Chủ nhật, 24/11/2024 11:41 (GMT+7)
    Chủ nhật, 21/11/2021 08:06 (GMT+7)

    Hà Nội: Khảo sát công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư

    Theo dõi KTMT trên

    UBND TP. Hà Nội cho biết, công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại một số bất cập.

    UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định 4866 về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư. Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 10-12/2021.

    Tại quyết định nêu rõ, Hà Nội là địa phương sớm hình thành các khu đô thị mới và phát triển nhanh so với cả nước. Chỉ tính sau khi mở rộng địa giới hành chính TP năm 2008 đến nay, Hà Nội đã có hơn 350 khu đô thị với quy mô khoảng 2.500 ha.

    Trong quá trình sử dụng, vận hành, khai thác, một số khu đô thị được các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng góp phần xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đồng bộ.

    Hà Nội: Khảo sát công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư - Ảnh 1
    UBND TP. Hà Nội sẽ vào cuộc kiểm tra công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn. Ảnh: Đ.B

    Nhiều dự án khu đô thị hiện nay được chủ đầu tư quan tâm, bố trí quỹ đất cây xanh, không gian công cộng chiếm tỷ lệ lớn trong quỹ đất xây dựng, góp phần tạo không gian sống thư giãn cho người dân.

    Tuy nhiên theo lãnh đạo TP, bên cạnh những đóng góp trên, công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại một số bất cập.

    Điển hình như nhiều khu đô thị đầu tư kéo dài, chậm hoàn thành, chậm bàn giao hoặc bàn giao về cho chính quyền địa phương quản lý không đồng bộ; Việc tổ chức cung ứng dịch vụ đô thị cho cư dân trong một số khu đô thị như cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi giải trí... còn chưa tốt.

    Theo UBND TP, việc quản lý đất đai, việc đầu tư và quản lý, khai thác hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, việc kết nối hạ tầng khu đô thị với các khu vực xung quanh, việc quản lý đầu tư, quản lý kiến trúc và cấp phép đầu tư xây dựng theo quy hoạch... không đầy đủ, thiếu đồng bộ, không rõ trách nhiệm.

    Một số khu đô thị tổ chức cộng đồng dân cư, hệ thống chính trị - hành chính như thành lập Ban quản trị nhà chung cư, quản lý cư dân trong khu đô thị, đặt tên đường, phố trong khu đô thị, thành lập và kiện toàn tổ dân phố, lập mới hoặc kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội... không kịp thời.

    Nhiều khu đô thị được hình thành có mật độ dân cư tập trung cao, trong khi đó các tổ chức đoàn thể, chính trị giúp chính quyền địa phương về quản lý dân cư tại địa bàn còn chưa kịp hoàn thiện theo số dân mới tăng lên.

    Việc xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các khu đô thị mới còn có những hạn chế, chậm bắt kịp và hòa đồng với các khu đô thị cũ. Công tác quản lý trật tự xã hội, việc theo dõi, quản lý dân cư của địa phương gặp khó khăn; chưa có can thiệp hiệu quả của chính quyền địa phương khi xảy ra mâu thuẫn trong đời sống xã hội tại các khu đô thị.

    Việc triển khai nhiệm vụ khảo sát, đánh giá thực trạng, theo UBND TP, là cần thiết để giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở ban hành chính sách hiệu quả trong vận hành các khu đô thị, đồng thời đề xuất được các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư từ phương diện của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

    Quyết định cũng nêu rõ sẽ nghiên cứu tại các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở trên địa bàn Hà Nội, trong đó sẽ lựa chọn 5-7 khu đô thị để tiến hành nghiên cứu điển hình và thực hiện điều tra khảo sát.

    Việc lựa chọn các khu đô thị có tính đại diện theo địa giới hành chính (nội đô lịch sử, nội đô mở rộng, một số huyện ngoại thành) và theo quy mô diện tích (dưới 20 ha; từ 20-50 ha và từ 50-200 ha).

    Các địa bàn lựa chọn dự kiến: Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Mê Linh.

    Về thời gian, sẽ khảo sát và thu thập số liệu về các khu đô thị mới được hình thành trên địa bàn Hà Nội kể từ năm 2010 cho đến nay.

    Trước đó, vào tháng 6/2021, UBND TP. Hà Nội cũng có đề xuất gửi Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Cụ thể, đối với biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị.

    Ngoài ra, Hà Nội còn có đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên. Đề xuất này được đưa ra khi tình trạng các khu đô thị “ma” xuất hiện ngày một nhiều, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, làm mất mỹ quan đô thị.

    Đào Bích

    Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Khảo sát công tác quản trị, vận hành các khu đô thị sau đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới