Thứ hai, 21/04/2025 20:18 (GMT+7)
Thứ hai, 21/04/2025 16:11 (GMT+7)

Mô hình nuôi giun quế ở xã Chi Đám (Phú Thọ): UBND huyện Đoan Hùng lập đoàn kiểm tra

Theo dõi KTMT trên

Liên quan đến hoạt động san gạt, xây dựng dự án trên đất lâm nghiệp tại xã Chí Đám, UBND huyện Đoan Hùng đang thành lập đoàn kiểm tra để xử lý.

Trước đó, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã đăng tải bài viết “Phú Thọ: Nhiều lo lắng về vấn đề môi trường tại mô hình giun quế ở xã Chi Đám”. Theo đó, dư luận địa phương rất bức xúc trước tình trạng san gạt đồi tại khu Tân Thành, xã Chí Đám (Đoan Hùng, Phú Thọ) để làm dự án. 

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường ngày 21/4/2025, ông Đặng Ngọc Trường - Chủ tịch UBND xã Chí Đám cho biết: "Sau khi Tạp chí Kinh tế Môi Trường có thông tin phản ánh, UBND huyện Đoan Hùng đang thành lập đoàn kiểm tra để xử lý vụ việc, còn phía xã đã có báo cáo UBND huyện và đã làm hết trách nhiệm của xã".

Theo hồ sơ UBND xã Chí Đám cung cấp, ngày 7/3/2025, UBND xã Chí Đám thành lập tổ công tác đến địa điểm thửa đất tại đồi Gò Mít, khu Tân Thành, xã Chí Đám để làm việc sau khi nhận được tin báo. Qua kiểm tra, diện tích đất đang san gạt thuộc tờ bản đồ số 01, thửa số 39.1, với tổng diện tích 53.000 m2 và loại đất là đất lâm nghiệp.

Mô hình nuôi giun quế ở xã Chi Đám (Phú Thọ): UBND huyện Đoan Hùng lập đoàn kiểm tra - Ảnh 1
Toàn cảnh diện tích khu vực dự án nông nghiệp không phép tại xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, Tỉnh Phú Thọ.

Dựa theo bản đồ, sổ mục kê lưu chữ tại UBND xã, diện tích đất trên giao cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hải, thường trú tại khu Tân Thành thuộc xã Vân Du (nay là xã Chí Đám) quản lý. Sau đó, Ông Nguyễn Văn Hải đã chuyển nhượng lại cho bà Đinh Thị Thắng, thường trú tại thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng quản lý và sử dụng. Bà Thắng tiếp tục đã cho ông Hà Trọng Hòe, thường trú tại khu Cao Sóc, xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng thuê lại. Sau khi xác minh, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản làm việc với ông Hà Trọng Hòe.

Trong quá trình làm việc, ông Hà Trọng Hòe xuất trình với tổ công tác của UBND xã Chí Đám hợp đồng thuê đất được lập ngày 1/2/2025 với nội dung bên cho thuê đất là bà Đinh Thị Thắng và bên thuê đất ông Hà Trọng Hòe. Tuy nhiên, hợp đồng không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, việc san gạt đất không có bất cứ loại giấy tờ nào được cấp có thẩm quyền cho phép.

Cũng theo biên bản, ông Hòe đã cho san gạt mặt bằng trên đỉnh đồi với diện tích khoảng 10.000m2 và đổ một tuyến đường bê tông xi măng dài 200m, rộng 4m dày 0,2m, đồng thời dựng một lán tạm khung sắt lợp tôn diện tích 100m2. Hoạt động  san gạt khoảng tháng 11/2024 (khi đó khu vực trên vẫn thuộc xã Vân Du cũ).

Tổ công tác tiến hành lập biên bản làm việc và yêu cầu ông Hà Trọng Hòe dừng thi công tất cả các hành vi san gạt đổ đất, xây dựng công trình lán trại khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Yêu cầu ông Hòe hoàn thiện các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp phép cho xây dựng trang trại trên diện tích của thửa đất số 39.1 thuộc tờ bản đồ số 01 thì tiếp tục thi công.

Ngày 13/3/2025, tổ công tác của UBND xã Chí Đám tiến hành kiểm tra việc chấp hành của ông Hà Trọng Hòe theo biên bản làm việc lập ngày 7/3/2025. Tại hiện trường thửa đất số 39.1, tờ bản đồ số 01 (đồi Gò Mít), ông Hà Trọng Hòe đã dừng việc san gạt đất, nhưng trên diện tích đất đã san gạt ông Hòe không chấp hành theo nội dung biên bản làm việc lập ngày 7/3/2025, tiếp tục tiến hành đào móng, dựng cột sắt có đai chuẩn bị cho việc đổ bê tông. Cụ thể như sau: Số cột đã dựng là 103 cột đã đổ bê tông móng; hình thành 3 nhà xường diện tích 2.710,9m2; trên diện tích đất đã san gạt còn 21 trụ sắt chưa dựng, nhiều khung sắt có đai để đổ rằng các trụ bê tông với nhau, khoảng 30 bộ ràn giáo sắt và nhiều cốt pha bằng sắt.

Mô hình nuôi giun quế ở xã Chi Đám (Phú Thọ): UBND huyện Đoan Hùng lập đoàn kiểm tra - Ảnh 2
Mặc dù đã bị cơ quan chức năng đình chỉ thi công khi chưa được cấp phép, nhưng đơn vị này vẫn tiếp tục hành vi vi phàm pháp luật của mình.

Theo biên bản, ông Hà Trọng Hòe có ý kiến ông đang xây dựng trang trại nuôi giun quế, về giấy tờ liên quan đến việc xây dựng trang trại ông không có giấy tờ gì. Tổ công tác của UBND xã Chí Đám đã lập biên bản đình chỉ việc xây dựng. Căn cứ vào nội dung kiểm tra việc xây dựng, san gạt mặt bằng vi phạm trên đất lâm nghiệp của ông Hà Trọng Hòe tại thừa đất số 39.1, tờ bản đồ số 01 đồi Gò Mít, khu Tân Thành, xã Chí Đám đã vượt quá phạm vi xử lý vi phạm hành chính của UBND xã.

Do đó, UBND xã Chí Đám báo cáo kính trình UBND huyện Đoan Hùng, Phòng Nông Nghiệp và Môi Trường huyện Đoan Hùng xem xét, chỉ đạo, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 10/4/2025, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường cũng đã có buổi làm việc với UBND huyện Đoan Hùng. Một vị lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Môi trường cho biết: “Huyện đã nắm bắt được thông tin vụ việc, hiện tại, phòng đang làm hồ sơ để tham mưu lãnh đạo UBND huyện Đoan Hùng để xin ý kiến chỉ đạo, và hướng xử lý, xử phạt”.

Từ vụ việc trên cho thấy, hành vi tự ý san gạt một quả đồi để xây dựng dự án trái phép trên đất lâm nghiệp tại đây đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng coi thường pháp luật và gây ra những hệ lụy môi trường vô cùng nghiêm trọng. Vụ việc này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng cảnh quan thiên nhiên, phá hủy hệ sinh thái mà còn trực tiếp vi phạm nhiều điều khoản quan trọng của Luật Đất đai hiện hành.

Hành động ngang nhiên này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Đất đai và các văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể, có thể kể đến những điều khoản sau.

Vi phạm quy định về mục đích sử dụng đất tại điều 6 và điều 170 luật đất đai. Quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi "Hủy hoại đất" và "Sử dụng đất không đúng mục đích". Đất lâm nghiệp được xác định rõ ràng về mục đích sử dụng cho việc trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Việc tự ý san gạt và xây dựng công trình không phục vụ mục đích lâm nghiệp là sử dụng đất không đúng mục đích.

Quy định nghĩa vụ chung của người sử dụng đất, trong đó có nghĩa vụ "Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu lòng đất và khoảng không gian trên mặt đất, bảo vệ công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan". Việc xây dựng trái phép rõ ràng không tuân theo quy định về mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.

Mô hình nuôi giun quế ở xã Chi Đám (Phú Thọ): UBND huyện Đoan Hùng lập đoàn kiểm tra - Ảnh 3
Dự án nuôi giun quế được xây dựng tại đồi Gò Mít, quả đồi nằm trong khu vực đập chứa nước (Đập nhà Giặc) trên địa bàn huyện Đoan Hùng, Tỉnh Phú Thọ.

Ngoài ra, trường hợp này còn vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng đất, tại điều 57 (Luật Đất đai) quy định các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang đất xây dựng (để thực hiện dự án) mà không được cấp phép là hành vi vi phạm nghiêm trọng. Việc san gạt để chuẩn bị cho xây dựng cũng được coi là một bước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

Tại điều 12 Luật Đất đai về vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi "Sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố". Nếu dự án xây dựng trái phép này không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt cho khu vực đất lâm nghiệp đó, thì đây là hành vi vi phạm.

Theo điều 178 Luật Đất đai ,vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng đất, quy định nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến môi trường xung quanh. Việc san gạt đồi trái phép gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường như xói mòn, sạt lở, ô nhiễm nguồn nước, phá hủy hệ sinh thái, rõ ràng là vi phạm điều khoản này.

Bên cạnh đó,vụ việc trên không chỉ vi phạm pháp Luật Đất đai, hành động này còn gây ra những hậu quả môi trường vô cùng nghiêm trọng và khó có thể khắc phục...

Tóm lại, hành vi tự ý san gạt và xây dựng dự án trái phép trên đất lâm nghiệp là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến các quy định về mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ môi trường và thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan. Tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, các tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Mô hình nuôi giun quế ở xã Chi Đám (Phú Thọ): UBND huyện Đoan Hùng lập đoàn kiểm tra - Ảnh 4
Tổng diện tích của dự án không phép là 53.000m2 và loại đất là đất lâm nghiệp.

Từ vụ việc này, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về công tác quản lý đất đai và bảo vệ môi trường của chính quyền địa phương. Tại sao một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy lại có thể diễn ra một cách ngang nhiên trong thời gian dài mà không bị ngăn chặn và xử lý kịp thời? Liệu có sự buông lỏng quản lý hay thậm chí là sự bao che cho sai phạm?

Người dân địa phương đang bày tỏ sự bức xúc và lo lắng sâu sắc trước những tác động tiêu cực mà hành động này gây ra cho môi trường sống của họ. Họ khẩn thiết yêu cầu các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, đình chỉ ngay lập tức dự án xây dựng trái phép và có biện pháp khắc phục hậu quả môi trường một cách triệt để.

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, các chế tài, phương án xử lý đối với hành vi vi phạm về xây dựng đã được pháp luật quy định rất cụ thể. Nhưng chính việc quản lý còn lỏng lẻo và xử lý không “nghiêm minh” của các cấp cơ quan nhà nước đã dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

Mục đích của người vi phạm là tìm mọi cách hoàn thành thủ tục để công trình sai phạm được tồn tại, được sử dụng một cách hợp pháp. Nếu công trình trái phép vẫn được tồn tại, chỉ bị xử phạt hành chính và nộp tiền là sẽ được hợp thức hóa sai phạm thì chẳng khác gì cứ có tiền là mọi sai phạm sẽ đều được giải quyết, khi đó sẽ càng có nhiều sự ra đời của các công trình xây trái phép, không phép vẫn tồn tại.

Ngược lại chính quyền địa phương ngay từ đầu có những sự cứng rắn, cương quyết đình chỉ thi công phần xây dựng trái phép, yêu cầu phá dỡ phần công trình vi phạm thì chắc chắn những mục đích của người vi phạm sẽ không đạt được, sẽ không còn tình trạng vi phạm và hợp thức hóa bằng hình thức khác.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Mô hình nuôi giun quế ở xã Chi Đám (Phú Thọ): UBND huyện Đoan Hùng lập đoàn kiểm tra. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới