Chủ nhật, 24/11/2024 08:09 (GMT+7)
Chủ nhật, 02/08/2020 08:36 (GMT+7)

Hòa Bình nở rộ mô hình 'farmstay'

Theo dõi KTMT trên

Gần đây, tại Hòa Bình, các dự án bất động sản “farmstay” đang mọc lên như nấm mặc dù cơ sở pháp lý của loại hình này chưa hề rõ ràng, chứa đựng nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.

Công khai chào bán “farmstay”

“Farmstay” là mô hình bất động sản sinh thái kết hợp nông nghiệp. Nhà đầu tư mua sản phẩm “farmstay” được sở hữu nông trại và kinh doanh homestay. Đây là xu hướng “căn nhà thứ 2” được rất nhiều người dân Hà Nội ưa chuộng.

Khi có cầu sẽ có cung, 2 năm gần đây, tại Hòa Bình nhiều dự án “farmstay” đã phát triển rầm rộ. Chỉ cần gõ từ khóa “farmstay” trên các trang mạng giới thiệu, rao bán rầm rộ dự án Khu nghỉ dưỡng Ohara Villas & Resort (xã Mông Hóa, Hòa Bình) với mức giá từ 2 tỉ - 2,5 tỉ đồng cho 1 căn biệt thự 300 m2.

Theo quảng cáo, khách hàng đầu tư đất vườn farmstay sẽ được cấp sổ đỏ, hàng tháng sẽ được nhận 15 kg rau sạch, lợi nhuận cho thuê đến 50 triệu đồng/năm. Chủ đầu tư còn cam kết nếu không hỗ trợ làm sổ đỏ được sẽ mua lại bằng mức 124% giá bán lúc đầu….

Hòa Bình nở rộ mô hình 'farmstay' - Ảnh 1
“Farmstay” là mô hình bất động sản sinh thái kết hợp nông nghiệp.

Một dự án khác là Hasu Village Hòa Bình có 60 lô đất farmstay đang được mời chào với giá bán chỉ 300 triệu đồng cho 1 mảnh vườn. Khách hàng của dự án được cấp sổ đỏ đất vườn, được các chuyên gia hướng dẫn trồng hoa, trồng rau sạch mô hình nông trại.

Được biết, dự án này không được làm nhà kiên cố, vì đất có thời hạn sử dụng 50 năm. Nhưng đổi lại, dự án cung cấp sản phẩm nhà gỗ di động thông minh ấm cúng trên mảnh vườn của khách hàng đã mua, để cho thuê kinh doanh trải nghiệm.

Hay như dự án farmstay ở huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đang đưa ra lời giới thiệu là khách hàng mua đất làm farmstay sẽ được sở hữu nông trại với các loại hình trang trại nông nghiệp và kinh doanh homestay khiến nhiều nhà đầu tư muốn khám phá farmstay.

Tuy vậy, trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chủ đầu tư dự án này, thì toàn bộ chỉ là đất rừng sản xuất. Chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 30 năm với mục đích sử dụng là trồng rừng. Vì vậy, không thể chuyển đổi khu đất này sang mục đích kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng như lời quảng cáo của chủ đầu tư.

Anh Nguyễn Văn Mạnh (Giám đốc Sàn bất động sản Xanh, Hòa Bình) chia sẻ, thay vì phải bỏ ra cả tỉ đồng để đầu tư các dự án đất nền đô thị trong nội thành, đầu tư farmstay chi phí thấp hơn, Người mua vừa sở hữu đất vườn, vừa có rau sạch, vừa kinh doanh hoạt động nghỉ dưỡng. Vì vậy, mô hình farmstay được chào bán nhiều nhưng do tính pháp lý không rõ ràng nên khách hàng vẫn rất e dè, lo ngại rủi ro.

Mù mờ pháp lý

Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết, các dự án farmstay tại Hòa Bình đều được xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp, đất vườn cây. Các dự án đều có quy mô nhỏ 5 - 10 hecta, chủ yếu là đất được mua thu gom từ các hộ dân, sau đó thiết kế, quy hoạch để làm mô hình farmstay.

Do tính pháp lý chưa rõ ràng nên sau khi thu gom được đất, chủ đầu tư sẽ “lách luật” dưới hình thức là đơn vị tư vấn thiết kế, vận hành, quản lý khu nông trại này cho các gia đình. Còn việc xây dựng trên đất được “núp” dưới hình thức nhà tạm, nhà để nông cụ nên không cần phải xin phép xây dựng. Vì vậy, một số dự án farmstay đã được “khai sinh” rầm rộ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, mô hình bất động sản farmstay được bắt nguồn từ các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ. Nhưng, mục đích kinh doanh của họ là trải nghiệm học tập, không phải kinh doanh lưu trú. Mới đây, mô hình này du nhập vào Việt Nam và chủ yếu phát triển tại các tỉnh phía Nam như: Đà Lạt, Vũng Tàu. Hiện, tại các tỉnh thành ven Hà Nội, loại hình bất động sản bắt đầu được mở rộng và cải tiến phù hợp với nhu cầu thị trường. Tuy vậy, rất tiếc là pháp lý về đất đai, xây dựng lại chưa đề cấp đến farmstay.

Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, có giải pháp quản lý phù hợp. Cần sớm nghiên cứu để ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động của mô hình farmstay, tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh.

“Farmstay là một loại hình bất động sản mới, phát triển theo xu hướng thị trường và nằm ngoài khuôn khổ pháp luật, vì vậy, người mua cần xem xét rất kỹ lưỡng về năng lực của chủ đầu tư, nội dung thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác... Đừng vì cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư mà bị mắc bẫy”, ông Đính nhấn mạnh.

Luật sư Đoàn Duy Phương, Giảng viên bộ môn Luật (Trường Đại học Quốc Gia) phân tích, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải xem xét nguồn gốc đất có hợp pháp hay không? Farmstay được xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp với thời hạn sử dụng đất 50 năm thì người mua khó có thể được xem xét cấp sổ đỏ lâu dài. Vì vậy, các chủ đầu tư không thể cam kết có sổ đỏ hay không? Việc mua bán chủ yếu được thực hiện dưới hình thức hợp đồng hợp tác và cam kết thời hạn làm được sổ nhưng không có gì chắc chắn. Do tính pháp lý chưa rõ ràng, nên việc đầu tư bất động sản farmstay là rất rủi ro.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình nở rộ mô hình 'farmstay'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới