Lâm Đồng: Xử lý dứt điểm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành văn bản yêu cầu các Sở ban ngành và địa phương xử lý dứt điểm các vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn hồ, đập, công trình thủy lợi trên địa bàn.
Theo đó, ngày 12/09/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ban hành văn bản 6821/UBND-TL giao UBND huyện Đơn Dương có trách nhiệm xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi, vi phạm tại hồ chứa nước P’róh, huyện Đơn Dương theo quy định (hoàn thành trong tháng 9/2022); Tiếp tục triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng tại các văn bản 5255/UBND-TL ngày 15/07/2022, số 5123/UBND-TL ngày 12/07/2022, số 7680/UBND-ĐC ngày 27/10/2021.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND các huyện, TP. Đà Lạt, TP. Bảo Lộc và các đơn vị được giao quản lý công trình thủy lợi tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm, dứt điểm các hành vi, vi phạm hành lang bảo vệ đập, hồ chứa, công trình thủy lợi được giao quản lý và trên địa bàn theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền. Không để vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn hồ, đập, công trình thủy lợi (kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ cơ sở). Trường hợp để xảy ra vi phạm, không phát hiện, xử lý dứt điểm, gây dư luận không tốt trong nhân dân, để báo chí phản ánh thì người đứng đầu địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác quản lý nhà nước tại địa phương.
Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải thực hiện kiểm tra, giám sát, tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm và xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là các vụ vi phạm nghiêm trọng, định kỳ hàng quý báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng theo quy định.
Liên quan tới vấn đề vi phạm hành lang bảo vệ an toàn hồ, đập, công trình thủy lợi, thời gian gần đây, người dân và báo chí đã có nhiều phản ánh về những hành vi xây dựng, lấn chiếm, san lấp… ở sông Cam Ly (đoạn chạy qua thôn Thanh Hà, xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà), sông Đạ Dâng (chảy qua thôn Tân Tiến, xã Tân Văn), lòng hồ thủy điện Đa Siat (thuộc xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm), lòng hồ thủy điện Đại Ninh (thuộc huyện Đức Trọng), lòng hồ thủy điện Đồng Nai (thuộc huyện Di Linh và Lâm Hà)... Những hành vi này đã và đang tác động nghiêm trọng tới môi trường sinh thái, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn hồ, đập chứa nước và gây bức xúc trong dư luận.
Thực hiện chỉ đạo từ Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các địa phương đã tiến hành ra quân kiểm tra và xử lý. Điển hình, ngày 30/08/2022, UBND huyện Đơn Dương đã ban hành Quyết định 1268/QĐ-XPHC xử phạt 60,4 triệu đồng với Công ty TNHH Du lịch Pró (địa chỉ thôn Pró, xã Pró, huyện Đơn Dương) vì đã thực hiện hành vi đào đắp ao hồ, xây dựng công trình tạm trọng phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và tự ý chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất phi nông nghiệp. Ngoài việc bị phạt tiền, trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, Công ty TNHH Du lịch Pró còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm đối với các vi phạm đã nêu.
Thông tin với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Dương Đức Đại, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện đã cho kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực bị phản ánh. Qua rà soát kiểm tra thì phát hiện 19 trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Căn chức vào chức năng, thẩm quyền UBND huyện đã ra quyết định xử phạt 2 trường hợp, còn lại 17 trường hợp xã cũng đã tống đạt các quyết định.
Đồng thời, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng còn tồn tại 566 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Năm 2021, qua công tác kiểm tra, rà soát đã phát hiện thêm 83 trường hợp vi phạm (tăng 47 trường hợp so với năm 2020), nâng tổng số vụ vi phạm đến ngày 21/12/2021 lên 649 trường hợp, trong đó đã xử lý dứt điểm được 110 trường hợp...
Và theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào ngày 8/8/2022, đến nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn nhiều trường hợp vi phạm hành lang công trình thủy lợi nổi cộm, chưa được xử lý dứt điểm, chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, san gạt, đổ đất lấp hồ, công trình thủy lợi chưa được xử lý, ngăn chặn triệt để, điển hình như việc vi phạm ở hồ P’róh (huyện Đơn Dương); hồ Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm); hồ Đạ Hàm (huyện Đạ Tẻh); các hồ Bồng Lai, Đa Me (huyện Đức Trọng); các hoạt động du lịch của Công ty TNHH LiMi trên mặt hồ Xuân Hương (TP. Đà Lạt).
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường vào sáng ngày 20/9, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, đối với chỉ đạo của UBND tỉnh về việc kiểm tra, giám sát, tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm và xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn đến nay Sở đã chỉ đạo các phòng ban thực hiện xong và đã có báo cáo tổng hợp về tỉnh.
“Anh em đã làm xong rồi. Vấn đề này thì năm nào Sở cũng rà soát, vừa rồi tỉnh chỉ đạo rà soát những vi phạm trọng điểm, nghiêm trọng thôi”, ông Sơn nói.
Đồng thời, để khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ vi phạm về lấn chiếm hành lang an toàn hồ, đập thủy lợi, đặc biệt là các vụ việc nổi cộm nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc khẩn trương kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm, lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép trong hành lang bảo vệ đập, hồ chứa nước công trình thủy lợi trên địa bàn.
Thanh Tùng