Luật Dầu khí (sửa đổi): Có nên đưa ra cơ chế ưu đãi thuế cho nhà đầu tư?
Theo ông Lê Ngọc Sơn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cần phải tạo ra cơ chế hấp dẫn hơn để khuyến khích hơn các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực dầu khí.
Hợp đồng dầu khí giảm mạnh
Theo tờ trình dự án Luật tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sáng 31/3, Chính phủ cho biết, Việt Nam đang đứng trước một thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh (từ năm 2015 đến năm 2019 mỗi năm chỉ có 1 hợp đồng dầu khí được ký; năm 2020 và năm 2021 không có hợp đồng dầu khí nào được ký). Nguyên nhân khách quan là các phát hiện mới ở Việt Nam trong thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, các diện tích mở còn lại đều được đánh giá có tiềm năng ở mức hạn chế, chủ yếu là khí, tập trung ở khu vực thuộc đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí.
Bởi vậy, việc đánh giá đúng hiện trạng của các điều khoản kinh tế - thương mại của hợp đồng dầu khí và hệ thống các văn bản pháp lý so với các nước trong khu vực là hết sức cần thiết để xây dựng được chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.
Trên cơ sở đó dự thảo Luật quy định sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, giữ nguyên các mức ưu đãi theo quy định hiện hành, cụ thể giữ nguyên mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32% và thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10%, tỷ lệ thu hồi chi phí là 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, dự thảo Luật quy định mức ưu đãi thấp hơn để thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, cụ thể: mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa quy định mức thuế suất này), thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% (nằm trong khung thuế suất thuế xuất khẩu theo quy định) và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Điểm mới trong dự thảo Luật, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân là mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% áp dụng đối với lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt. Nội dung này được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam. Cụ thể: mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%.
Đối với mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (25%) áp dụng cho hợp đồng dầu khí của lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, để có thể áp dụng được ngay sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, tại Điều 54 dự thảo Luật quy định việc sửa đổi khoản 2 Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, theo đó: “Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí khí từ 25% đến 50% và tài nguyên quý hiếm khác từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh”.
Cần cơ chế ưu đãi thuế để hấp dẫn nhà đầu tư
Một trong những vấn đề cấp thiết của lần sửa đổi này, theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Ngọc Sơn là tạo ra cơ chế hấp dẫn hơn để khuyến khích hơn các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực dầu khí.
Hiện tại, những con số nhìn ở khâu đầu tư thăm dò dầu khí là đáng báo động, ông Sơn nhìn nhận và cho biết thời gian qua có nhiều lô được mời chào nhưng nhà đầu tư họ không tham gia vì không đủ ưu đãi.
7 năm qua chỉ ký được 3 hợp đồng mới, còn số hợp đồng chấm dứt là 18 cái, sản lượng liên tục suy giảm hàng năm và gia tăng trữ lượng hàng năm không bù được, ông Sơn nhấn mạnh.
Tổng thể hơn, ông Sơn thông tin có108 hợp đồng đã ký và hiện nay còn 55 hợp đồng, nhưng có 5 hơp đồng đang làm thủ tục chấm dứt, như thế chỉ còn 50 hợp đồng và trong số đó lại có nhiều hợp đồng "ngủ đông".
Với hiện trạng như thế, ông Sơn cho rằng nếu vẫn giữ cơ chế như hiện tại thì chưa chắc đã thu hút được nhà đầu tư.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với chính sách thuế toàn cầu thì ưu đãi về thuế tại dự thảo luật không còn nhiều lợi thế.
Phải có gói cơ chế ưu đãi đặc biệt theo nhu cầu của nhà đầu tư mà hai bên đều tìm thấy lợi ích chung, ông Hiếu nêu quan điểm.
Thừa nhận ưu đãi thuế không còn nhiều lợi thế như đại biểu Hiếu phân tích, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, tới đây sẽ nghiên cứu và có bộ ưu đãi khác. Nhưng hiện tại công cụ thuế vẫn còn tác dụng.
Về ý kiến ưu đãi thuế không nên quy định ở luật này, ông Tiến nói Chính phủ đã cân nhắc kỹ, nhưng trong khi luật về thuế chưa sửa được thì trước mắt cần đưa ưu đãi thuế vào Luật Dầu khí (sửa đổi), nếu không thì không phát huy được quy định này khi ban hành luật.
Phát biểu kết luận, liên quan đến ưu đãi đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đồng tình cần có gói ưu đãi mà không quá lệ thuộc vào công cụ thuế.
Cho rằng, dự thảo luật đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022), ông Thanh lưu ý cần đầu tư thích đáng để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật nhưng vẫn đưa ra được các quy định đặc thù cho ngành dầu khí tại dự thảo luật này.
Phải sửa đổi toàn diện dự án Luật Dầu khí do có những khó khăn bất cập như số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh, từ năm 2019 đến nay không có hợp đồng dầu khí nào được ký. Xung đột Nga - Ucraina khiến cho giá dầu hết sức phức tạp, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro... Bối cảnh mới đòi hỏi có cách nhìn mới, tạo ra cơ chế chính sách đồng bộ, tăng cường phân cấp phân định trách nhiệm, tăng cường quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Uỷ ban Kinh tế chủ trì thẩm tra, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét sau đó trình Quốc hội tại kỳ họp kỳ ba, nếu bảo đảm chất lượng sẽ thông qua tại kỳ họp thứ tư tới đây.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Hà Lan