Hưng Hà (Thái Bình): Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Trong nhiều năm qua, huyện Hưng Hà (Thái Bình) luôn chú trọng và triển khai đồng bộ các giải pháp song hành giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Theo đó, địa phương này đã chú trọng khai thác tiềm năng của mình theo hướng tăng trưởng bền vững, từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đơn vị sản xuất và nhân dân về sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Hàng năm, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý nhà nước về môi trường, công tác thu gom rác thải và vệ sinh môi trường. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được quan tâm hàng đầu. Tổ chức phổ biến rộng rãi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT và tuyên truyền về thực hiện đóng phí vệ sinh môi trường tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Phát động phong trào toàn dân BVMT, ý thức tự giác thực hiện Luật Bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung kiểm tra, giám sát, đôn đốc người đứng đầu UBND các xã, thị trấn thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn trong quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn và giải quyết những vấn đề phát sinh, tố cáo, khiếu nại, phản ánh về ô nhiễm môi trường. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các biện pháp BVMT mà chính các doanh nghiệp đã cam kết thực hiện trong đề án BVMT và kế hoạch BVMT, giấy phép môi trường.
Hiện 35/35 xã, thị trấn trong huyện quy hoạch và đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải; 100% thôn làng đã thành lập tổ thu gom rác thải, với tần suất thu gom 2 - 3 lần/tuần. Tổng khối lượng rác thải phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 135 tấn/ngày, khối lượng thu gom, xử lý đạt 95%. Việc áp dụng mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã phát huy được một số ưu điểm như tiết kiệm được quỹ đất, bước đầu cơ bản đã xử lý được lượng rác phát sinh ở các xã đầu tư lò.
Tuy nhiên, thực tế đến nay hầu hết các lò đốt rác được đầu tư từ năm 2015 với công suất thiết kế nhỏ, chưa đáp ứng hết các chỉ tiêu theo quy chuẩn hiện hành, có tuổi thọ lò đốt thấp chỉ vận hành tốt 2 năm đầu tiên, thiết bị xuống cấp nhanh. Hiện 13/21 lò đốt tại các xã, thị trấn vận hành đốt; một số lò đốt đã dừng hoạt động, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả xử lý rác thải nên vẫn còn tình trạng chôn lấp rác bên ngoài lò đốt.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Hà, hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương. Tuy nhiên, loại nghề và hình thức tổ chức kinh doanh ở các làng nghề hiện nay có quy mô nhỏ, phân tán, chủ yếu hoạt động với hình thức hộ gia đình, vốn đầu tư ít nên môi trường lao động và điều kiện lao động chưa được bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng. Tình trạng phổ biến của các hộ, cơ sở sản xuất nghề ở nông thôn là sử dụng ngay diện tích ở làm nơi sản xuất. Khi quy mô sản xuất tăng lên hoặc sử dụng thiết bị, hóa chất đã làm cho môi trường bị ô nhiễm, nhất là làng nghề xã Thái Phương.
Từ năm 2007, UBND tỉnh Thái Bình đã ra quyết định đình chỉ hoạt động nấu, giặt, tẩy nhuộm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề Phương La và đã tổ chức niêm phong máy móc thiết bị. Năm 2013, cụm công nghiệp được UBND tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Đến nay, dự án đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm để hoạt động chính thức. UBND huyện Hưng Hà giao Ban Quản lý dự án huyện đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm để đưa hệ thống xử lý nước thải vào vận hành chính thức, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường khu làng nghề Phương La, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và duy trì, thúc đẩy sản xuất của làng nghề. Tuy nhiên, tỷ lệ cụm công nghiệp, làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về BVMT còn thấp.
Theo ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều chất thải, nước thải chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng xấu đến môi trường nước mặt, môi trường đất và không khí cục bộ ở một số nơi. Một trong những nguyên nhân chính là do ý thức trách nhiệm và nhận thức của người dân về tầm quan trọng của công tác thu gom, xử lý rác thải, chưa biến nhận thức trách nhiệm của mỗi cá nhân thành hành động cụ thể. Mặt khác, việc phân công, phân cấp trong công tác quản lý nhà nước về BVMT nói chung, thu gom xử lý rác thải nói riêng còn nhiều bất cập.
"Thời gian tới, huyện Hưng Hà tiếp tục đổi mới tổ chức, lựa chọn mô hình, công nghệ phù hợp để quản lý, vận hành, thu gom, xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn. Đảm bảo được mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải luôn gắn với công tác bảo vệ môi trường", ông Hạnh nhấn mạnh.
Việt Phương (T.h)