Hiểm họa ô nhiễm môi trường từ sân golf
Để vận hành được một sân golf cần phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại, như axit silic, oxit nhôm và oxit sắt... Trong đó, acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm.
Có thể nói, bên cạnh bài toán phát triển kinh tế, các dự án sân golf còn gây mối lo lắng cho người dân bởi đã có nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về những hệ lụy mà các dự án sân golf đem lại.
Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên có quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Điều chỉnh Qui hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 dự án Sân golf Sông Hồng (huyện Khoái Châu).
Theo đó, mục tiêu của Đồ án là điều chỉnh qui mô xây dựng diện tích sân golf cho phù hợp với qui định của Chính phủ về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf, trên cơ sở đảm bảo diện tích xây dựng sân golf nhỏ hơn 90 ha.
Phạm vi ranh giới nghiên cứu lập điều chỉnh qui hoạch được thực hiện trên địa bàn của các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử, huyện Khoái Châu.
Về ranh giới, phía Bắc giáp đường ra bến phà Bình Minh, phía Nam giáp đất canh tác xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu), phía Đông giáp đường ĐT.378 (đường để 195 cũ), phía Tây giáp khu dân cư thôn Đa Hòa và hành lang sông Hồng.
Khu vực nghiên cứu lập điều chỉnh qui hoạch có diện tích gần 90 ha. Qui mô sử dụng đất của dự án sẽ được xem xét cụ thể trong quá trình lập qui hoạch, đáp ứng theo các qui chuẩn, tiêu chuẩn tính toán.
UBND tỉnh Hưng Yên giao đơn vị tổ chức lập qui hoạch là CTCP Đầu tư Golf Sông Hồng chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng chỉ đạo đơn vị tư vấn tiến hành lập qui hoạch; lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trong khu vực và hoàn thiện hồ sơ qui hoạch đảm bảo đúng qui trình.
Trước đó, tháng 2/2019, UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định phê duyệt Qui hoạch chi tiết 1/500 dự án Sân Golf Sông Hồng.
Theo đó, dự án có qui mô 102,2 ha. Mục tiêu của đồ án là xây dựng sân golf 18 lỗ chuẩn Quốc tế cùng với các tiện tích đi kèm nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, thể thao kết hợp nghỉ dưỡng của du khách và người dân...
Trước đó, dư luận từng xôn xao về dự án sân golf Thuận Thành (Bắc Ninh) tại xã Đình Tổ có phía Bắc giáp sông Đuống, phía Nam giáp đê sông Đuống, phía Đông và phía Tây giáp đất nông nghiệp ngoài đê.
Hay dự án Khu phức hợp đô thị sinh thái và sân golf tại xã Yên Quang và xã Phú Minh huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình có tới 3/4 diện tích nằm trong vùng bảo vệ cấp 1 của dự án nước sông Đà. Dù UBND tỉnh Hòa Bình mới cho phép doanh nghiệp nghiên cứu, khảo sát, lập dự án nhưng nhiều ý kiến đã khẳng định vị trí này làm sân golf là không phù hợp.
Việc phát triển ồ ạt sân golf tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. (Ảnh: Internet) |
Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế
Các chuyên gia môi trường cho rằng, để vận hành được một sân golf cần phải sử dụng nhiều hóa chất độc hại, như axit silic, oxit nhôm và ô xít sắt (tác nhân gây ung thư)... Trong đó, acrylamide là chất cực độc với sinh vật và con người, tất cả các hóa chất này có thể ngấm xuống đất, vào nước ngầm.
Cho nên, dù được xây dựng ở bất kỳ vị trí nào, các sân golf đều có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, nếu xây cạnh dòng sông và khu dân cư sẽ khiến cho vấn đề xử lý môi trường càng trở nên khó khăn.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, ở các nước trên thế giới, sân golf không được xây dựng gần khu dân cư, gần nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, không được ảnh hưởng đến dân sinh... cho nên thường chỉ có thể nằm ở vùng hoang mạc, vùng đất không có giá trị nông nghiệp hoặc hiệu quả nông nghiệp thấp.
Thế nhưng, ở Việt Nam, nhiều dự án sân golf (đã đi vào hoạt động hay đang nằm trên giấy) lại nằm ở những vị trí đắc địa, lấy "bờ xôi ruộng mật", dồn ra ven biển, cửa sông, lấy bờ xôi ruộng... rất nguy hiểm.
Sân golf dùng cỏ, mà để chơi golf được thì yêu cầu cỏ phải cực mịn, đảm bảo chiều cao, độ dày đúng tiêu chuẩn.
"Nếu trồng lúa hay rau - là những thứ con người ăn thì người ta còn phải tránh né chất này chất nọ, và danh mục hóa chất sử dụng trong nông nghiệp được quản lý. Thế nhưng, đây là cỏ sân golf cần mịn, mượt, dày đúng tiêu chuẩn nên phải phun hóa chất. Nó giống như cánh đồng chuyên trồng hoa, không ai ăn nên người ta không quan tâm hóa chất phun xuống đó độc hại đến đâu, quan trọng là chỉ cần nó đẹp, không bị sâu bệnh xâm hại", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Tuy nhiên, điều tai hại được vị chuyên gia chỉ ra, khi mưa xuống, nếu vào mùa mưa nhiều, lưu lượng nước lớn, nước trôi mạnh còn đỡ, nếu mưa ít, hóa chất ở sân golf trôi xuống, lắng đọng trong ao hồ, sông suối, nơi tích trữ nước của người dân thì vô cùng nguy hiểm. Cũng bởi nước mưa rửa trôi nên một thời gian sau người ta lại phun hóa chất cho cỏ sân golf, lượng hóa chất người dân quanh đó phải hứng cũng vì thế mà nhiều lên.
Để bảo vệ quyền lợi của người dân xung quanh sân golf, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, có hai cách: một là đóng cửa sân golf, hai là sân golf vẫn tiếp tục hoạt động, song chủ đầu tư phải bồi thường cho người dân vì những thiệt hại về sức khỏe, môi trường, nhưng thực tế cho thấy khả năng thứ nhất ít xảy ra, còn khả năng thứ hai thì mức bồi thường chẳng đáng bao nhiêu.
Vị chuyên gia khẳng định, việc tính đến nguy cơ ô nhiễm khi dự án sân golf nằm giáp khu canh tác, giáp khu dân cư hay nguồn nước hay không là việc của chủ đầu tư, song cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải trả lời và thông tin cho người dân biết: sân golf đó có đảm bảo an toàn về mặt sức khỏe, môi trường cho người dân ở khu vực quanh đó hay không? Cơ quan nào đứng ra xác nhận dự án đủ tiêu chuẩn về môi trường, đó là những tiêu chuẩn nào? Ai xác nhận về sự an toàn của nguồn nước và các vấn đề khác?...
Một điều khiến ông Thịnh lo ngại là, về nguyên tắc, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án phải được cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ, nhưng đôi khi nó lại chỉ như một thủ tục hành chính và sau cùng dự án vẫn được cho qua, để đến khi xảy ra sự cố đáng tiếc thì không thấy ai chịu trách nhiệm.
Mỗi năm một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hoá chất
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, sân golf thường không xây dựng tại những vùng đất có thể canh tác nông nghiệp, mà lựa chọn tận dụng khai thác những nơi đất cằn cỗi, thậm chí là sa mạc, để không gây lãng phí tài nguyên đất.
Hơn nữa, việc xây dựng các sân golf còn tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến môi trường như: Xóa sạch lớp phủ thực vật tự nhiên, nguy cơ cháy rừng, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan môi trường sống, tạo ra đất và lớp cỏ ngoại lai, hay gây ra những biến đổi về địa hình và nguồn nước ngầm địa phương,…
Theo kết quả khảo sát các sân golf ở Đông Nam Á, bình quân một sân golf 18 lỗ tiêu thụ 150.000 m3 nước sạch/ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 20.000 hộ gia đình.
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, một sân golf 18 lỗ ở Việt Nam tiêu tốn tới 5.000 m3 nước mỗi ngày cho việc tưới và duy trì bảo dưỡng mặt sân. Lượng nước này thường được khai thác từ nguồn nước ngầm, nên sau một thời gian, việc lún đất, sụt đất do nước ngầm bị lấy đi quá nhiều, mực nước ngầm sâu hơn và ô nhiễm nước ngầm do hoá chất, phân bón từ sân golf là chuyện không thể tránh khỏi.
Để giữ được màu xanh và phục hồi bề mặt cỏ sân golf, doanh nghiệp thường phải dùng các loại hóa chất chuyên dụng riêng như: Chlorpyrifos, Diazinon và Isazofos… thuộc danh mục hóa chất nhạy cảm với môi trường và sức khỏe con người.
Các số liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trung bình mỗi năm một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hoá chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp), trong đó axit silic, ôxít nhôm và ôxít sắt (các tác nhân có tiềm năng gây ung thư).
Phần lớn các dự án sân golf đã đi vào hoạt động hiện nay ở Việt Nam không có khu xử lý nước thải riêng. Toàn bộ nước thải sân golf sẽ đổ trực tiếp ra môi trường sau khi được xử lý sơ bộ tại các hồ lắng nội bộ.
Nhật Hạ