Chủ nhật, 24/11/2024 03:25 (GMT+7)
Thứ tư, 15/06/2022 14:55 (GMT+7)

Hà Nội điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản

Theo dõi KTMT trên

Hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng ngày càng nhiều đến môi trường, môi sinh, đời sống của nhân dân Thủ đô. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản trên địa bàn Hà Nội là cần thiết.

Ngày 15/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường với khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội. Nội dung điều chỉnh tăng mức phí trong dự thảo Nghị quyết được các chuyên gia đồng tình; đồng thời góp ý thêm cho Ban soạn thảo để hoàn thiện Nghị quyết.

Hà Nội điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản - Ảnh 1
Đề nghị mức phí bảo vệ môi trường khoáng sản đang được khai thác trên địa bàn TP. Hà Nội tăng 60% so với mức thu hiện hành là phù hợp. (Ảnh minh họa)

Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố đề xuất mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố tăng lên 60% so với mức quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 và mức tối đa quy định tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng dự kiến đến năm 2025 tăng 50% so với năm 2012. Do vậy, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố đề xuất tăng thêm 50%. Ngoài ra, do đặc thù của Thành phố Hà Nội theo quy định Nghị quyết số 115/2020/QH14 đề xuất tăng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thêm 10%.

Hà Nội điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản - Ảnh 2
TS. Đinh Hạnh, Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế, Ủy ban MTTQ TP.Hà Nội .

TS. Đinh Hạnh, Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế, Ủy ban MTTQ TP.Hà Nội cho rằngt, mức đề nghị mức phí bảo vệ môi trường khoáng sản đang được khai thác trên địa bàn Thành phố tăng 60% so với mức thu hiện hành là phù hợp, có sự đồng thuận của các đối tượng đang hoạt động khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, dự thảo đã có sự tham gia đóng góp của các sở, ngành có liên quan của Thành phố và các cơ quan chuyên môn của Trung ương nên có cơ sở để tin mức điều chỉnh phí bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản trên địa bàn TP. Hà Nội theo Nghị quyết của HĐND Thành phố lần này là phù hợp, có tính khả thi và được nhất trí, đồng tình cao của các đối tượng có liên quan và không tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội cho rằng, mặc dù Thành phố đã thu phí bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản nhưng so với những thay đổi về tình hình kinh tế-xã hội, tốc độ, mức độ khai thác, nhu cầu vật liệu, giá cả vật liệu và tác động của dịch bệnh Covid-19… thì chưa tương xứng. Hiện nay, nhiều hoạt động khai thác khoáng sản ảnh hưởng ngày càng nhiều đến môi trường, môi sinh, đời sống của nhân dân.

Vì vậy, theo ông Thảo việc điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản rất cần thiết, đáp ứng đòi hỏi của việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần giải quyết những bất cập hiện nay trong hoạt động khai khoáng, bảo vệ môi trường tốt hơn.

Hà Nội điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản - Ảnh 3
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh:Tuoitrethudo)

Cũng đồng tình quan điểm phải tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, nhưng ông Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tổng hợp, Phân tích Dư luận xã hội, cho rằng, việc tăng thu phí bảo vệ môi trường trên cơ sở dựa vào ước lượng chỉ số giá tiêu dùng năm 2025 tăng 50% so với năm 2012 là thiếu thực tế và khá thấp cần xem xét lại. Ông Quang đề xuất mức phí phải tăng từ 170-180% so với phí hiện tại.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định, việc tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố, ngoài đóng góp một phần nhỏ cho ngân sách, còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp;khuyến khích công nghệ khai thác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế những tác động tới môi trường...

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị, Ban soạn thảo dự thảo cần tiếp tục nghiên cứu chặt chẽ, khoa học, từ nhu cầu tới mức độ khan hiếm... để xác định mức tăng cho từng loại khoáng sản, tiến tới hạn chế khai thác các khoáng sản có tác động lớn tới sự phát triển của Thành phố. Đồng thời cần rõ trách nhiệm cơ chế quản lý và thẩm quyền chế tài xử lý vi phạm; Khuyến khích sử dụng vật liệu khác để thay thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng...

Theo dự thảo Nghị quyết, đề xuất điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố theo Nghị quyết số 115/2020/QH14 tăng so với Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND 160%, cụ thể: Đá làm vật liệu xây dựng thường từ 5.000 đồng/m3 lên 8.000 đồng/m3; Các loại đá khác (Đá vôi, đá sét làm xi măng, Puzolan) từ 3.000 đồng/tấn lên 4.800 đồng/tấn; Các loại cát khác (Cát san lấp, cát xây dựng…) từ 4.000 đồng/m3 lên 6.400 đồng/m3; Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình từ 2.000 đồng/m3 lên 3.200 đồng/m3; Đất sét, đất làm gạch, gói từ 2.000 đồng/m3 lên 3.200 đồng/m3; Cao lanh từ 7.000 đồng/m3 lên 11.200 đồng/m3; Nước khoáng thiên nhiên từ 3.000 đồng/m3 lên 4.800 đồng/m3; Than bùn từ 10.000 đồng/tấn lên 16.000 đồng/tấn.

Đối với trường hợp khoáng sản không có trong danh mục nêu trên thì áp dụng mức thu tối đa theo Nghị định số 164/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Hiện nay, thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn TP dần cạn kiệt, cần đảm bảo việc khai thác khoáng sản trên địa bàn có hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Việc khai thác khoáng sản trên địa bàn có khả năng gây tác động tiêu cực đến môi trường, do đó, cần phải áp dụng mức thu cao để phòng ngừa, hạn chế, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra, giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường và yêu cầu về bảo vệ đê điều, bảo vệ nông nghiệp tại nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

PV

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội điều chỉnh tăng mức phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoảng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới