Chủ nhật, 24/11/2024 09:03 (GMT+7)
Thứ hai, 17/02/2020 06:30 (GMT+7)

Giới bảo tồn kiến nghị Thủ tướng 7 hành động chống dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Sáng 16/2, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị 7 hành động chống dịch Covid-19.

Giới bảo tồn kiến nghị Thủ tướng 7 hành động chống dịch Covid-19 - Ảnh 1
Tê tê có thể là vật chủ trung gian truyền bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra Covid-19 (nCoV) đang diễn biến phức tạp, sáng nay, 16/2, các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã có thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị 7 hành động để giải quyết các mối đe dọa từ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Nỗi lo virus từ động vật hoang dã

Theo nội dung thư, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, nhấn mạnh dịch Covid-19 bùng phát khiến người dân Việt Nam lo lắng về sức khỏe và gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế.

Cũng như đợt bùng phát dịch SARS năm 2003 từng “cướp” đi sinh mạng của 5 người Việt Nam, chủng virus corona mới này được cho là lây từ động vật hoang dã sang người do tiếp xúc gần ở một chợ hải sản tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc đại lục) - nơi diễn ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Các tài liệu khoa học hiện đã chứng minh được virus corona có nguồn gốc từ dơi và được truyền qua một vật chủ trung gian là động vật hoang dã cho con người. Tuy loài vật chủ trung gian lây truyền dịch Covid-19 lần này chưa được xác định chắc chắn, nhưng một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc cho rằng đó có thể là tê tê.

“Bất luận đó là loài cụ thể nào, vẫn có thể khẳng định rằng hoạt động buôn bán động vật hoang dã là một nguyên nhân gây ra sự lây truyền dịch bệnh thông qua tiếp xúc gần giữa con người và động vật hoang dã,” nội dung thư nhấn mạnh.

Nhìn lại những đại dịch trong vòng 20 năm qua cho thấy mối liên hệ rõ với “ổ chứa” virus trong các quần thể động vật hoang dã. Điển hình như dịch SARS cuối năm 2002 và đầu 2003 từng lây nhiễm cho hơn 8.000 người ở 37 quốc gia và khiến 774 người tử vong vốn xuất phát từ một chủng virus betacorona mới có nguồn gốc từ dơi thông qua vật chủ trung gian là cầy vòi mốc (Paguma larvata).

Hay như hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) bùng phát năm 2012 khiến 2.494 người lây nhiễm và làm thiệt mạng 858 người cũng bắt nguồn từ một chủng virus corona khác truyền qua lạc đà tới con người. Dịch tả lợn châu Phi (ASF) gần đây càn quét qua Trung Quốc, Việt Nam và 9 quốc gia khác cũng gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng và được cho là bắt nguồn từ lợn hoang dã ở châu Phi.

Giới bảo tồn kiến nghị Thủ tướng 7 hành động chống dịch Covid-19 - Ảnh 2
Chim, cò bị buộc thành chùm treo trên xe rao bán như chốn không người. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tính đến cuối năm 2019, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng từ dịch ASF với hơn 5 triệu con lợn bị tiêu hủy.

Theo nhận định của các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, dịch Covid-19 đang diễn ra chắc chắn cũng sẽ gây thiệt hại đáng kể cho Việt Nam.

Đánh giá ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ thấp hơn 0,53% dự kiến nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý I hoặc thấp hơn 0,71% nếu dịch được kiểm soát trong quý II. Cho đến nay, ngành hàng không của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề với thiệt hại khoảng 10.000 tỷ đồng do bị hủy chuyến trong thời gian dịch.

Bài học từ dịch SARS và nay là Covid-19 chứng tỏ rằng các chủng virus mới sẽ tiếp tục lây truyền từ động vật hoang dã sang người trong quá trình buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam và một số nước đã chứng minh virus corona tồn tại trong quần thể động vật hoang dã và buôn bán động vật hoang dã tạo cơ hội cho virus lây từ động vật hoang dã sang người.

Bất chấp những nỗ lực cải cách chính sách và tăng cường thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã, tình trạng buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã ở Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Đặc biệt, ngày càng có nhiều dòng sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp được chuyển từ thị trường quốc tế đến và qua Việt Nam.

Kiến nghị 7 giải pháp hành động

Các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã cho rằng hạn chế sự tương tác giữa động vật hoang dã và con người thông qua việc thực thi pháp luật mạnh mẽ nhằm chống lại nạn buôn bán các loài hoang dã và thị trường động vật hoang dã là cách tiếp cận hiệu quả nhất để giảm thiểu rủi ro trong tương lai liên quan đến truyền bệnh giữa động vật và người.

“Là nguồn gốc của đợt bùng phát đặc biệt này, Trung Quốc đã thực hiện một số hành động quan trọng để giảm thiểu rủi ro bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm trong tương lai bằng cách tạm thời đóng cửa tất cả các chợ động vật hoang dã. Biện pháp này là sự thừa nhận các mối đe dọa nghiêm trọng mà chúng ta phải đối mặt nếu tiếp tục xem nhẹ vấn nạn buôn bán động vật hoang dã,” nội dung thư nhấn mạnh.

Giới bảo tồn kiến nghị Thủ tướng 7 hành động chống dịch Covid-19 - Ảnh 3
Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn SVW)

Vì thế, để đảm bảo an toàn quốc gia, an ninh kinh tế và sức khỏe cộng đồng cũng như vì mục tiêu gìn giữ các hệ sinh thái quý giá của Việt Nam, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đề nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện các hành động mạnh mẽ và bền vững để ngăn chặn mọi hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp.

Theo đó, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã kiến nghị Chính phủ xác định và đóng cửa các chợ, các địa điểm có buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp; xác định và thực thi lệnh cấm với các nhà hàng bán trái phép các sản phẩm thịt hoang dã; xây dựng các quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại.

Mặt khác, Chính phủ cần ban hành các quy định bắt buộc với tất cả các nền tảng thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội và báo chí trực tuyến để theo dõi, loại bỏ mọi giao dịch, quảng cáo các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp; xây dựng các quy định, quy trình nghiêm ngặt để quản lý hiệu quả hoạt động gây nuôi thương mại.

Cùng với đó, Việt Nam cần cải cách thủ tục tư pháp để nâng cao hiệu quả răn đe, phòng ngừa trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã; nâng cao nhận thức hơn nữa cho người dân về những rủi ro của việc tiêu thụ động vật hoang dã đối với an ninh công cộng và sức khỏe cộng đồng; đảm bảo hợp tác liên Bộ, ngành khi thực hiện các điểm trên.

“Thực hiện theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, ngày 6/2, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản đề nghị chính quyền các tỉnh thành kiểm soát buôn bán động vật hoang dã để ngăn chặn virus corona lây lan. Chúng tôi ủng hộ nỗ lực này nhưng khuyến nghị Chính phủ nên có những hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa để loại bỏ các ổ dịch virus trong tương lai như đã đề cập,” nội dung thư kiến nghị thêm.

Ngoài lý do an toàn sức khỏe cộng đồng và kinh tế, theo các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, những hành động này sẽ chứng tỏ rằng Việt Nam là quốc gia đi đầu trong khu vực về vấn đề chống buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và bảo tồn đa dạng sinh học.

Các tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã ký thư gửi Thủ tướng Chính phủ gồm:

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Tổ chức WCS Việt Nam, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, Tổ chức Wildlife at Risk, Tổ chức Động vật Châu Á, Trung tâm GreenViet, Tổ chức FFI Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn động vật hoang dã, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên.

Hùng Võ

Bạn đang đọc bài viết Giới bảo tồn kiến nghị Thủ tướng 7 hành động chống dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới