Chủ nhật, 24/11/2024 08:11 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/07/2022 06:55 (GMT+7)

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Bất cập trong công tác xử lý rác (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Hầu hết bãi chôn lấp tại Vĩnh Phúc đã quá tải, các lò đốt rác đều đã xuống cấp, công nghệ thô sơ, lạc hậu và không đáp ứng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

LTS: Vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn cả nước nói chung vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến việc chi phí bỏ ra nhiều nhưng chưa giải quyết triệt để được lượng rác thải mà còn làm phát sinh ra một số vấn đề về môi trường. Đây cũng là việc làm đau đầu các nhà quản lý ở cấp địa phương.

Vĩnh Phúc có tốc độ phát triển tốt về mọi mặt. GRDP ước đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020, là tỉnh có tăng trưởng cao thứ 9 cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. 

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được,Vĩnh Phúc đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là trong bài toán thu gom vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh cần có nhiều giải pháp hữu hiệu, quan tâm đến công tác thu gom và xử lý rác thải hơn nữa để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng phức tạp.

Từ thực tế trên, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường khởi đăng tuyến bài "Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Hiện trạng và giải pháp". Tuyến bài nêu lên những tồn tại, bất cập về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, những điểm sáng và gam màu tối trong cách thực hiện tại các địa phương trong huyện. Từ đó, các chuyên gia về lĩnh vực kinh tế môi trường sẽ có những phân tích, nhận định và đánh giá về mặt được và chưa được của tỉnh Vĩnh Phúc từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán về rác thải sinh hoạt này.

Tiếp tục tuyến bài “Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Hiện trạng và giải pháp”, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ đi sâu vào việc phân tích hiện trạng công tác xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh Vĩnh Phúc và những giải pháp mà tỉnh đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng.

Thực tế đáng báo động

Theo Đề án quy hoạch được phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hình thành 5 khu xử lý chất thải rắn tập trung quy mô liên huyện gồm: xây dựng các cơ sở xử lý rác thải bằng công nghệ đốt tại các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch (quy mô mỗi cơ sở khoảng 500 tấn/ngày), huyện Vĩnh Tường (quy mô 300 tấn/ngày).

Riêng khu vực thành phố Phúc Yên, xây dựng 1 cơ sở xử lý rác bằng công nghệ sản xuất phân compost. Đồng thời sẽ hình thành được 274 điểm tập kết rác thải và đầu tư được 656 lò đốt rác công suất nhỏ quy mô cấp xã.

Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh Vĩnh Phúc mới triển khai xây dựng được 1 cơ sở xử lý tập trung tại thị trấn Hợp Hòa - huyện Tam Dương sử dụng công nghệ đốt thu hồi nhiệt, tổng công suất xử lý theo thiết kế 150 tấn/ngày chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn là 75 tấn/ngày (thực tế cơ sở này đang hoạt động và chỉ đạt công suất xử lý khoảng 75 tấn/ngày).

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 2 dự án xây dựng cơ sở xử lý rác tập trung gồm: Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch của Công ty Cổ phần đầu tư ITC Hà Nội, công suất thiết kế 270 tấn/ngày đêm (sử dụng công nghệ đốt) và dự án Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc của Công ty TNHH MTV Xử lý môi trường Trung Nguyên, công suất thiết kế 50 tấn/ngày đêm (sử dụng kết hợp công nghệ đốt, tái chế nhựa và sản xuất phân compost).

Tuy nhiên, hiện Dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch đang vấp phải sự phản đối của người dân địa phương do những lo ngại liên quan đến vấn đề môi trường. Trong khi đó, dự án Khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc đang trong quá trình vận hành thử nghiệm.

Về triển khai các điểm tập kết và lò đốt rác quy mô cấp xã, đến nay toàn tỉnh có khoảng 232 bãi chôn lấp rác tạm thời với tổng diện tích khoảng 31,2 ha; đầu tư lắp đặt được 37 lò đốt rác ở các xã, thị trấn.

Thế nhưng, việc xây dựng các bãi chôn lấp, đầu tư lò đốt nhỏ chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt. Đến nay, hầu hết bãi chôn lấp đã quá tải, các lò đốt đều đã xuống cấp, công nghệ thô sơ, lạc hậu và không đáp ứng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Bất cập trong công tác xử lý rác (Bài 2) - Ảnh 1
Các lò đốt đều đã xuống cấp, công nghệ thô sơ, lạc hậu và không đáp ứng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Nhà máy đốt rác tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên.

Về công tác xử lý rác thải ở đô thị, tại khu vực thành phố Vĩnh Yên, rác thải được thu gom, chôn lấp tại khu vực cạnh núi Bông, phường Khai Quang. Khu vực này nằm trong vùng quy hoạch phát triển đô thị và không đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định. Ở khu vực thành phố Phúc Yên, do đến nay vẫn chưa bố trí được địa điểm xử lý nên phải tổ chức vận chuyển rác đến các địa bàn khác để xử lý.

Toàn tỉnh chưa triển khai xây dựng được các điểm tập kết, trung chuyển rác thải để phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác từ các địa phương đến các cơ sở xử lý.

Mục tiêu và giải pháp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định chỉ tiêu về bảo vệ môi trường đến năm 2025 là tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đáp ứng quy chuẩn môi trường đạt 97% ở khu vực đô thị và 80% ở khu vực nông thôn; tỷ lệ bãi chôn lấp rác thải được cải tạo, xử lý, tái sử dụng đạt trên 95%.

Nhìn vào thực trạng công tác xử lý rác thải sinh hoạt của tỉnh Vĩnh Phúc, có thể thấy để đạt được mục tiêu trên là rất khó khăn, đòi hỏi phải có những nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện.

Nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công tác xử lý rác thải sinh hoạt đã được tỉnh Vĩnh Phúc đề ra. Cụ thể:

Ban hành hướng dẫn kỹ thuật xử lý ô nhiễm, cải tạo phục hồi môi trường các bãi chôn lấp rác thải. Ban hành quy trình kỹ thuật vận hành điểm tập kết rác thải trên địa bàn tỉnh.

Ứng dụng các công nghệ mới, ưu tiên sử dụng các công nghệ có thể thu hồi, tái sử dụng lại các thành phần hữu ích trong chất thải và thân thiện với môi trường.

Thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo thay đổi ý thức của người dân trong việc tự phân loại, tái sử dụng rác thải, đổ rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Bất cập trong công tác xử lý rác (Bài 2) - Ảnh 2
Nhà máy đốt rác của thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên ngổn ngang rác thải.

Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất quá trình tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải, đảm bảo quá trình cung ứng dịch vụ được thực hiện theo các quy định hiện hành.

Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở xử lý rác thải tập trung. Kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm trong hoạt động tiếp nhận, xử lý rác thải tại từng cơ sở xử lý.

Định kỳ tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trong việc nghiệm thu, thanh toán kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

Kỳ vọng từ đề án đặt ra trong vấn đề thu gom vận chuyển và xử lý rác thải ở Vĩnh Phúc là như thế. Mong rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận ủng hộ từ người dân, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ sớm đạt được mục tiêu đã đề ra.

Theo ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tại Việt Nam hiện có khoảng 1.000 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chưa đến 20% bãi chôn lấp là hợp vệ sinh. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hàng trăm bãi chôn lấp này là hiện hữu.

Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm nhiều diện tích đất, phát sinh lượng lớn nước rỉ rác. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh đã và đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng xung quanh.

Các nhà chuyên môn cho rằng, nếu đem chôn lấp hoặc đốt như cách lâu nay sẽ lãng phí từ 55 - 67% các sinh khối và chất hữu cơ trong chất thải rắn.

Tái chế rác thải để tiết kiệm tài nguyên, sản xuất phân vi sinh và sản xuất năng lượng đang trở thành xu hướng trên thế giới. Việt Nam bắt đầu quan tâm giải quyết bài toán xử lý rác, tình trạng quá tải tại các bãi chôn lấp gây thách thức về môi trường và nhu cầu sử dụng đất để chôn lấp ngày càng tăng ở nhiều địa phương, nhất là các đô thị lớn. Một số địa phương đã đầu tư nhà máy phân loại rác để lấy nguyên liệu tái chế, sản xuất phân vi sinh và đốt rác làm điện nhưng chưa nhiều, công suất còn thấp.

Bài tiếp - "Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Những nút thắt chưa được tháo gỡ (Bài 3)"

Hoàng Hải - Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Bất cập trong công tác xử lý rác (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới