Chủ nhật, 24/11/2024 03:51 (GMT+7)
Chủ nhật, 11/08/2024 14:28 (GMT+7)

Khơi dòng kinh tế thị trường tín chỉ carbon: Cần khung khổ pháp lý mở khóa "mỏ vàng xanh"

Theo dõi KTMT trên

Tín chỉ carbon được ví như một “mỏ vàng xanh”, đây cũng là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thúc đẩy, phát triển kinh tế xanh. Việc triển khai loại hình mới mẻ này còn nhiều trở ngại do thiếu khung pháp lý chung.

LỜI TÒA SOẠN:

Trong bài viết này, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đưa ra quan điểm và lý luận để hình thành một thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam. Đó là thị trường được điều tiết và định hướng trong nền kinh tế carbon. 

Tín chỉ carbon cần được coi là một loại tài nguyên đặc biệt, có thể thiết kế và tái tạo. Và loại tài nguyên đó muốn có thể khai thác, góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh hướng tới phát triển bền vững, thì tài nguyên đó phải trở thành sản phẩm hàng hóa, được mua bán trao đổi, giao thương. Như vậy, khi đó tín chỉ carbon sẽ hình thành thị trường và lưu thông trong nguồn mạch kinh tế đất nước.

Để hình thành được thị trường tín chỉ carbon, cần có cấu trúc nền kinh tế để vận hành thị trường "mỏ vàng xanh" này. Và quy luật ràng buộc tất yếu, đó là hành lang pháp lý cho một nền kinh tế - nền kinh tế carbon. Đến lúc, không thể khác hơn, chúng ta cần xây dựng khung khổ pháp lý để "mở khóa" cho nền kinh tế carbon, đó chắc chắn sẽ là các công cụ: chính sách xanh, tài chính xanh, công nghệ xanh, thương mại xanh, doanh nghiệp sinh thái và cộng đồng sinh thái.    

Khơi dòng kinh tế thị trường tín chỉ carbon: Cần khung khổ pháp lý mở khóa "mỏ vàng xanh" - Ảnh 1
Khu sinh thái Vàm Sát - Cần Giờ.

Thị trường tín chỉ carbon – Triển vọng cho phương thức kinh tế tuần hoàn đến nền kinh tế xanh

Dự kiến trong tương lai, theo lộ trình, thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028. Mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 10,8 triệu tín chỉ carbon tự nguyện được cung cấp, đi kèm với nhu cầu trao đổi, mua bán lớn. Sự hình thành thị trường carbon giúp nước ta nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá Carbon quốc tế.

Hiện nay, không có tín chỉ được ban hành sẵn để giao dịch trên sàn, vì vậy các dự án tín chỉ carbon tại Việt Nam hầu hết được thực hiện thông qua hợp đồng mua trước, nghĩa là bên có nhu cầu sẽ đặt hàng. Việc sớm thực hiện thị trường này đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như góp phần quan trọng trong phát triển các phương thức của kinh tế tuần hoàn, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó có mục tiêu “Phát thải ròng bằng 0 – Net Zero vào năm 2050.

Ông Phạm Nam Hưng, Phòng Kinh tế và thông tin Biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: "Thị trường carbon được cả thể giới coi là công cụ giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả về mặt kinh tế. Nó thúc đẩy việc Chính phủ có thể điều chỉnh nguồn vốn, dòng tiền vào những công nghệ giảm phát thải, công nghệ xanh hơn. Và cùng với việc phát triển trong nhận thức của con người, cam kết mạnh mẽ hơn từ các quốc gia thì giá của tín chỉ carbon tăng trong thời gian qua".

Liên quan đến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về kinh tế xanh, tài chính xanh tại Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw khẳng định, Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này từ rất sớm. Từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2021, Việt Nam tiếp tục ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để thay thế cho Quyết định số 1393/QĐ-TTg, trong đó nhấn mạnh tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh.

Quyết định số 1658/QĐ-TTg cũng đề ra 4 mục tiêu chính, bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Sau đó là Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 gồm 12 nhóm với 66 hoạt động cụ thể trải rộng trên 4 chủ đề: xây dựng thể chế quốc gia và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại địa phương; giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện xanh hóa sản xuất; và thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lí rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam và gần đây là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Khơi dòng kinh tế thị trường tín chỉ carbon: Cần khung khổ pháp lý mở khóa "mỏ vàng xanh" - Ảnh 2
Đường xuyên rừng dẫn đến Vườn quốc gia Cát Bà.

Thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn sơ khai

Với các văn bản đã được ban hành, có thể thấy thị trường carbon dần được định hình rõ nét hơn, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá tín chỉ carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường tín chỉ carbon trên thế giới và khu vực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, đây còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon, thúc đẩy doanh nghiệp chú trọng đầu tư chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn còn có những câu hỏi đặt ra: Mô hình thị trường (doanh nghiệp tự nguyện tham gia hay Chính phủ dẫn dắt, bước đầu vận hành trong nước hay tham gia ngay vào thị trường quốc tế); Cơ sở pháp lý, tổ chức bộ máy, xác định/phân bổ hạn ngạch phát thải đến từng chủ thể phát thải. Phạm vi triển khai, sản phẩm, mô hình hoạt động nhằm tạo ra khuôn khổ, môi trường pháp lý, năng lực tổ chức, cơ chế vận hành, yêu cầu năng lực kỹ thuật để thành lập và phát triển đồng bộ thị trường tín chỉ carbon, từ khâu đánh giá, phân bổ hạn ngạch phát thải, đến hình thành, chứng nhận tín chỉ carbon, phương thức giao dịch…; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể tham gia (doanh nghiệp, nhà nước, người dân).

Bên cạnh đó, hiểu biết của doanh nghiệp về Hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường carbon còn rất hạn chế. Trên 50% doanh nghiệp có nghe qua về ETS và thị trường carbon nhưng không biết về nguyên tắc hoạt động cơ bản, một số ít không biết ETS và thị trường carbon ở đâu, chỉ một tỷ lệ  nhỏ (1,27%) doanh nghiệp hiểu cách ETS và thị trường carbon hoạt động.

Trong bối cảnh vận hành thị trường carbon dường như là tất yếu, việc cân nhắc đến tiềm năng phát triển thị trường carbon rừng của Việt Nam không chỉ là giải pháp đóng góp vào các mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần đem lại lợi ích kinh tế cho những người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng.

Việt Nam là nước đầu tiên thuộc khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ đối tác carbon lâm nghiệp (FCPF) của Ngân hàng Thế giới. Hiện có 2 dự án bán tín chỉ ra quốc tế là dự án ở bắc Trung bộ giá khoảng 6 đô la Mỹ/tín chỉ và dự án ở Quảng Nam là 10 đô la Mỹ/tín chỉ.

Theo điều 8, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là chủ rừng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính thì được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế. Mặt khác, theo điều 61, Luật Lâm nghiệp, việc hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh được quy định là một loại dịch vụ môi trường rừng và được chi trả theo quy định của Luật Lâm nghiệp (Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp).

Khơi dòng kinh tế thị trường tín chỉ carbon: Cần khung khổ pháp lý mở khóa "mỏ vàng xanh" - Ảnh 3
Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau

Gợi mở hàm ý chính sách cho thị trường tín chỉ carbon

Tuy nhiên, một số khó khăn vướng mắc như: Hệ thống cơ chế chính sách quản lý tín chỉ carbon nông nghiệp, lâm nghiệp còn thiếu đồng bộ, tản mạn ở nhiều văn bản; phần lớn vùng sản xuất nông nghiệp và diện tích rừng chưa được phát triển tín chỉ carbon; thiếu sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; hạn chế trong đo đạc, kiểm đếm, thẩm định, chứng nhận tín chỉ carbon; xác định hàm lượng carbon trong hàng hóa…cũng cần sớm được giải quyết.

Các chính sách về carbon rừng còn đang thiếu những quy định chung nhằm hài hòa giữa giao dịch tín chỉ carbon theo thị trường và theo cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý đối với việc xác định bản chất tài sản của tín chỉ carbon rừng hay mối quan hệ giữa sở hữu tín chỉ carbon rừng với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng cũng sẽ dẫn đến những bất cập trong việc chuyển nhượng và chia sẻ lợi ích từ nó.

Ông Vũ Tuấn Phương, Giám đốc văn phòng chứng chỉ rừng bền vững (VFCO), cho rằng: “Chúng ta phải có khung pháp lý quy định đầy đủ giữa các bên, có thể trao đổi với nhau phải giảm phát thải, bên nào có thể thực hiện cung cấp dịch vụ tín chỉ carbon cho bên nhu cầu giảm phát thải. Thứ hai, chúng ta cần có một năng lực nhất định để thực hiện các hoạt động báo cáo, thẩm định, giám sát. Thứ ba, tất cả các cơ sở dữ liệu phải minh bạch”.

“Việc đẩy nhanh hành lang pháp lý và các hướng dẫn cụ thể, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 mà Chính phủ đặt ra. Việc tạo ra quy định sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Nếu không có công cụ, chính sách, chúng ta khó có thể thực hiện được mục tiêu này”, ông Phương nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, theo ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, mặc dù nội dung carbon rừng đã được đề cập tại các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Tuy nhiên, vấn đề chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng vẫn thiếu những quy định cụ thể để có thể thúc đẩy các tiến trình đàm phán thương mại. Để khắc phục bất cập này, trước tiên cần nhận diện những khoảng trống trong khuôn khổ pháp lý, từ đó có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các thể chế, chính sách tương ứng, phù hợp.

Khơi dòng kinh tế thị trường tín chỉ carbon: Cần khung khổ pháp lý mở khóa "mỏ vàng xanh" - Ảnh 4
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên.

TS Võ Trung Tín, Trưởng bộ môn Luật Đất đai  - Môi trường, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng, vấn đề thuế của tín chỉ carbon nói riêng cũng như hạn ngạch phát thải nói chung cần được nghiên cứu và ban hành đồng bộ.

Theo ông Tín, dự kiến lộ trình sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ được vận hành vào năm 2025 và đi vào hoạt động chính thức năm 2028. Do đó, việc chậm trễ ban hành sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả Nhà nước về thất thu ngân sách và gây khó khăn cho doanh nghiệp phải xử lý về mặt kế toán đối với loại tài sản mới này.

Trong khi đó, GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM đề xuất cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước. Việc phát triển một thị trường tín chỉ carbon nội địa mạnh mẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và người dân. Chính phủ cần thiết lập các sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước, tạo ra nền tảng để các bên có thể giao dịch một cách minh bạch và hiệu quả.

Trong đó, cần thiết phải xem tín chỉ carbon là một loại hàng hóa. Hiện nay, việc xác định tín chỉ carbon là một loại hàng hóa vẫn chưa rõ ràng, ví dụ như xem đây là lâm sản hay loại hình nào khác? Một khi chưa xác định tín chỉ carbon là hàng hóa thì việc giao dịch mua bán trên thị trường thông qua phương thức nào cũng đều là khiên cưỡng.

Khơi dòng kinh tế thị trường tín chỉ carbon: Cần khung khổ pháp lý mở khóa "mỏ vàng xanh" - Ảnh 5
GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TP.HCM

Khi tín chỉ carbon trở thành hàng hóa giao dịch thành công trên thị trường giống như bất cứ một loại hàng hóa khác thì chắc chắn sẽ phát sinh tranh chấp quyền sở hữu. Bởi không chỉ là giá trị mang lại mà ở chỗ vì đó là một loại hàng hóa đặc biệt (không cầm nắm được), muốn xác định được phải thông qua phương tiện máy móc ghi nhận. Như vậy hành lang pháp lý cần có, là phải có quy định cụ thể về quyền sở hữu đối với tín chỉ carbon. Xác lập quyền sở hữu tín chỉ carbon phải đảm bảo đồng thời đạt được mục đích kép: Vừa hạn chế đến mức thấp nhất sự tranh chấp giữa các chủ rừng hay các chủ dự án khi thực hiện các dự án đầu tư khai thác năng lượng tái tạo nhưng cũng vừa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác tín chỉ carbon.

Khơi dòng kinh tế thị trường tín chỉ carbon: Cần khung khổ pháp lý mở khóa "mỏ vàng xanh" - Ảnh 6

Cơ quan quản lý cũng cần cân nhắc một số hàm ý chính sách. Cụ thể:

Thiết lập hệ thống giao dịch khí thải (Emission Trading System - ETS)để trao đổi giấy phép phát thải. Các doanh nghiệp có thể mua, bán hoặc trao đổi các giấy phép phát thải với nhau, dẫn đến việc hình thành thị trường carbon.

Ban hành chính sách giới hạn lượng khí thải được phát hành nhằm giảm thiểu lượng khí thải của các nhà máy và nhà sản xuất năng lượng. Ví dụ, EU giới hạn lượng khí thải được phát hành trong giai đoạn 2021-2030 là 1,57 tỷ tấn CO2. 

Hình thành cơ chế điều chỉnh biên giới carbonnhằmđảm bảo tính công bằng và tính cạnh tranh đối với hàng hóa của các nhà sản xuất. Công cụ này có thể hỗ trợ xây dựng một sân chơi bình đẳng cho các ngành công nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giảm lượng khí thải trên toàn cầu.

Hỗ trợ phát triển công nghệ sạchnhằm giảm lượng khí thải, tạo ra việc làm mới và giúp giảm chi phí sản xuất.

Hỗ trợ đào tạo và chuyển giao công nghệ: Cung cấp nguồn tài chính để hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ sạch cho các doanh nghiệp và tổ chức, giúp họ hiểu và áp dụng các công nghệ sạch vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thiết lập cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các dự án giảm thiểu khí thải; tạo thị trường carbon minh bạch, đảm bảo tính an toàn cho các giao dịch trên thị trường.

Thuế carbon:Chính phủ nhiều quốc gia cũng đã áp dụng các chính sách về thuế carbon như thuế năng lượng và thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm liên quan đến carbon, thuế carbon đối với các phương tiện giao thông.

Định giá carbon: Có thể áp dụng các chính sách giá đặt quyền khí thải bên ngoài hệ thống ETS để đóng góp vào việc giảm thiểu khí thải, ví dụ như thuế carbon hoặc hệ thống quy đổi khí thải.

Cần có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; hoàn thiện khung pháp lý về phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Ưu tiên phát triển thị trường carbon rừng; hợp pháp hóa quyền và chuyển quyền carbon dựa vào sở hữu đất đi kèm với các biện pháp đảm bảo an toàn trong cơ chế chia sẻ lợi ích; hướng tới cả thị trường carbon tự nguyện và bắt buộc, có ưu tiên phát triển thị trường tự nguyện; kết nối thị trường carbon nội địa với thị trường carbon quốc tế.

Nâng cao năng lực của doanh nghiệptrong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính; lập kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính phù hợp; trang bị kiến thức về thị trường carbon.

Nếu không có hành lang pháp lý điều chỉnh phù hợp để khuyến khích đầu tư và khai thác tín chỉ carbon thì rất khó biến tiềm năng thành hiện thực và đưa thị trường tín chỉ carbon vận hành theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra. Do đó, cần thiết trước mắt, các cơ quan, ban ngành cần ngồi lại để sớm ban hành một khung chính sách cho thị trường tín chỉ carbon. Qua đó, sẽ góp phần khai thác hiệu quả hơn “mỏ vàng xanh” giàu tiềm năng này.

Duy Khánh

Bạn đang đọc bài viết Khơi dòng kinh tế thị trường tín chỉ carbon: Cần khung khổ pháp lý mở khóa "mỏ vàng xanh". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới