Chủ nhật, 24/11/2024 10:04 (GMT+7)
Thứ năm, 30/01/2020 08:00 (GMT+7)

Giá cả dịp trong và sau Tết ổn định theo đúng kịch bản

Theo dõi KTMT trên

Tình hình cung cầu giá cả thị trường trước và trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá trong dịp trước Tết.

Ngày 29/1, Cục quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết, tình hình cung cầu giá cả thị trường trước và trong Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cơ bản bình ổn nằm trong kiểm soát và diễn biến theo đúng với kịch bản công tác điều hành giá trong dịp trước Tết do Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước về giá đề ra.

Giá thịt lợn ổn định

Theo Cục quản lý giá, tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt tươi, đồ phục vụ cúng lễ chỉ tăng theo quy luật vào các ngày cận Tết, một vài ngày đầu năm mới và đã dần trở lại bình thường vào ngày 5, 6 Tết.

Tại các Siêu thị, trung tâm thương mại, mức giá cơ bản được giữ ổn định; đối với cửa hàng trực thuộc của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường, doanh số bán ra tăng cao so bình thường. Một số dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống có mức tăng nhẹ vào các ngày đầu năm.

Cụ thể, diễn biến giá cả một số mặt hàng thiết yếu tại một số địa phương trọng điểm như lương thực, hầu hết các địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020; trong đó, mặt hàng gạo luôn được chú trọng và được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tích cực chuẩn bị, bảo đảm lượng dự trữ và cung ứng cho thị trường.

Trước Tết từ đầu tháng Một đến ngày Ông Công Ông Táo giá gạo chất lượng cao, gạo nếp tăng nhẹ từ 5-10% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định.

Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến từ 6.200-8.200 đồng/kg. Giá gạo tẻ thường ở mức 11.000-13.500 đồng/kg; gạo xi dẻo 13.500-15.500 đồng/kg; gạo Bắc Hương có giá 16.000-18.000 đồng/kg; gạo tám thơm Điên Biên có giá 20.500-24.500 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá bán lẻ trên thị trường gạo trắng thường 25% tấm ở mức 11.000-14.000đ/kg, gạo thơm chợ Đào 16.000-22.000 đồng/kg.

Trong các ngày nghỉ lễ Tết giao dịch mua bán gạo không nhiều nên mức giá không biến động và bắt đầu từ ngày mùng 5 giá gạo các loại sẽ có xu hướng giảm dần trở về mức giá ngày thường.

Giá ổn định trước Tết do nguồn cung dồi dào nhưng thực phẩm tươi sống vẫn tăng nhẹ trong những ngày giáp Tết do sức mua tăng. So với ngày thường, giá thịt bò tăng khoảng 20.000-40.000 đ/kg tùy từng thị trường địa phương do nhu cầu tăng; giá gà sống tăng khoảng 10.000-30.000 đ/kg trong các ngày cận Tết do nhu cầu người dân tăng cao để cúng tất niên và giao thừa.

Trong các ngày Tết đến ngày mùng 5 giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống vẫn giữ ở mức như cận Tết và cục bộ một số chợ dân sinh có tăng giá nhẹ trong ngắn hạn một vài mặt hàng như thịt bò, thủy hải sản do người bán vẫn ít và các chợ đầu mối hầu hết chưa hoạt động.

Riêng mặt hàng thịt lợn, nguồn cung trên thị trường tiếp tục được tăng lên trong tháng 1 và dự kiến cả quý 1 này từ nguồn cung ứng theo kế hoạch của các doanh nghiệp nhằm phục vụ Tết và nguồn nhập khẩu tiếp tục gia tăng để bù phần thiếu hụt nguồn cung thời gian qua.

Đồng thời, nhiều địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường đều có sự chú trọng bình ổn mặt hàng thịt lợn, đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định.

Theo báo cáo của các địa phương, nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán về cơ bản đủ cung cấp cho thị trường, chủ yếu đến từ hệ thống chăn nuôi nhỏ và các công ty chăn nuôi lớn. Do đó, không xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và tăng giá đột biến như những tháng trước Tết.

Bên cạnh đó, một số địa phương xác định các nhóm hàng thực phẩm được người dân ưu tiên sử dụng thay thế cho thịt lợn như: thịt gia cầm; thịt trâu, bò, ngựa; thủy hải sản tươi sống, đông lạnh... tương đối dồi dào.

Bởi, hoạt động chăn nuôi các mặt hàng này đang tăng trưởng tốt có giá bán tương đối hợp lý, phù hợp với khả năng thu nhập, chi trả của đại đa số người dân góp phần ổn định giá thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán.

Về cơ bản, giá cước vận chuyển hành khách bằng ôtô ổn định trong dịp Tết, nhiều bến xe lượng khách vắng hơn mọi năm do thời gian nghỉ trước Tết dài nên người dân dễ dàng chủ động việc đi lại hơn, cũng như các nhà xe đã chủ động tăng chuyến vào các thời điểm cao điểm trước Tết để đảm bảo đủ nhu cầu đi lại của người dân.

Tại một số tỉnh vào giai đoạn cao điểm Tết, một số tuyến có mức phụ thu từ 20-60% tùy từng tuyến và từng thời điểm để để tăng cường chuyến và bù đắp chi phí phương tiện chạy rỗng một chiều.

Giá cả dịp trong và sau Tết ổn định theo đúng kịch bản - Ảnh 1
Người dân trở về sau kỳ nghỉ Tết. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Các doanh nghiệp vận tải cơ bản tuân thủ các quy định về niêm yết giá và bán đúng giá vận chuyển hành khách đã đăng ký, kê khai. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tăng giá vé chui, tăng giá bất hợp lý trong các ngày Tết.

Không điều chỉnh giá với các mặt hàng do Nhà nước định giá

Theo Cục quản lý giá Bộ Tài chính, sau Tết là thời điểm của Lễ hội diễn ra trên cả nước, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, đồ mua sắm phục vụ lễ hội đầu năm có khả năng sẽ có xu hướng tăng.

Để tiếp tục bình ổn thị trường tháng sau Tết và quý 1 này, Cục quản lý giá cho biết, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp.

Đồng thời, thực hiện kiểm soát chặt chẽ và bình ổn giá cả thị trường sau Tết nhất là đối với mặt hàng thịt lợn, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống, đi lại phục vụ dịp lễ, Tết; thực hiện chế độ báo cáo giá thị trường sau Tết theo quy định.

Đối với các địa phương khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp chế xuất... Cục quản lý giá đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục làm tốt công tác hỗ trợ, cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm, hàng hóa, vật tư để đảm bảo cung cấp đầy đủ cho nhân dân.

Đặc biệt, không thực hiện điều chỉnh giá trong quý 1 này đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá; trường hợp điều chỉnh phải có phương án giá cụ thể, tính toán mức độ tác động vào CPI, trên cơ sở đó báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt thận trọng.

Bên cạnh đó, Cục quản lý giá cũng nhấn mạnh, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu theo các giải pháp đã được đề ra theo nguyên tắc điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; thận trọng trong việc điều hành giá những tháng đầu năm để đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm.

Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí (nhất là dịch vụ tham quan, du lịch, dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô). Quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết.

Tăng cường kiểm tra các quy định về đảm bảo an toàn giao thông, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tổ chức tốt công tác vận tải để phục vụ đủ nhu cầu đi lại cho người dân trong dịp lễ hội đầu năm; yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải công bố và niêm yết công khai mức giá cước theo đúng quy định hiện hành.

Thùy Dương

Bạn đang đọc bài viết Giá cả dịp trong và sau Tết ổn định theo đúng kịch bản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới