sản xuất từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất; phấn đấu ít nhất 90% diện tích rừng được trồng từ giống cây lâm nghiệp đã được công nhận; năng suất rừng trồng thâm canh giống mới trung bình 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và 22 m3/ha/năm vào năm 2030.

Phục hồi rừng tự nhiên bằng các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, nuôi dưỡng và làm giàu rừng; phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ theo hướng sản xuất hàng hóa.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là cần đẩy mạnh năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm: xác định cơ cấu cây trồng, loài cây trồng phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu, có giá trị kinh tế cao và phù hợp mục đích kinh doanh và công nghệ khai thác, chế biến; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sử dụng giống chất lượng cao, trồng rừng thâm canh gỗ lớn, cơ giới hóa và công nghệ cao trong các khâu sản xuất (xử lý thực bì, làm đất, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh, lửa rừng, khai thác, vận chuyển, chế biến lâm sản...).

Bên cạnh đó, cần ưu tiên các lĩnh vực: bảo tồn và phát triển nguồn gen, chọn tạo giống, kinh doanh rừng trồng gỗ lớn; các chế phẩm sinh học và kỹ thuật phục vụ thâm canh rừng trồng. Phát triển hệ thống rừng đặc dụng, bảo tồn và phát huy giá trị nguồn gen cây rừng, tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, đáp ứng yêu cầu duy trì cân bằng sinh thái và phát triển lâm nghiệp bền vững.  

Dũng Minh

Bạn đang đọc bài viết Gắn phát triển kinh tế rừng với bảo vệ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới