Thứ năm, 09/01/2025 23:54 (GMT+7)
Thứ ba, 24/12/2024 06:16 (GMT+7)

Kinh nghiệm phục hồi sau cơn bão số 3: Hướng tới xã hội an toàn trước thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Ngày 23/12, tại Yên Bái, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai”.

Diễn đàn là dịp để các cơ quan quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai cùng nhìn nhận, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống thiên tai. Từ đó đề xuất các phương án, giải pháp, quan điểm tiến tới xây dựng các cộng đồng xã hội an toàn hơn trước thiên tai.

Kinh nghiệm phục hồi sau cơn bão số 3: Hướng tới xã hội an toàn trước thiên tai - Ảnh 1
Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai” được tổ chức tại tỉnh Yên Bái.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cơn bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu mưa sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc bộ; xảy ra gần như đồng thời các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm (bão rất mạnh, lũ lớn, đặc biệt lớn; lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt xảy ra trên diện rộng); tác động, ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và miền núi.

Bão và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích; 2.041 người bị thương; 5.647 nhà bị sập đổ, 256.923 nhà bị hư hại, tốc mái; 281.153 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 46.614 con gia súc, 4,8 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 805 sự cố đê điều; 2.524 công trình thủy lợi bị hư hại, sự cố; 194 tàu, thuyền, 18.220 lồng bè; 82.678 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, thiệt hại; 548 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, ách tắc với khối lượng sạt lở trên 15 triệu m3.

Ước tính tổng thiệt hại về kinh tế trên 83.746 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp ước tính 38.086 tỷ đồng, chiếm 45% tổng thiệt hại về kinh tế.

Ông Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Quỹ Cộng đồng Phòng tránh thiên tai cho hay: "Bên cạnh thiệt hại lớn về hạ tầng và nông nghiệp, hơn 90% thiệt hại về người do sạt lở và lũ quét. Vì vậy, cần rà soát lại năng lực phòng chống bão và thiên tai ở các tỉnh phía Bắc. Phương châm chỉ đạo phòng, chống thiên tai: Phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính”.

Trên cơ sở đó, cần tăng cường năng lực trung hạn và dài hạn, đặc biệt tập trung vào công tác dự phòng để chủ động ứng phó với thiên tai. Học hỏi kinh nghiệm quốc tế giúp nâng cao hiệu quả trong công tác dự phòng, từ đó dành nguồn lực hợp lý để triển khai cho những năm tiếp theo.

“Công tác dự phòng cần được triển khai qua 7 nhóm giải pháp, cụ thể: Rà soát và đánh giá các vùng có nguy cơ thiên tai, xác định các biện pháp ứng phó cụ thể cho từng khu vực; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm để đảm bảo thông tin kịp thời cho cộng đồng; tăng cường năng lực ứng phó ở cấp cơ sở, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động xử lý tình huống và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất nông nghiệp có khả năng chống chịu với thiên tai.

Các địa phương cần xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, đồng thời cải thiện năng lực hệ thống chính trị. Bên cạnh hỗ trợ từng hộ gia đình, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai trong tương lai”, ông Phát cho biết.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái - ông Nguyễn Thế Phước cho biết: “Ảnh hưởng từ bão Yagi khiến Yên Bái hứng chịu mưa lớn, lũ quét, sạt lở. Tổng thiệt hại ước tính gần 6.000 tỷ đồng. Do đó, Diễn đàn hôm nay là cơ hội quan trọng cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng ngồi lại với nhau, tìm ra hướng đi”.

Chủ động ứng phó với mưa bão, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để hỗ trợ thiệt hại cho người dân, mức hỗ trợ cao hơn so với Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Ông Nguyễn Thế Phước cho rằng, công tác khắc phục hậu quả được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, việc khôi phục sản xuất nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Trong các đợt thiên tai, dù có sự chuẩn bị từ trước, nhưng khi bão lớn xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn phải huy động rất nhiều nguồn lực. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng cứu hộ, phương tiện, vật tư và kinh phí sẽ giúp tỉnh nhanh chóng ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái đề nghị nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng các đơn vị của chính quyền tỉnh cùng chung sức tiếp tục khôi phục sản xuất. Thông qua diễn đàn, ông Phước cũng mong muốn nhận được các sáng kiến, sự vào cuộc của các nhà đầu tư để tiếp tục giúp nông dân khôi phục sau bão.

Kinh nghiệm phục hồi sau cơn bão số 3: Hướng tới xã hội an toàn trước thiên tai - Ảnh 2
Việc khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 về nông nghiệp cũng là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Yên Bái.

Nhà báo Lê Trọng Đảm - Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Thiên tai là phép thử lớn nhất để kiểm chứng năng lực của hệ thống phòng, chống thiên tai. Qua cơn bão Yagi, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã chung sức, đồng lòng để vượt qua những thời khắc khó khăn nhất, cố gắng để bà con vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai không bị đói, khát; những người yếu thế, người trong vùng nguy hiểm được hỗ trợ di tản đến nơi an toàn; công tác vận hành các hồ chứa lớn ở thượng nguồn các lưu vực sông đảm bảo an toàn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến vùng hạ du. Việc kêu gọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác ứng phó sự cố thiên tai khẩn cấp cũng được triển khai rộng khắp và nhanh chóng... Đây là nguồn lực to lớn để hỗ trợ các địa phương và bà con tái thiết, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống”.

Tại Diễn đàn, nhiều kinh nghiệm, giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài đã được chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Vương - Trưởng phòng Cây lương thực, Cục Trồng trọt cho biết, “Năm 2025 tiếp tục được dự báo là có những biến động thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt. Thêm vào đó, các thị trường nhập khẩu vẫn đang tăng cường các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu.

Vì vậy, trong năm 2025, các địa phương cần khẩn trương xây dựng sớm kế hoạch sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình thời tiết khí hậu, cơ cấu mùa vụ, vật tư nông nghiệp và nguồn nước.

Ông Lê Quang Hưng, chuyên viên Phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản nhấn mạnh, để ngành thủy sản phục hồi bền vững sau bão số 3 và đảm bảo khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Rà soát vùng nuôi trồng thủy sản, đầu tư hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cực đoan. Xây dựng và cập nhật hệ thống cảnh báo sớm, thông tin kịp thời tới người dân.

Xây dựng và ban hành hướng dẫn công tác phòng chống thiên tai; ban hành TCVN/QCVN, định mức kinh tế kỹ thuật các đối tượng nuôi để làm cơ sở xác định hỗ trợ thiệt hại. Tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi. Kiên quyết di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường. Tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân trong việc ứng phó và thích nghi với các tình huống thiên tai…

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho rằng, thời gian tới, nhằm khắc phục hậu quả sau thiên tai, Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp cần phải kiện toàn bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn và kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành.

Cùng với đó, cần rà soát, tổng hợp các dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách do các địa phương đề xuất theo Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, trong đó tập trung vào các loại hình thiên tai lũ quét, sạt lở đất (Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022). Rà soát, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên, hiệu quả, bền vững hơn, an toàn trước thiên tai, nhất là với nông nghiệp công nghệ cao và các sản phẩm có giá trị lớn.

Ngoài ra, cần tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, phòng hộ. Tu bổ, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, hồ chứa thuỷ lợi, nhất là các trọng điểm đê điều xung yếu; củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông, đê biển đảm bảo chống chịu được với các trận bão rất mạnh như bão số 3, lũ trên sông vượt lịch sử.

Đức Mậu

Bạn đang đọc bài viết Kinh nghiệm phục hồi sau cơn bão số 3: Hướng tới xã hội an toàn trước thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam xảy ra 482 trận động đất trong năm 2024
Năm 2024 đã xảy ra 482 trận động đất, trong đó có hơn 440 trận xảy ra tại huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất còn lại xảy ra ở các tỉnh, thành phố như Quảng Nam, Phú Thọ, Hà Nội...
Biến đổi khí hậu gây nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu
Mới đây, một nhóm nhà khoa học quốc tế đã đưa ra kết quả nghiên cứu rằng trong năm 2024, biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người gây ra đã làm thời gian nắng nóng nguy hiểm trên toàn cầu tăng thêm trung bình 41 ngày.

Tin mới