Hòa thượng Thích Huyền Diệu - "Đại sứ hình ảnh" về một Việt Nam Xanh, một Việt Nam an lành
Với Thầy Huyền Diệu, trồng nhiều cây xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, làm giảm các khí độc hại, tạo không gian xanh, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra, mà còn là bài học quý về lòng tri ân với quê hương, đất nước.
Không gian xanh cho cuộc sống an lành
Với tâm nguyện xây dựng một ngôi chùa Việt Nam trên thánh địa Bồ Đề Đạo Tràng của những người hành hương về đất Phật, Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal và hiện là Chủ tịch danh dự của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, là người ngoại quốc đầu tiên được Chính phủ Vương quốc Nepal cấp đất xây dựng ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Quốc tế đầu tiên tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Đức Phật Thích ca giáng trần.
Việt Nam Phật quốc tự tọa lạc trên một diện tích rộng, giữa cánh đồng bao la, cách Bồ đề đạo tràng khoảng 2 km. Khuôn viên rộng rãi và thoáng mát tạo nên một khung cảnh yên tĩnh.
Ngôi chùa An Việt Nam Phật Quốc Tự mang đậm bản sắc của quê hương Việt Nam với nhiều cây cao bóng mát, không gian yên tĩnh cùng với tiếng chim hót líu lo rất thích hợp cho việc tu tập và thiền định. Bên trong chùa, dọc theo những con đường nhỏ quanh co uốn lượn là các loại cây ăn trái của vùng nhiệt đới rất quen thuộc với người Việt như vải, mít, táo, cam, chanh, bưởi, xoài, ổi xá lị… Phía trước chánh điện và hai dãy phòng Pháp xá của chùa có trồng nhiều loại hoa kiểng được mang giống từ quê nhà sang như đào, mai vàng, mai chiếu thuỷ, lan, sứ, thiên lý.
Thầy Huyền Diệu quan niệm rằng, một đất nước muốn được hưng thịnh và tiến bộ thì tất cả mọi công dân đều phải đặt Tổ quốc và quyền lợi của Tổ quốc lên hàng đầu. Có Tổ quốc rồi mới có Phật giáo và sau hết mới đến ngôi chùa. Đó chính là ý nghĩa của tên gọi được đặt cho ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất Phật.
Trong bước chân hành hương đầu năm tới Nepal, mảnh đất nơi đức Phật sinh ra, chiêm bái quần thể hơn 30 ngôi chùa mà Thầy đã dày công vận động các nước cùng kiến tạo, lòng bạn sẽ không khỏi xúc động khi bắt gặp hình ảnh của quê hương rất đỗi thương yêu sau cánh cổng bình dị.
Tấm lòng nhân ái, yêu con người, yêu thiên nhiên
Từ những ngày đầu tiên là người nước ngoài đầu tiên được Đức Vua Nepal Birendra cấp đất xây chùa và lưu lại Lumbini, Thầy Huyền Diệu đã tình cờ đón hai con chim lạ đến cư trú trong ngôi An Việt Nam Phật Quốc Tự của mình. Qua tìm hiểu, đây là loài chim hồng hạc quý hiếm (sếu đầu đỏ) đang bị con người lẫn thú dữ đe dọa mạng sống.
Nhờ những nỗ lực của Thầy và người dân địa phương, từ một đôi chim quý bay về, sau hơn 10 năm, bầy hồng hạc đã phát triển lên đến 44 con, và hiện giờ đã lên đến khoảng 300 con sống rải rác trong vùng Lâm Tỳ Ni.
Việc bảo tồn loài chim quý còn được coi là linh điểu này còn kéo theo một chuỗi sự kiện khác. Trong quá trình bảo vệ loài chim, khi đi qua một bờ sông, thầy chứng kiến nỗi khổ của người dân trong vùng phải lội dòng nước xiết để sang bờ bên kia. Rất nhiều người đã phải bỏ mạng. Từ đó, Thầy mơ ước xây một cây cầu cho người dân vượt lũ. Cây cầu "tình thương Việt Nam" được hoàn tất từ tâm nguyện, sự đóng góp của Thầy cũng như của biết bao tấm lòng nhân ái đã kéo theo việc sau đó Chính phủ Nepal mở mang đường sá, tiến đến hình thành một bệnh viện và trong tương lai sẽ là trường học.
Trồng một cái cây như nuôi dưỡng một con người
Với Thầy Huyền Diệu, trồng nhiều cây xanh không chỉ giúp bảo vệ môi trường, làm giảm các khí độc hại, tạo không gian xanh, góp phần giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra, mà còn là bài học quý về lòng tri ân với quê hương, đất nước. Trồng một cái cây cũng như nuôi dưỡng một con người, không đơn giản chỉ là đào hố, trồng cây xuống là xong, mà còn cần chăm sóc, bón phân, thương yêu, phải trân trọng thì cây mới lớn được.
“Chúng ta phải có phương pháp trồng, vì mỗi loại cây sẽ thích ứng với một hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Chính quyền địa phương ở bên này, họ đánh giá chùa Việt Nam của mình là ngôi chùa có môi sinh tốt nhất. Thầy mong sẽ đem được tất cả các cây quý trên thế giới về trồng trên quê hương mình”.
Tâm nguyện ấy đã trở thành “kim chỉ nam” trong cuộc đời và hành trình tu tập của Hòa thượng Thích Huyền Diệu, người luôn coi việc trồng cây là sứ mệnh của mình khi đặt chân đến bất cứ vùng đất nào.
Sự tri ân với Mẹ Thiên nhiên, lòng hiếu hòa và tình yêu thiên nhiên bảo vệ môi trường của thầy Huyền Diệu đã lan tỏa một năng lượng tích cực, truyền niềm cảm hứng cống hiến cho các cán bộ, hội viên Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, cũng như cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Kinh tế Môi trường. Với chuỗi chương trình trồng cây Bồ đề đã được Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phát động, hướng đến hành động bảo vệ môi trường ngay hôm nay vì sự phát triển bền vững.
13 cây Bồ đề có nguồn gốc từ nơi đất Phật thành đạo (Buddha, Gaya Bihar, Ấn Độ) đã được Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam ươm mầm gieo trồng tại nhiều ngôi chùa ở nước ta, chốn tĩnh lặng, linh thiêng trong tâm thức người Việt. Lễ trồng cây cũng chính là hoạt động thiết thực, truyền tải thông điệp mà Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam muốn gửi tới cộng đồng trong khi môi trường sống ngày càng bị đe dọa.
“Nếu như tất cả chúng ta biết yêu thương xứ sở của mình, biết làm việc phúc đức, biết tôi luyện ý chí để vươn tới thành công, biết nuôi dưỡng văn hóa hiếu hòa trong tâm hồn thì xung quanh chúng ta sự màu nhiệm sẽ luôn lấp lánh, kì diệu và bất ngờ. Cũng giống như câu chuyện mà loài chim quý hiếm đã bay về ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật làm bạn với tôi và mang lại cho tôi những bài học quý giá về cuộc sống”. (Hòa Thượng Thích Huyền Diệu).
Ánh Nguyễn