Lâm Đồng: Tiếp tục thúc đẩy ngành du lịch chất lượng cao, đậm đà bản sắc
Ngành du lịch chất lượng cao tỉnh Lâm Đồng tiếp tục duy trì đà phát triển, mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Sáng ngày 29/10, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/07/2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tham dự Hội nghị có sự góp mặt của bà Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, ông K' Mak Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo các sở ngành, địa phương, doanh nghiệp đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn được ban hành, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhanh chóng chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm cụ thể hóa các chính sách phát triển trong lĩnh vực du lịch.
Trong đó tập trung vào các nội dung chính như: Định hướng, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao và bền vững; Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; Phát triển không gian, sản phẩm du lịch; Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ du lịch; Liên kết, hợp tác phát triển du lịch; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Với quyết tâm đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, qua hai năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/07/2022 của Tỉnh ủy, đến nay ngành du lịch tỉnh Lâm Đồng đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2024, lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng đều mỗi năm với mức tăng trưởng bình quân là 65,9%; lượng khách du lịch đăng ký lưu trú (tổng lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ) tăng trưởng bình quân là 58,4% (vượt 48,4% chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đến năm 2025: tăng bình quân 9- 10%/năm); khách quốc tế chiếm 5,8% tổng lượng khách qua lưu trú (thấp hơn 6,2 so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đến năm 2025: chiếm 12-13% tổng lượng khách qua lưu trú). Ngày lưu trú bình quân của khách đạt 2,4 ngày (đạt 96% chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết đến năm 2025: đạt từ 2,5 ngày trở lên).
Nhằm kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được và phấn đấu đạt mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 25/07/2022 của Tỉnh ủy, trong thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phù hợp với quy hoạch phát triển của cả nước và tỉnh Lâm Đồng.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong công tác phối hợp triển khai thực hiện các chính sách về phát triển du lịch. Triển khai các biện pháp để thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, có tính kết nối; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương trong việc huy động, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, có tính chất kết nối liên vùng.
Bên cạnh đó, rà soát, đôn đốc tiến độ triển khai các công trình trọng tâm, trọng điểm và các dự án du lịch đã chấp thuận đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch với các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ, Đông Nam bộ trên cơ sở đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không để tăng cường tính liên kết trong nội vùng, trong nước và quốc tế; tăng cường tần suất các chuyến bay nội địa đến các địa bàn du lịch trọng điểm và xúc tiến mở mới các đường bay quốc tế phục vục khách du lịch.
Thực hiện tái cơ cấu toàn diện ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, có tính chất khác biệt. Khai thác hiệu quả lợi thế về khí hậu, cảnh quan, kiến trúc, di sản và bản sắc văn hóa đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa; kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu, sử dụng dịch vụ và mức độ hài lòng của du khách; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các trung tâm dịch vụ du lịch lớn.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch. Đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành dịch vụ, du lịch tại địa phương.
Thanh Tùng