Làm thế nào để sạch và xanh Kênh Nhiêu Lộc?
Sự hồi sinh của kênh Nhiêu Lộc đã làm phấn chấn cư dân TP.HCM, nó như dải lụa xanh uốn lượn điểm tô cho thành phố sự kiều diễm của một con kênh thơ mộng.
Năm 2012 người dân TP.HCM rất vui mừng khi lần khánh thành đầu tiên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được cải tạo và nạo vét xong từ một dòng kênh ô nhiễm trầm trọng với kinh phí khổng lồ khoảng hơn 10 ngàn tỉ (bao gồm cả các kênh khác như Tàu hủ, Tân hóa…). Sự hồi sinh của kênh Nhiêu Lộc đã làm phấn chấn tất cả cư dân TP.HCM, nó như dải lụa xanh uốn lượn điểm tô cho thành phố sự kiều diễm của một con kênh thơ mộng.
Một ngày bận rộn của công nhân nạo vét kênh Nhiêu Lộc để giữ cho dòng kênh sạch đẹp. |
Để “sạch hóa” con kênh, Thành phố cũng đã thả mấy tấn cá con hầu giúp cho môi trường sinh thái tốt hơn. Đó là sự nỗ lực của lãnh đạo Thành phố và cư dân đô thị này, lúc bấy giờ dòng kênh trong xanh, hai bên bờ có hành lang xinh đẹp. Mỗi sáng, mỗi chiều những người sống xung quanh con kênh hăng hái ra hai bên bờ kênh tập thể dục, cư dân Thành phồ ai cũng thấy vui vì mội trường con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè rất sạch, đẹp, thậm chí một số người thích câu cá còn thả cần câu thưởng thức sự nhàn lãm.
Khúc kênh phía Quận 3, Tân Bình một số gia đình sát kênh còn bày bàn ghế dã chiến để bán café hay nhậu lai rai, thật thú vị, ngồi trên bờ kênh xanh, sạch đẹp thư giãn, ai mà chẳng thích, một số anh em nhiếp ảnh có vẻ hứng thú khi lang thang hai bên bờ kênh này bấm máy những tấm ảnh sinh hoat đời thường rất sinh động.
Truyền hình TP.HCM thời bấy giờ cũng thường kêu gọi người dân vì môi trường xanh, sạch, đẹp nên gìn giữ cho con kênh trong lành, không vứt rác xuống kênh. Người dân sống xung quanh kênh cũng nghiêm túc thực hiện, khi ai đó thiếu ý thức vứt rác xuống kênh là có người nhắc nhở ngay.
Được vài ba năm thì con kênh bắt đầu đục đen, có lẽ các cống thoát nước từ các khu dân cư xung quanh đổ xuống mỗi lần mưa chăng? Tôi thì tin rằng, những người sống gần con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không thể vô ý thức vứt bừa bãi xuống dòng kênh vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của họ, hơn nữa các phường dọc kênh đã có chỉ thị tuyên truyền đúng mức, nếu có là những khách đi đường vô ý thức dọc theo kênh bởi tất cả hình ảnh ghi lại rác khá nhiều nhất là chai nước uống nhựa. Vì vậy giao thông vận tải thành phố mà trách nhiệm trực tiếp là Trung tâm quản lý đường thủy cũng cho công nhân dọn rác thường xuyện trên kênh.
Mới đây, 27/0/2020 ông Phạm Ngọc Dũng - Giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã nhiều năm chưa được nạo vét, rác và bùn trong các tuyến cống đổ vào kênh cùng với ảnh hưởng dòng chảy sông Sài Gòn dẫn đến sự bồi lắng. Bên cạnh đó, khi nước ròng, mùi hôi bốc lên ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân, UBND thành phố chỉ đạo cho Trung tâm Quản lý đường thủy đẩy nhanh tiến độ thực hiện phê duyệt dự án nạo vét kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Theo đó, Trung tâm Quản lý đường thủy sẽ tiến hành nạo vét theo ba đợt: Đợt 1: Tiến hành nạo vét đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6, chiều sâu nạo vét khoảng 0,9 m, thời gian thực hiện từ tháng 3 đến tháng 6/2020; Đợt 2: Nạo vét từ cầu số 6 đến đường Út Tịch, chiều sâu nạo vét khoảng 1,01 m, thời gian thực hiện từ tháng 4 đến tháng 7/2020; Cuối cùng là đoạn cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn. Tất cả bùn thải sẽ được đưa về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Dũng Giám đốc, đầu tháng 3/2020 đơn vị thi công đã bắt đầu xử lý nạo vét bùn thải dưới kênh Nhiêu Lộc -Thị Nghè dự kiến bùn lắng dòng sẽ là 122.000m3, kinh phí cho việc nạo vét sẽ là 36,5 tỉ. Chắc chắn khi nạo vét lòng kênh, sẽ có màu xanh sạch đẹp.
Chúng tôi đề nghị chính quyền phạt nặng những người cố tình vứt rác xuống dòng kênh để răn đe người vi phạm, may ra mới giữ con kênh vệ sinh xanh, sạch, đẹp lâu dài.
Về tự nhiên bồi dòng kênh từ các cống xung quanh đổ ra, cũng như của con sông Sài Gòn thì đành chịu, còn người dân thành phố ta bao giờ cũng mong rằng chính quyền TP.HCM có giải pháp lâu dài và căn cơ hơn, nếu có nạo vét ít nhất cũng 10 năm/một lần để giữ dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mãi trong sạch và xanh, là cảnh quan thơ mộng, tăng thêm vẻ đẹp cho Sài Gòn - TP.HCM.
Ngã Du Tử