Chủ nhật, 24/11/2024 04:47 (GMT+7)
Thứ hai, 26/08/2024 15:04 (GMT+7)

Kiểm kê khí nhà kính để tăng tốc giảm phát thải

Theo dõi KTMT trên

Chính phủ vừa ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật).

Đây sẽ là căn cứ để các ngành, lĩnh vực phân bổ nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm phát thải và doanh nghiệp có thể tham gia thị trường các-bon trong thời gian tới.

Quản lý 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia

Theo Luật Bảo vệ Môi trường, định kỳ 2 năm một lần, Chính phủ sẽ cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh mục đầu tiên được Chính phủ ban hành năm 2022 tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg gồm có 6 lĩnh vực và 1.912 cơ sở.

Ngày 13/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính (cập nhật) tại Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg; bao gồm 6 lĩnh vực và 2.166 cơ sở, chiếm khoảng 30% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.

So với Quyết định 01, danh mục mới đã loại ra 297 cơ sở do đã dừng hoạt động hoặc giảm quy mô, công suất hoạt động và cập nhật bổ sung 551 cơ sở mới có lượng phát thải khí nhà kính lớn nằm trong diện quản lý.

Kiểm kê khí nhà kính để tăng tốc giảm phát thải - Ảnh 1
Danh mục cập nhật đã loại 297 cơ sở do đã dừng hoạt động hoặc giảm quy mô, công suất hoạt động; bổ sung 551 cơ sở mới có lượng phát thải khí nhà kính lớn nằm trong diện quản lý

Cụ thể, ngành công thương có 1.805 cơ sở là các nhà máy điện, các cơ sở công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE (tấn dầu quy đổi) trở lên; theo đó đã loại ra 199 cơ sở và cập nhật bổ sung 342 cơ sở mới.

Ngành giao thông vận tải có 75 cơ sở là các công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; theo đó đã loại ra 26 cơ sở và cập nhật bổ sung 31 cơ sở mới.

Ngành xây dựng có 229 cơ sở bao gồm các doanh nghiệp sản xuất xi măng, các tòa nhà thương mại có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; theo đó đã loại ra 37 cơ sở và cập nhật bổ sung 162 cơ sở mới.

Ngành tài nguyên và môi trường có 57 cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên; theo đó đã loại ra 35 cơ sở và cập nhật bổ sung 16 cơ sở mới.

Các cơ sở sẽ phải kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo hướng dẫn của Bộ quản lý lĩnh vực (Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường), đồng thời, có trách nhiệm nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát và tăng dần số cơ sở để tăng tỷ lệ kiểm soát nguồn phát thải khí nhà kính từ 30% hiện nay lên 85%, đáp ứng theo yêu cầu Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Kiểm kê khí nhà kính để tăng tốc giảm phát thải - Ảnh 2
Nguồn: Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Trong bối cảnh nguồn tài chính trong nước và quốc tế cho giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam đang ngày càng hạn hẹp, việc xác định các cơ sở phát thải lớn của ngành sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương có những nghiên cứu, phân bổ hợp lý nguồn lực tài chính nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành. Qua đó, đảm bảo các mục tiêu giảm phát thải theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cũng như góp phần quan trọng hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.

Thúc đẩy cải tiến công nghệ giảm phát thải

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, với lộ trình tăng dần tỷ lệ quản lý tổng phát thải khí nhà kính quốc gia, việc quản lý được phát thải khí nhà kính ở cấp cơ sở sẽ hỗ trợ xây dựng các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của quốc gia và chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đến năm 2030.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chủ động triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Báo cáo Đóng góp quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 cũng đã có đề xuất các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực đã quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020. Doanh nghiệp nằm trong danh mục phải kiểm kê hoàn toàn có thể dựa trên các phương án này để triển khai xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp giảm phát thải. Điều này sẽ thúc đẩy cải tiến công nghệ trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gia tăng việc làm, đảm bảo an sinh - xã hội trên phạm vi lớn.

Việc triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính sẽ góp phần nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 2 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây là các hiệp định mở ra nhiều cơ hội và thị trường đối với nhiều mặt hàng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Kiểm kê khí nhà kính để tăng tốc giảm phát thải - Ảnh 3
Doanh nghiệp trang bị đèn LED nhằm giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính

Tuy nhiên, xu thế hiện nay trong triển khai các hiệp định nêu trên có thể sẽ áp thuế đối với các doanh nghiệp, cơ sở chưa thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hiệu quả năng lượng trong quá trình sản xuất. Điển hình là Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia, nhóm quốc gia tham gia các hiệp định nêu trên. Trong bối cảnh đó, việc kiểm soát phát thải khí nhà kính cấp cơ sở, hướng tới áp dụng các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Từ năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm triển khai thị trường các-bon trong nước và tiến hành các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Các cơ sở thuộc danh mục phải kiểm kê khí nhà kính sẽ có cơ hội được phân bổ hạn ngạch, dựa trên chính kết quả kiểm kê trong lần kiểm kê gần nhất. Đây cũng là căn cứ để các doanh nghiệp có thể giảm bớt chi phí tuân thủ đối với các quy định thuế các-bon quốc tế.

Yêu cầu nâng cao năng lực kiểm kê

Thực tiễn 2 năm triển khai Quyết định số 01 của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy một số khó khăn. Nổi bật là vấn đề thiếu hụt đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Theo Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc thực hiện chế độ thông tin, số liệu, thực hiện kiểm kê khí nhà kính và tuân thủ các quy định chưa được thực hiện đầy đủ và thống nhất do vấn đề về kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính là lĩnh vực mới, yêu cầu cao về nguồn lực thực hiện.

Đối với các địa phương, việc tiếp nhận, tổng hợp thông tin, báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở của các cơ sở thuộc danh mục của Quyết định trên địa bàn quản lý - đặc biệt là thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính của các cơ sở - sẽ cần lượng kinh phí đáng kể và biến động tùy theo số lượng cơ sở. Việc thực hiện thẩm định kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở sẽ được huy động từ nguồn ngân sách chi thường xuyên của địa phương cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kiểm kê khí nhà kính để tăng tốc giảm phát thải - Ảnh 4
Các doanh nghiệp có lượng phát thải khí nhà kính lớn sẽ phải tuân thủ quy định về giảm phát thải nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của quốc gia

Đối với doanh nghiệp, chi phí tuân thủ quy định kiểm kê sẽ cần được tính toán dựa trên ngành nghề kinh doanh, hệ thống cơ sở dữ liệu, số liệu hoạt động hiện có, số lượng các nguồn phát thải khí nhà kính thuộc phạm vi báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực, chưa bao gồm chi phí gửi thẩm định báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở cũng như chi phí cho việc chỉnh sửa báo cáo theo ý kiến thẩm định.

Qua ước tính sơ bộ, chi phí xây dựng một báo cáo kiểm kê của một cơ sở chỉ hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể hiện khoảng từ 30-80 triệu đồng/kỳ báo cáo. Chi phí này dự kiến sẽ giảm dần qua các lần thực hiện tiếp theo khi hệ thống cơ sở dự liệu, số liệu hoạt động của các doanh nghiệp được hoàn thiện, nhận thức và khả năng thực hiện báo cáo của doanh nghiệp được tăng lên, các hướng dẫn thực hiện kiểm kê khí nhà kính của các bộ quản lý lĩnh vực được ban hành.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bên có liên quan nghiên cứu xây dựng phần mềm kiểm kê khí nhà kính và báo cáo trực tuyến kết quả kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở. Điều này sẽ giúp giảm chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước tiết kiệm thời gian và chi phí quản lý cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính cấp cơ sở.

Thông qua hoạt động rà soát cập nhật thường xuyên danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính hai năm một lần sẽ giúp tăng cường năng lực, nhận thức, nâng cao hiệu quả quản lý phát thải khí nhà kính cho toàn bộ máy quản lý nước các từ trung ương đến địa phương.

Bạn đang đọc bài viết Kiểm kê khí nhà kính để tăng tốc giảm phát thải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới