Thứ sáu, 04/04/2025 02:28 (GMT+7)
Thứ năm, 03/04/2025 06:47 (GMT+7)

Những hành vi bị nghiêm cấm trên vùng hồ Thác Bà, Yên Bái

Theo dõi KTMT trên

Về cơ sở sản xuất tinh bột sắn ô nhiễm trên hồ Thác Bà, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình - ông Trần Việt Quý cho biết: “UBND huyện Yên Bình đã giao Phó Chủ tịch chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra, xử lý”.

Hồ Thác Bà của tỉnh Yên Bái là một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà.

Theo Quyết định 17/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý vùng hồ Thác Bà của UBND tỉnh Yên Bái ngày 30/9/2020 nêu rõ: “Vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt tại hồ Thác Bà là vùng có bán kính 1.500 m kể từ vị trí khai thác nước ra khu vực xung quanh và không vượt quá chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước hồ Thác Bà”.

Những hành vi bị nghiêm cấm trên vùng hồ Thác Bà, Yên Bái - Ảnh 1
Cơ sở sản xuất tinh bột sắn trên hồ Thác Bà, thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái gây mùi hôi thối.

Quyết định cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong vùng hồ Thác Bà: “Thải chất thải chưa được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; thải các chất độc, chất phóng xạ, chất thải nguy hại và các chất độc hại khác vào môi trường đất, nguồn nước, không khí vùng hồ Thác Bà, tự ý san lấp, lấn chiếm lòng hồ Thác Bà…”

Quyết định cũng yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh nước thải xả vào hồ Thác Bà phải có giấy phép xả nước thải vào hồ Thác Bà theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng cấp phép xả nước thải phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả vào hồ Thác Bà.

Tại quyết định cũng nêu: Chủ các dự án, chủ các cơ sở, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng hồ Thác Bà phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận theo quy định của pháp luật và phải thực hiện đầy đủ các trách nhiệm, nghĩa vụ về bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường dược cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận; thực hiện những yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật và của cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ các dự án, chủ các cơ sở, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong vùng hồ Thác Bà mà không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường thì phải có công trình, biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, khí thải, chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường vùng hồ Thác Bà.

Những hành vi bị nghiêm cấm trên vùng hồ Thác Bà, Yên Bái - Ảnh 2
Cơ sở sản xuất tinh bột sắn gây ô nhiễm ảnh hưởng tới nguồn nước hồ Thác Bà và nguy cơ ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt của người dân thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình.

UBND tỉnh Yên Bái quy định trách nhiệm của UBND xã, thị trấn trong vùng hồ Thác Bà tiếp nhận mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước hồ Thác Bà và mốc giới di tích danh thắng quốc gia hồ Thác Bà để quản lý và bảo vệ theo quy định.

Trường hợp phát hiện hành vi vận chuyển, xả chất thải nguy hại trong vùng hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa bàn quản lý của địa phương mình hoặc khi phát hiện chất thải từ bên ngoài xâm nhập vào vùng hồ Thác Bà phải kịp thời ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo ngay với UBND huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan để xem xét, xử lý theo quy định.

Đối với nhà máy nước sạch trên hồ Thác Bà, Giám đốc Công ty CP cấp nước và Xây dựng Yên Bái - ông Nguyễn Văn Nam chia sẻ: “Việc bảo vệ hàng lang nguồn nước sạch là trách nhiệm không chỉ riêng phía Công ty mà còn là trách nhiệm của địa phương, xã hội. Đối với nguồn nước đầu vào và đầu ra của Nhà máy nước sạch đều đảm bảo và được kiểm tra thường xuyên, định kỳ”.

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường thông tin về việc có nên để tồn tại cơ sở sản xuất tinh bột sắn ô nhiễm trên hồ Thác Bà. Cụ thể, theo phản ánh của người dân Tổ 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, trên hồ Thác Bà vẫn còn tồn tại cơ sở sản xuất tinh bột sắn gây ảnh hưởng tới môi trường và nguồn nước trong xanh của hồ.

Chia sẻ với phóng viên, gia đình bà D. (ở gần cơ sở sản xuất tinh bột sắn) bức xúc khi cơ sở sản xuất tinh bột sắn có mùi hôi thối nồng nặc, khó thở ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt thường ngày của gia đình. Cơ sở này hoạt động cả ngày, sáng thì thu gom tinh bột, tối đến thì chạy máy ầm ầm.

Qua ghi nhận của phóng viên, cơ sở sản xuất tinh bột sắn nằm trên khu đất ngay sát hồ Thác Bà, thuộc làng mới của Tổ 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Những hành vi bị nghiêm cấm trên vùng hồ Thác Bà, Yên Bái - Ảnh 3
Máy móc, thiết bị sản xuất tinh bột sắn bên trong cơ sở bẩn thỉu và không đảm bảo vệ sinh.

Bước vào cơ sở sản xuất tinh bột sắn này, mùi hôi thối nồng nặc do bã sắn lên men, bột sắn ủ và rãnh thoát nước có màu đen. Không những vậy, máy móc thiết bị sản xuất tinh bộ sắn cũng thô sơ có đủ các loại màu đen, nâu, đỏ, xám xịt lẫn vào nhau không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thời điểm phóng viên ghi nhận, có chừng gần 10 công nhân, chân đeo ủng sử dụng xẻng xúc gom tinh bột sắn đã khô lên xe rùa cũ kỹ.

Không những vậy, đường thu gom nước thải lại được chảy trực tiếp ra ngoài hồ Thác Bà, khiến có một vùng ven hồ có màu đen, vàng, nâu lẫn lộn. Tại bể lắng thải của cơ sở sản xuất tinh bột sắn này được đặt ngay sát hồ, nguy cơ rò rỉ ra ngoài hồ Thác Bà sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và nguồn nước sinh hoạt của hàng vạn người dân thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình.

Đại diện cơ sở sản xuất (một người tên Giáp) nói rằng: “Chỗ tôi sản xuất có ít sắn không có gì to tát cả, nó chỉ hơi mùi một tý, mấy hôm là hết ấy mà. Từ đầu năm ra mới làm được vài chục ngày. Mà tôi nghĩ chẳng có gì là ghê gớm lắm”.

Quyết định 17/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý vùng hồ Thác Bà của UBND tỉnh Yên Bái quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong vùng hồ Thác Bà:

  1. Phá hoại, khai thác trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
  2. Khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật, động vật thủy sinh vùng hồ Thác Bà bằng phương tiện, công cụ, phương pháp mang tính hủy diệt như: dùng chất nổ, chất hóa học, kích điện và các công cụ đánh bắt tận diệt khác; khai thác không đúng thời vụ, ngư cụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.
  3. Đưa các loài sinh vật thủy sản ngoại lai nhập khẩu từ nước ngoài, các loài sinh vật mới chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép vào nuôi trồng trong vùng hồ Thác Bà.
  4. Xây dựng công trình trái phép.
  5. Lấn, chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phá hoại các tiêu báo, mốc tọa độ địa chính.
  6. Phá hoại công trình giao thông đường thủy, tạo vật chướng ngại gây cản trở giao thông đường thủy, lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa.
  7. Thải chất thải chưa được xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; thải các chất độc, chất phóng xạ, chất thải nguy hại và các chất độc hại khác vào môi trường đất, nguồn nước, không khí vùng hồ Thác Bà.
  8. Tự ý san lấp, lấn chiếm lòng hồ Thác Bà.
  9. Chăn nuôi gia súc, gia cầm từ quy mô phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường trở lên, trừ những trường hợp đã có đàn gia súc, gia cầm trong vùng hồ Thác Bà từ trước ngày Quy chế này có hiệu lực thi hành.
  10. Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật có liên quan.

Đức Mậu

Bạn đang đọc bài viết Những hành vi bị nghiêm cấm trên vùng hồ Thác Bà, Yên Bái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa tích cực giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa
UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong đó có việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựạ.
Sắp áp hạn ngạch phát thải cho 150 doanh nghiệp lớn nhất
Chính phủ dự kiến phân bổ hạn ngạch khí nhà kính cho các cơ sở thuộc ba ngành: nhiệt điện, thép và xi măng, chiếm 40% tổng lượng phát thải toàn quốc. Cơ chế này nhằm thúc đẩy giảm phát thải và phát triển thị trường carbon trong nước.

Tin mới

Hải Phòng thu ngân sách cao kỷ lục
Ba tháng đầu năm, TP. Hải Phòng thu ngân sách đạt hơn 47.800 tỷ đồng, hơn 40% dự toán thu ngân sách cả năm nay. Đây là thông tin được công bố tại phiên họp thường kỳ trực tuyến tháng 3 của UBND Thành phố Hải Phòng diễn ra sáng nay (3/4).
Kinh tế Hải Dương tăng trưởng tích cực trong quý 1
UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức hội nghị (mở rộng) để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025, theo đó, trong 3 tháng đầu năm, một số ngành, lĩnh vực của Hải Dương đạt mức tăng trưởng rất tích cực.