Chủ nhật, 24/11/2024 03:58 (GMT+7)
Thứ ba, 13/08/2024 15:59 (GMT+7)

Nghệ An: Vụ xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả thải - Nhìn từ góc độ quản lý môi trường

Theo dõi KTMT trên

Việc giám sát thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường từ cấp xã đóng vai trò rất lớn trong việc quản lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, chính quyền UBND xã Xuân Sơn huyện Đô Lương lại thiếu quyết liệt trong việc giám sát, kiểm tra cơ sở gây ô nhiễm

Tại Khoản 3, Điều 168, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy ước về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; xây dựng và tổ chức thực hiện dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện kiểm soát nguồn ô nhiễm; tiếp nhận đăng ký môi trường; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; tổ chức quản lý các nguồn thải trên địa bàn theo phân công, phân cấp; chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn;

c) Tổ chức theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện; cải tạo, phục hồi môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

d) Truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng; vận động người dân tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường; hướng dẫn cộng đồng dân cư trên địa bàn đưa nội dung bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa;

đ) Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền hoặc chuyển người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền;

e) Huy động và sử dụng nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

g) Tổ chức thu thập thông tin về môi trường, báo cáo môi trường theo quy định của pháp luật;

h) Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.

Người dân bức xúc

Căn cứ theo điểm e, Khoản 1 Điều 160 Luật BVMT 2020 quy định về việc kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường, kiểm toán trong lĩnh vực môi trường như sau: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân và đối tượng thuộc thẩm quyền tiếp nhận đăng ký môi trường trên địa bàn; chỉ đạo việc tham gia phối hợp kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với các trường hợp quy định tại điểm đ khoản này hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Nghệ An: Vụ xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả thải - Nhìn từ góc độ quản lý môi trường - Ảnh 1
Toàn cảnh xưởng đá Chín Sơn nằm trong khu dân cư. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Quy định là như vậy, thế nhưng tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) vẫn để xảy ra tình trạng xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn   ra môi trường. Bởi tính chất vật lý của bột đá là chất thải rắn, trơ và không phân hủy. Khi bột đá theo dòng nước tràn ra ngoài sẽ bít các mạch trong đất, ảnh hưởng đến năng suất lúa, khiến người dân hết sức bức xúc.

Xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả nước thải ra ngoài đồng ruộng của người dân. Video: Tuấn Quỳnh

Theo phản ánh của người dân, vào các thời điểm tháng 4 và tháng 8/2024, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã có mặt tại cánh đồng để ghi nhận tình trạng xả nước thải của xưởng đá này. Nhiều hecta lúa của người dân xóm 1 đang phải nhận những dòng nước đục ngầu chảy thẳng vào ruộng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc về sau.

Ông Nguyễn Văn B. (xin phép được giấu tên) trú tại xóm 1 chỉ tay về phía phía ruộng lúa của mình, bức xúc: “Nếu tình trạng xả nước thải này không được xử lý dứt điểm thì không biết chúng tôi có còn trồng lúa được nữa hay không. Xưởng đá xả thải bất chấp ngày đêm, nước thải theo dòng nước của kênh thủy lợi khiến nhiều ha lúa của người dân bị ảnh hưởng. Sự việc đã kéo dài nhưng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm. Nước thải mà có cả bột đá này chảy vào ruộng lúa thì cải tạo kiểu gì khi đất đã cằn cỗi, hệ lụy chỉ có dân gánh mà thôi".

Nghệ An: Vụ xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả thải - Nhìn từ góc độ quản lý môi trường - Ảnh 2
Dòng nước thải đục ngầu theo con mương chảy đi khắp nơi (ảnh ghi nhận tháng 8). Ảnh: Tuấn Quỳnh

Khi nhận được các hình ảnh, video dẫn chứng xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả thải từ Phóng viên, ông Nguyễn Đình Thu, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn (huyện Đô Lương) cho rằng: "Vừa rồi nước sông về nên nước thải nó trôi đi hết. Cái này nó chảy về Minh Sơn, Xuân Sơn rồi rải vào trong ruộng nên giờ không thấy gì cả. Chỗ xả thải gần mương, nếu để một chỗ thì chất thải đã chất cao thành cồn rồi”.

Như vậy, chính quyền UBND xã Xuân Sơn rõ ràng biết trường hợp xưởng đá Chín Sơn xả nước thải ra đồng ruộng thời gian dài. Tuy nhiên, tại sao chính quyền không xử lý dứt điểm tình trạng trên, để người dân bức xúc kéo dài?.

Nghệ An: Vụ xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả thải - Nhìn từ góc độ quản lý môi trường - Ảnh 3
Nếu tình trạng này kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc về sau. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Mặc dù, đầu năm 2024, UBND huyện Đô Lương đã có văn bản số 05/UBND.TN về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về việc bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện gửi chủ tịch UBND 33 xã, thị trấn. Nội dung văn bản nêu rõ: Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về môi trường trên điịa bàn, UBND huyện Đô Lương yêu cầu Chủ tịch UBND 33 xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc một số nội dung như: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Xây dựng hoàn thiện Đề án bảo vệ môi trường cấp xã; Quản lý chất thải rắn; Quản lý công tác bảo vệ môi trường đối với các cá nhân, hộ gia đình chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh; Thực hiện các quy định về hồ sơ pháp lý bảo vệ môi trường; Triển khai thực hiện tiêu chí về môi trường, chất lượng môi trường sống trong bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; Giải quyết đơn thư, phản ánh, kiến nghị.

Văn bản nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để xử kịp thời xử lý theo đúng thẩm quyền quy định hoặc lập biên bản vi phạm hành chính trình các cấp có thẩm quyền xử phạt nếu vượt quá thẩm quyền của UBND xã. Theo đó, có thể thấy rằng, UBND huyện Đô Lương rất quan tâm, quyết liệt trong việc tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Thế nhưng, trường hợp ở UBND xã Xuân Sơn thì có dấu hiệu “trên nóng - dưới lạnh”, để tình trạng xả thải kéo dài, gây bức xúc cho nhân dân.

Cần xử lý nghiêm

Đặc biệt, trong văn bản số 658 của UBND huyện Đô Lương cung cấp cho Phóng viên có đề cập nội dung: Thực hiện Công văn số 8080/STNMT-TTR ngày 13/11/2023 của sở TNMT về việc chuyển đơn của công dân Trần Bá Nhật (trú tại Nam Đàn) và một số công dân có đất tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương phản ánh doanh nghiệp Chín Sơn (do ông Hoàng Văn Chín làm chủ) hoạt động xưởng cắt đá, gây ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, nước thải, tự dựng lên các mái che bằng tôn căng ngang đường dân sinh, tập kết nguyên vật liệu đá nằm lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang an toàn giao thông, làm cản trở hoạt động giao thông trên Quốc lộ 15A. Tuy nhiên, vấn đề nước thải ở xưởng đá này mà người dân phản ánh, trong phiếu kết quả phân tích ngày 07/12/2023, lại chưa được cơ quan chức năng đề cập đến?

Nghệ An: Vụ xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả thải - Nhìn từ góc độ quản lý môi trường - Ảnh 4
Theo tài liệu của UBND Đô Lương cung cấp cho PV, người dân đã phản ánh tình trạng nước thải của xưởng đá mỹ nghệ (gạch chân màu đỏ). Ảnh: Tuấn Quỳnh

Ông Trần Tuấn Trung – Chuyên viên phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đô Lương cho biết: "Xưởng đá Chín Sơn về quy mô để thực hiện giấy phép môi trường là chưa đủ mà chỉ đăng ký môi trường cấp xã thôi. Trước đây, chúng tôi chỉ nhận được phản ánh công dân qua đường dây nóng của Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng bụi. Hôm nay, chúng tôi nhận được phản ánh về tình trạng xưởng đá mỹ nghệ xả nước thải ra ngoài, phòng sẽ phối hợp với UBND xã để kiểm tra và xử lý".

Nghệ An: Vụ xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả thải - Nhìn từ góc độ quản lý môi trường - Ảnh 5
Đồng ruộng có dấu hiệu cằn cỗi, bạc màu. Ảnh: Tuấn Quỳnh

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Tình – Giám đốc Công ty CP Envico (một công ty chuyên về lĩnh vực tư vấn môi trường) cho biết: "Nước thải phát sinh trong quá trình cắt, xẻ, CNC đá nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường thì sẽ có nguy cơ vượt quy chuẩn môi trường. Đặc biệt là các chỉ tiêu như: độ đục, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), hàm lượng oxy hoà tan trong nước (DO),…. gây tác động xấu đến thuỷ vực tiếp nhận, làm bạc màu đất xung quanh vị trí xả thải".

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng - 01 tỷ đồng.

Tuấn Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Vụ xưởng đá mỹ nghệ Chín Sơn xả thải - Nhìn từ góc độ quản lý môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới