Thứ tư, 18/12/2024 11:43 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/12/2024 06:34 (GMT+7)

Năm 2024 ghi nhận 463 trận động đất

Theo dõi KTMT trên

Theo Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 5/12/2024, Việt Nam đã ghi nhận 463 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,4 - 5,0.

Theo Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 5/12/2024, Việt Nam đã ghi nhận 463 trận động đất có độ lớn dao động trong khoảng từ 2,4 - 5,0 độ theo thang Mô men trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam.

Năm 2024 ghi nhận 463 trận động đất - Ảnh 1
Bản đồ chấn tâm trận động đất xảy ra ngày 1/12. Ảnh: VVLĐC

Thông tin các trận động đất có độ lớn M≥3.5 được cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời góp phần trong công tác ứng phó, giảm nhẹ thiên tai động đất, sóng thần cho quốc gia và khu vực. “Thông tin các trận động đất có độ lớn M≥1.0 được cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời góp phần trong công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, an sinh xã hội và vận hành an toàn các công trình thủy điện, công trình trọng điểm trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam” – ông Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khẳng định.

Trước số trận động đất cao, tần suất dày, thực hiện công điện số 73/CĐ-TTg ngày 29/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, từ ngày 28/7 đến 5/8/2024, Viện Vật lý địa cầu đã cử đoàn khảo sát đánh giá các trận động đất diễn ra trong các ngày 28-29/7/2024.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, chuỗi trận động đất đã gây nhà cửa rung lắc mạnh, nhiều nhà bị nứt và làm cho người dân hoang mang lo sợ không chỉ ở khu vực tỉnh Kon Tum mà còn lan sang các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Gia Lai, Đà Nẵng. Thậm chí rung lắc còn được cảm nhận thấy ở các thành phố rất xa như TP. Hồ Chí Minh, Phnôm Pênh (Campuchia) (nguồn Cục Khảo sát địa chất Mỹ - USGS).

Bắt đầu xuất hiện kể từ năm 2021, thời gian gần đây, động đất ở khu vực này có xu hướng gia tăng với nhiều đợt động đất liên tiếp, có ngày xảy ra trên 20 trận. Hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi. Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn.

Trước và sau một trận động đất có độ lớn trên 4 độ thường có tiền chấn, dư chấn, tức là có các trận động đất nhỏ. Động đất càng lớn thì tiền chấn, dư chấn càng nhiều. Với những trận động đất rất lớn có thể có hàng trăm trận động đất nhỏ xảy ra trước và sau đó.

Động đất kích thích ở đây có thể kéo dài cả chục năm, như động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam, do hai khu vực này nằm cùng một hệ thống đứt gãy Rào Quán – A Lưới và có nền địa chất tương đối giống nhau.

Trận động đất được đánh giá gây rung động mạnh nhất là cấp VI – VII theo thang MSK-64 trong vùng chấn tâm. Trong thời gian này, đoàn công tác Viện Vật lý địa cầu đã thực hiện tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về động đất và phòng chống động đất ở khu vực tâm chấn (các xã vùng tâm chấn như Đắk Tăng, Măng Bút, Đắk Nên, Đắk Rinh, Măng Cành) và một số địa điểm bị tác động của động đất khu vực gần tâm chấn khác. “Nhờ đó, sớm ổn định tâm lý cho người dân, tăng cường, củng cố các kỹ năng ứng phó phù hợp tình hình thực tế tại địa phương nhằm giảm thiểu những rủi ro do động đất có thể xảy ra trong thời gian tới tại địa phương’, ông Xuân Anh khẳng định.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Năm 2024 ghi nhận 463 trận động đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới