Chủ nhật, 24/11/2024 07:02 (GMT+7)
Thứ tư, 16/12/2020 16:00 (GMT+7)

Kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng tự nhiên phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh”.

Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nhiều tài nguyên nông nghiệp và khoáng sản để tăng cường phát triển kinh tế trong hai thập kỷ qua.

Tuy nhiên, mô hình này đã dần trở nên không bền vững theo thời gian. Một trong các nguyên nhân là việc mở rộng các ngành sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên này đã diễn ra vô cùng nhanh chóng.

Ví dụ như sản lượng lúa gạo, lĩnh vực sử dụng 2/3 diện tích đất nông nghiệp, đã tăng từ 19 tấn vào năm 1990 lên 40 tấn vào năm 2010 và 44 tấn vào năm 2017. Một nguyên nhân khác là việc mở rộng này, mặc dù rất ngoạn mục, đã sử dụng tài nguyên tương đối lãng phí vì các nhà sản xuất thường sử dụng đất, nước, gỗ và các đầu vào khác tại Việt Nam nhiều hơn so với các nước khác để sản xuất cùng một lượng đầu ra nhất định. Sản lượng thực phẩm gia tăng một phần lớn đạt được từ việc lạm dụng các yếu tố đầu vào như phân bón hoặc thuốc trừ sâu.

Kết quả là, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên một số ngành thâm dụng tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến việc khai thác quá mức đất và nước và làm môi trường suy thoái dần. Mặc dù Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thủy sản lớn thứ ba trên thế giới, nhưng ngày nay người ta nhận ra rằng hoạt động sản xuất trong nước không bền vững, thể hiện qua sản lượng giảm và sản lượng khai thác thấp hơn trong những năm gần đây.

Kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức cho Việt Nam.

Tính dễ bị tổn thương của các vùng trước những rủi ro sinh thái, như ở khu vực sông Mê Kông có thể thấy thông qua tình hình suy thoái đất và ô nhiễm tài nguyên nước. Trên toàn quốc, cạnh tranh về nước đã tăng lên khi nhu cầu của dân số đô thị ngày càng tăng và xung đột với nhu cầu của những người làm nông nghiệp. Cát và sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn thứ hai được khai thác, nhưng với tốc độ hiện tại, nguồn cung cát tự nhiên trong nước sẽ sớm bị khai thác hết.

Các vấn đề môi trường của Việt Nam đang trở nên trầm trọng hơn bởi sự gia tăng tương đối nhanh chóng của dân số sống ở các thành phố, từ 15 triệu người vào đầu những năm 2000 lên 34 triệu người vào năm 2018 và có lẽ lên tới 50 triệu người vào năm 2035. Tổng lượng rác thải do các thành phố tạo ra ước tính đạt hơn 27 triệu tấn mỗi năm và dự kiến sẽ đạt 54 triệu tấn trên toàn quốc vào năm 2030.83 Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đã thải ra 12 triệu tấn rác thải vào năm 2014, và ước tính chỉ riêng khu vực đô thị sẽ thải 22 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020. Do vậy, Việt Nam đang vất vả để thu gom rác thải.

Chỉ có 40 – 60% rác thải được thu gom vào bãi rác, trong khi phần còn lại được thải ra kênh mương và sông ngòi rồi chảy ra biển. Các thành phố đang phát triển đã tăng mức phát thải CO2 và Hà Nội, cũng như TP.HCM, hiện là một trong những trung tâm đô thị trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm không khí.

Biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng tác động của xuống cấp tài sản thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam. Việt Nam rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, bao gồm các tác động dài hạn như xâm nhập mặn ở vùng trũng thấp của đất nước (như đồng bằng sông Cửu Long), ảnh hưởng đến canh tác và nước ngầm. Với mực nước biển dâng cao dự kiến, hơn 50 triệu người phải đối mặt với rủi ro, đặc biệt là ở miền nam. Ước tính, Việt Nam có thể mất 5,714 triệu ha đất nếu mực nước biển tăng 12 cm. Tổng thiệt hại có thể lên tới gần 20 triệu ha đất nếu mực nước biển tăng 17 cm.

Kể từ năm 2000, Việt Nam đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm.

Sau một thời gian tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia về phát triển kinh tế xanh. Tiếp nối sự phát triển năng lượng xanh của các quốc gia trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án năng lượng sinh học…

Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững.

Từ năm 2011, Việt Nam đã thiết lập các mục tiêu hoạt động cụ thể đến năm 2020, trong đó tập trung vào 3 mục tiêu chủ yếu để đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế như: Giảm GHG và tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo.

Các luật thuế về môi trường bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2012, theo đó, việc đưa túi nilon và xăng dầu… vào đối tượng chịu thuế môi trường mặc dù có thể làm cho giá cả hàng hóa tăng lên nhưng lại góp phần giúp ý thức người tiêu dùng thay đổi, hạn chế việc sử dụng các sản phẩm có hại.

Nhằm thực hiện chủ trương về phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 về Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Đây là bản chiến lược đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, phù hợp với điều kiện trong nước và bắt kịp với xu hướng chung trên thế giới. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nêu rõ: “tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu... Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế”.

Ngày 26/8/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 trồng mới và phục hồi 10.000 ha rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hấp thụ 2 triệu tấn khí CO2 mỗi năm và tạo sinh kế ổn định cho người dân. Đến năm 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8% đến 10% so với mức 2010; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1% đến 1,5% mỗi năm; xây dựng Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam với quy mô 50 ha. Xây dựng kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cấp ngành, vùng và địa phương(8)...

Ngày 28/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu. Kế hoạch xác định 5 nhóm nhiệm vụ: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị nguồn lực; thiết lập hệ thống công khai, minh bạch (MRV); xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới