Chủ nhật, 24/11/2024 10:29 (GMT+7)
    Thứ năm, 21/01/2021 16:45 (GMT+7)

    Không thể ép doanh nghiệp xây nhà giá rẻ

    Theo dõi KTMT trên

    Báo cáo đánh giá thị trường bất động sản TP.HCM năm 2020 của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa công bố cho thấy, sự lệch pha cung cầu ngày càng rõ nét khi số lượng các dự án bất động sản cao cấp chiếm áp đảo.

    Trong năm qua, phân khúc nhà ở bình dân chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được phép huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Trong khi đó, phân khúc căn hộ cao cấp đang có tỉ trọng rất lớn, tạo thêm khoảng cách lệch pha cung cầu, có nguy cơ gây bất ổn an sinh xã hội.

    Theo một báo cáo của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp (giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) chỉ chiếm khoảng từ 20 - 30% thị trường. Trong khi đó, nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang thiếu.

    Theo các chuyên gia, nhiều chủ đầu tư đã tập trung đầu tư quá nhiều vào bất động sản cao cấp trong khi phân khúc này không phù hợp với khả năng thanh toán của phần lớn khách hàng.

    Thực trạng này có thể khiến phân khúc bất động sản cao cấp sẽ phải điều chỉnh giá bán trong giai đoạn sắp tới khi thị trường đang dư thừa nguồn cung, lượng hàng tồn kho lớn và sức cầu đang giảm đi.

    Không thể ép doanh nghiệp xây nhà giá rẻ - Ảnh 1
    Thị trường bất động sản TP.HCM đang lệch pha cung cầu. (Ảnh: Internet)

    Trao đổi với VOV, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT công ty Nam Long cho rằng, việc phát triển quỹ đất hiện nay đang có sự mâu thuẫn giữa lợi ích của người dân, của doanh nghiệp và của Nhà nước. Ông Quang nhấn mạnh, cần phải xem phát triển đô thị là vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và của người dân. Do đó, phải xây dựng những cơ chế, chính sách, hành lang pháp luật để tạo quỹ đất.

    Theo ông Quang, chính sách tổng thể đối với nhà ở xã hội thì rất hay, nhưng để áp dụng thì chưa cụ thể, chưa hiện thực hoá được. Do đó, chính sách này chưa khuyến khích được các nguồn lực của xã hội cùng tham gia. Để giải quyết vấn đề này, ông Quang kiến nghị cần phải có cơ chế thoáng hơn.

    “Cơ chế, chính sách phải rất nhanh bởi nếu chậm 1 năm thì chi phí tài chính đã bị đội lên, chậm 3 năm là mất 30% chi phí. Muốn làm rẻ được thì hành lang pháp lý, cơ chế chính sách để triển khai dự án phải nhanh nhất”, ông Quang nói.

    Trước tình trạng trên, ông Lê Hoàng Châu đề nghị các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản xem xét tăng tỉ trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội. Mặc dù lợi nhuận thấp, nhưng có tính thanh khoản cao và ít rủi ro, góp phần cùng nhà nước giải quyết nhà ở cho cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động, sinh viên và người nhập cư. Đồng thời cùng nhau phối hợp để kiểm soát giá nhà, không để tình trạng giá nhà tăng nóng, tăng ảo xảy ra trong năm 2021.

    Lãnh đạo một công ty bất động sản nói rằng những năm trước khi thị trường bất động sản “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp tập trung làm phân khúc bình dân, nhà giá rẻ để tồn tại. Tuy nhiên, hiện nay thị trường đang “bùng nổ”, trong khi các chi phí đầu vào tăng cao, nên doanh nghiệp không thể làm nhà thương mại giá rẻ, vì làm thì chỉ có “từ chết đến bị thương”. Trong khi đó, hiện quỹ đất ngày càng hạn hẹp, đời sống người dân tăng cao, nên cũng không thể mãi chạy theo làm nhà giá rẻ.

    “Một dự án kéo dài hàng chục năm với nhiều chi phí. Khi bán được hàng chưa chắc đã xong, mà phải đến khi giao sổ hồng cho khách hàng mới hoàn thành nhiệm vụ và mới biết được lời, lỗ ra sao. Một TP lớn như TP.HCM cũng cần có những dự án lớn, hạng sang để giúp bộ mặt đô thị đẹp hơn. Đã đến lúc không phải chỉ đáp ứng ăn no, mặc ấm mà tiến tới ăn ngon, mặc đẹp, nhà cửa cũng sang trọng hơn. Sở dĩ hiện nay các doanh nghiệp làm phân khúc căn hộ cao cấp vì nhu cầu về nhà ở của người dân cũng tăng cao, doanh nghiệp vẫn bán được hàng và họ vẫn tiếp tục xây”, vị này nói thẳng.

    TS Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh và Quan hệ quốc tế - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng không ai có thể “ép” doanh nghiệp phải làm cái này, phải làm cái kia. Việc doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nào đó là quyền của doanh nghiệp vì họ đã tính toán được bài toán đầu tư. Để các doanh nghiệp làm nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội thì họ phải tiếp cận được quỹ đất giá rẻ, tiếp cận vốn ưu đãi.

    Hà Linh

    Bạn đang đọc bài viết Không thể ép doanh nghiệp xây nhà giá rẻ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới