Chủ nhật, 24/11/2024 06:26 (GMT+7)
Thứ tư, 28/09/2022 10:50 (GMT+7)

"Lật tẩy" chiêu trò lừa đảo đầu tư ngoại hối của sàn Forex ảo

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, đã có không ít chuyên gia đưa ra lời cảnh báo về việc các nhà đầu tư tham gia Forex. Không chỉ mất tiền, việc các sàn Forex không phép hoạt động còn ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản

Những chiêu thức hoạt động của các sàn Forex trái phép tại Việt Nam là phương thức lừa đảo, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người dân để chiếm đoạt tài sản. Không chỉ khiến nhà đầu tư mất tiền, việc các sàn Forex hoạt động không phép còn ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Hiện pháp luật Việt Nam chưa cho phép mở các sàn giao dịch ngoại hối tại Việt Nam, để lấy lòng tin của nhà đầu tư, các đối tượng môi giới quảng cáo rằng sàn Forex có nguồn gốc từ nước ngoài, độ uy tín cao, có các hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện giao dịch nhanh chóng, chính xác, được liên kết với các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn trên thế giới, lãi suất cao, khoảng từ 15 - 30%/tháng trên tổng số tiền đầu tư.

Phương thức hoạt động của các sàn Forex là cho các nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội Zalo, Facebook, tư vấn người chơi “đánh lệnh”. Ban đầu thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, dẫn đến nhà đầu tư mất hết tiền trong tài khoản. Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.

"Lật tẩy" chiêu trò lừa đảo đầu tư ngoại hối của sàn Forex ảo - Ảnh 1
Lợi dụng lòng tin của khách hàng, nhiều sàn Forex đã chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, các sàn Forex được các đối tượng quản trị (Admin) thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các khách hàng. Admin có thể tự đặt lệnh vào tài khoản khách hàng, thay đổi số dư tiền trên tài khoản, can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, “đánh cháy” tài khoản của khách hàng (làm hết tiền trong tài khoản khách hàng).

Đáng chú ý, nhà đầu tư trên sàn giao dịch Forex thực chất là chơi với chủ sàn, toàn bộ tiền đánh thua là chủ sàn được hưởng (đã có nhiều người dân bị thua số tiền rất lớn lên đến cả chục tỉ đồng). Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật như: Chặn quyền truy cập tài khoản, tự đặt lệnh khống, dẫn đến cháy tài khoản và không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền...

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, hiện nay, cơ quan quản lý chưa cấp phép cho sàn Forex nào, nên các hoạt động giao dịch trên có thể coi là không đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức, cá nhân nên giao dịch ngoại tệ tại các TCTD được cấp phép chính thức.

“Nếu các cá nhân đầu tư vào sàn Forex là vô hình trung tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật. Do đó, NHNN khuyến cáo người dân không nên tham gia đầu tư. Nếu trường hợp có bị lừa mất vốn cũng không được pháp luật bảo vệ”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.

Theo Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ, những người tham gia đầu tư trái phép còn có thể bị phạt hành chính từ 10 - 30 triệu đồng về hành vi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau hoặc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Tại khoản 8 Điều 23 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP cũng quy định hành vi môi giới ngoại hối khi không được cấp thẩm quyền cấp giấy phép thì bị phạt hành chính từ 200 - 250 triệu đồng.

Nhiều lùm xùm liên quan đến Lite Finance

Liên quan đến hình thức hoạt động này, thời gian qua cũng đã có không ít sàn Forex sau khi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng thì thay tên đổi họ để rũ bỏ trách nhiệm. Như sàn Lite Finance tiền thân là LiteForex (hay còn gọi là Lite FX). Sau khi xuất hiện với cái tên LiteForex thu hút được nhiều nhà đầu tư, sàn này chuyển qua là Lite Finance. Trên website của sàn này để thông tin là đã được cấp phép hoạt động bởi CySEC và vừa nhận giấy phép ASIC. Tuy nhiên, nguồn gốc của những giấy phép này thì chưa được khẳng định độ uy tín.

"Lật tẩy" chiêu trò lừa đảo đầu tư ngoại hối của sàn Forex ảo - Ảnh 2

Ngoài ra, trên website của Lite Finance còn để thông tin sàn này có văn phòng đại diện tại TP.HCM và Hà Nội. Nhưng trên thực tế, các địa điểm văn phòng trên lại không có bất kỳ thông tin liên quan đến hoạt động tài chính. Việc hoạt động môi giới một cách mập mờ, đưa thông tin thiếu minh bạch ít nhiều khiến các nhà đầu tư băn khoăn liệu sàn Lite Finance đang “lùa gà” để lừa đảo hay không?

Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực từng nhận định các trò lừa đảo trong hoạt động đầu tư tài chính, sàn Forex, tiền số về cơ bản đều là những chiêu trò cũ nhưng được thay tên đổi họ. Một phần có nhiều người dân vẫn còn thiếu hiểu biết về những lĩnh vực này, đồng thời một phần còn do lòng tham muốn có lợi nhuận cao nên sẽ bị sập bẫy.

Theo tìm hiểu của PV, các nhân viên của sàn Lite Finance đang làm tại 8 văn phòng ở TP.HCM, 1 văn phòng ở Hà Nội và 1 văn phòng ở Đà Nẵng. Mỗi văn phòng sẽ do một người quản lý. Người đang điều hành chính các văn phòng này là ông Nguyễn Anh Tuấn, sinh năm 1991, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Lite Finance thường xuyên tổ chức các lớp học đầu tư Forex do ông Nguyễn Trọng N. đảm nhận. Ông Nghĩa được cho là cánh tay đắc lực của ông Nguyễn Anh Tuấn. Việc hoạt động này không khác gì kim tự tháp đa cấp Ponzi khiến các nhà đầu tư hoài nghi về sàn Lite Finance có dấu hiệu lừa đảo.

Minh Anh

Bạn đang đọc bài viết "Lật tẩy" chiêu trò lừa đảo đầu tư ngoại hối của sàn Forex ảo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới