Chủ nhật, 24/11/2024 03:50 (GMT+7)
Thứ năm, 23/06/2022 15:22 (GMT+7)

Nghệ nhân Trần Thành Công – Người “nặng duyên” với dòng men Thiên Mục

Theo dõi KTMT trên

Một dòng men được xem là “huyền thoại” có tuổi đời hàng ngàn năm từ Trung Quốc đã được một người con Bát Tràng dày công nghiên cứu và thử nghiệm thành công.

Cầm sản phẩm dòng men Thiên Mục “made in Bát Tràng” trên tay, người ta nói đó là trí óc, mồ hôi, nước mắt và cả sự kiên định trong suy nghĩ của nghệ nhân trẻ. 

Cuộc chơi không dành cho những kẻ “non gan”

Tôi tình cờ gặp nghệ nhân trẻ Trần Thành Công (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) ở Hội chợ triển lãm hàng lưu niệm Thủ đô năm 2022 tại khu vực đối diện sân vận động Mỹ Đình. Sở Công Thương TP.Hà Nội  tổ chức hội chợ này để quảng bá các sản phẩm, làng nghề cổ truyền đặc sắc của Việt Nam đến với các du khách nước ngoài tới cổ vũ SEA Games 31. 

Gian hàng trưng bày các sản phẩm đến từ làng gốm Bát Tràng được đặt ngay gần cửa khu Hội chợ và luôn tấp nập người qua lại. “Trái tim” của gian hàng trưng bày chính là những sản phẩm vốm vuốt tay dòng men Thiên Mục. Chúng được sắp xếp một cách nghệ thuật trên kệ. Có lẽ đối với đa số người dân Việt Nam, dòng men này vừa có sự lạ lẫm, vừa đem lại cảm giác tò mò, thích thú.

Nghệ nhân Trần Thành Công – Người “nặng duyên” với dòng men Thiên Mục - Ảnh 1
Nghệ nhân trẻ Trần Thành Công, người “nặng duyên” với dòng men Thiên Mục.

Nghệ nhân trẻ Trần Thành Công là một người con của làng gốm Bát Tràng. Anh đứng giữa gian hàng, liên tục cầm trên tay “đứa con tinh thần” của mình vừa giải thích, vừa giới thiệu đến các du khách. Tôi có cảm giác, niềm vui của những nghệ nhân chính là khi được đem cái tâm huyết của mình chia sẻ, lan tỏa đến với người khác. Trong cái khí trời nóng bức của mùa hè Hà Nội, các du khách kéo đến gian trưng bày làng gốm Bát Tràng mỗi lúc một đông. Chính bản thân tôi cũng bị cuốn hút bởi những hột sáng như những hạt gạo lấm tấm xuất hiện trên những sản phẩm độc đáo này.

Do quá đông người, tôi chỉ kịp lấy một tấm danh thiếp trên kệ bàn trưng bày những chiếc chén Thiên Mục của nghệ nhân Trần Thành Công với suy nghĩ một ngày gần nhất sẽ đến Bát Tràng để tận mục sở thị quy trình làm những sản phẩm mang trên mình dòng men kỳ bí này. 

Một tháng sau, đầu tháng 6, tôi mới thu xếp được thời gian để đến làng gốm Bát Tràng. Đến đây, hỏi xưởng gốm của nghệ nhân trẻ Trần Thành Công hầu như ai cũng biết. Bởi anh Công được nhiều người biết đến với đam mê dòng men Thiên Mục. Trưa tháng 6, trời nóng như đổ lửa. Lúc tôi đến, nghệ nhân Trần Thành Công đang ngồi trong xưởng với nét mặt trầm ngâm. Anh vừa mới cho ra lò một mẻ gốm dòng men Thiên Mục vẫn còn nóng hổi. Từ trong ánh mắt xa xăm của anh có nét đượm buồn.

“Tôi vừa ra lò một mẻ ấm, chén, tống trà men Thiên Mục. Anh nhìn này, 150 sản phẩm vuốt nặn bằng tay mà hỏng mất 2/3”, nghệ nhân Trần Thành Công bắt đầu câu chuyện như vậy. Tôi hỏi anh bao nhiêu công sức, mồ hôi, tiền của bị “đốt cháy”, anh có buồn? “Buồn chứ. Nhưng tôi cũng quen rồi”, nghệ nhân Trần Thành Công trả lời.

Nghệ nhân Trần Thành Công – Người “nặng duyên” với dòng men Thiên Mục - Ảnh 2
Dòng men Thiên Mục luôn được giới yêu trà đánh giá cao bởi vẻ đẹp kỳ bí. Những sản phẩm do nghệ nhân trẻ Trần Thành Công vuốt bằng tay.

Trên chiếc bàn trà mộc kê đối diện với lò nung vẫn còn lấm tấm màu gốm, anh Công bày la liệt những chiếc ấm, chén men Thiên Mục với triện chữ “Kông” ở dưới đáy. Đó là những “đứa con tinh thần” mà nhiều năm qua anh dồn biết bao công sức và tâm huyết mới có được. Cầm trên tay một chiếc chén Thiên Mục tương đối hoàn chỉnh với những ánh bạc, ánh vàng lấp lánh dưới ánh mặt trời, anh Trần Thành Công nói rằng để có được nó, anh cũng không thể nhớ nổi mình đã đốt bao nhiêu lò và thất bại bao nhiều lần. 

Anh bảo, nhiều lần cho sản phẩm vào lò nung, biết tỷ lệ thất bại lên đến 70% anh vẫn chấp nhận nổi lửa. Anh đốt để có thể có thêm kinh nghiệm và thấy mình chưa chuẩn ở khâu nào, nhiệt độ thích hợp ở mỗi giai đoạn ra sao. Những kinh nghiệm đó sẽ được điều chỉnh ở các mẻ kế tiếp. Thế rồi, sau mỗi lần đốt lò, các sản phẩm của anh được dần hoàn thiện và mang màu sắc của riêng mình. 

“Tôi từng bỏ rất nhiều tiền để mua những chiếc chén, tống dòng men Thiên Mục từ Trung Quốc về chỉ để đập ra xem bên trong sản phẩm đó như thế nào. Nếu tiếc công, tiếc của, không kiên định có lẽ tôi đã từ bỏ dòng men này từ lâu rồi và không thể có các sản phẩm như bây giờ. Tôi đã thử nghiệm nhiều lần và thất bại, đến nỗi những người khác còn cảm thấy sốt ruột thay. Cũng phải cảm ơn vợ tôi, người đã luôn động viên, chia sẻ với chồng những lúc khó khăn. Là phụ nữ, tôi biết vợ cũng trăn trở, lo lắng nhưng chưa bao giờ cô ấy than trách một lời.  Có hôm trời nắng nóng đến 38 độ C, dưới mái tôn, vợ chồng tôi túc trực cả ngày lẫn đêm để chờ sản phẩm ra lò”, nghệ nhân Trần Thành Công tâm sự. 

“Nếu tiếc công, tiếc của, không kiên định có lẽ tôi đã từ bỏ dòng men này từ lâu rồi và không thể có các sản phẩm như bây giờ. Tôi đã thử nghiệm nhiều lần và thất bại, đến nỗi những người khác còn cảm thấy sốt ruột thay”, nghệ nhân trẻ Trần Thành Công chia sẻ.

Những chuyện chưa kể về dòng men kỳ bí

Đến bây giờ, nhìn những sản phẩm hoàn thiện của nghệ nhân trẻ Trần Thành Công, không ít người gọi anh với cái tên “kẻ nặng duyên” với dòng men Thiên Mục. Nói là nặng duyên cũng phải. Bởi nhiều năm theo đuổi dòng men này, anh đã tốn rất nhiều công sức, tiền của và quên mất rằng mình từng có nhiều sản phẩm được đánh giá rất cao ở những dòng men đặc sắc khác của người Bát Tràng.

Nghệ nhân Trần Thành Công – Người “nặng duyên” với dòng men Thiên Mục - Ảnh 3
Dòng men Thiên Mục luôn được giới yêu trà đánh giá cao bởi vẻ đẹp kỳ bí. Những sản phẩm do nghệ nhân trẻ Trần Thành Công vuốt bằng tay.

Khi chúng tôi thắc mắc về “cội nguồn” của dòng men Thiên Mục, anh Công kể: “Trước khi bắt tay vào làm, tôi đọc khá nhiều tài liệu về dòng men Thiên Mục. Nhiều tài liệu khẳng định, dòng men này bắt nguồn từ Trung Quốc. Họ gọi men này với cái tên Kiến Trản và rất được ưa chuộng vào thời nhà Tống (960-1272)”.

Theo đó, chất men Thiên Mục có nguồn gốc từ Kiến Châu, nay là Kiến Âu, một huyện của Phúc Kiến. Sở dĩ chất men này được gọi là Kiến Trản vì trong tiếng Hán, “Trản” là chiếc chén nhỏ, còn “Kiến” là nằm trong từ “Kiến”, tiếng đầu tiên trong địa danh. 

Giải thích về việc tại sao ở Nhật Bản cũng có dòng men tượng tự, nghệ nhân Trần Thành Công chia sẻ, anh có tiếp cận với một số tài liệu về trà đạo Nhật Bản có ghi, men Thiên Mục (tiếng Nhật là Tenmoku) được ghi nhận vào năm 1333. Giai đoạn này trùng với thời kỳ Nam Tống (1127-1279) ở Trung Quốc. Đây là khoảng thời gian mà nhiều nhà sư Nhật Bản ghé sang nhiều ngồi đền, chùa ở Trung Quốc để học hỏi thêm về Phật Pháp.

Nghệ nhân Trần Thành Công – Người “nặng duyên” với dòng men Thiên Mục - Ảnh 4
Dòng men Thiên Mục luôn được giới yêu trà đánh giá cao bởi vẻ đẹp kỳ bí. Những sản phẩm do nghệ nhân trẻ Trần Thành Công vuốt bằng tay.

Có một nhóm nhà sư người Nhật ghé chùa Thiên Mục nên họ không chỉ học về Phật Pháp mà còn học về cách thưởng trà của những nhà sư nơi đây. Khi về nước thì các nhà sư Nhật Bản mang theo những chén trà Kiến Trản – và để tri ân thì họ đặt tên những chén trà này là Thiên Mục theo tên ngôi chùa mà họ đã ở và tu hành. Có lẽ, họ cũng không ngờ rằng đồ gốm tráng men Thiên Mục mà họ mang về làm kỷ niệm lại trở thành một trào lưu mới của giới thượng lưu Nhật Bản vào giai đoạn này.

Dòng men Thiên Mục có nhiều “phiên bản” như Hỏa Biến (biến đổi bởi lửa), Thố Hào (lông thỏ), hay Du Trích (giọt dầu). Đây là những cái tên rất kiêu kì nên khi các nhà sư Nhật Bản mang những chén trà Thiên Mục về nước thì giới quan lại và thương gia Nhật Bản gần như “phát cuồng” với những chén trà này.

Nghệ nhân Trần Thành Công – Người “nặng duyên” với dòng men Thiên Mục - Ảnh 5
Để có những sản phẩm hoàn thiện như hiện nay, anh Công cũng không biết mình đã đốt bao nhiêu lò và thất bại bao nhiêu lần. 

Người đam mê gốm hoặc nghiên cứu trà đạo có lẽ sẽ ít nhiều biết về cội nguồn của dòng men Thiên Mục. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những người am hiểu tường tận về dòng men này không nhiều. Những vệt sáng kỳ bí trên bề mặt các sản phẩm men Thiên Mục khiến không ít người thích thú và mê hoặc họ từ cái nhìn đầu tiên. “Tôi muốn phổ biến dòng men này đến tất cả những người yêu gốm. Thời gian tới, tôi sẽ mở một cửa hàng trưng bày các sản phẩm về dòng men Thiên Mục. Đến Bát Tràng, ai cũng sẽ được chiêm ngưỡng, sờ tận tay và thưởng thức trà bằng những sản phẩm của dòng men vô cùng đặc sắc này”, anh Công tâm sự.

Bí ẩn về những vệt sáng trên bề mặt men Thiên Mục

Một nghiên cứu về chén Thiên Mục được công bố vào năm 2014 đã đưa ra cái nhìn rất rõ về dòng men này. Bài nghiên cứu “Learning from the past: Rare ε-Fe2O3 in the ancient black-glazed Jian (Tenmoku) wares” là thành quả của một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế với 3 người đến từ Pháp, 4 đến từ Trung Quốc và 3 đến từ Mỹ. 

Bằng các phương pháp như dùng kính hiển vi quang học và điện tử, quang phổ Raman, chụp X quang gia tốc hạt thì nhóm nghiên cứu này nhận thấy rằng các vết kim loại sáng trên bề mặt chén Thiên Mục chứa một dạng cực hiếm của Sắt(III) ôxít đó là Pha Epsilon hay ε-Fe2O3. Khi nung men có chứa Sắt(III) Ôxít hay Fe2O3 thì Fe2O3 sẽ chuyển hoá thành 4 pha (phase) khác nhau tuỳ theo nhiệt độ bao gồm: Alpha, Beta, Gamma và Epsilon. Trong 4 pha thì Epsilon được xem là cực kiếm và cực kỳ khó để làm ra. 

Đến khi thử Pha Epsilon thì họ mới ngạc nhiên là cấu trúc kết tinh của chén Thiên Mục hoàn toàn trùng khớp với Pha Epsilon này. Đặc biệt là bề mặt loại chén Du Tích có chứa một lượng tinh khiết Pha Epsilon, trong khi đó thì các loại chén như Thố Hào cũng có chứa loại Pha này nhưng ít hơn nhiều.

Văn Chương

Bạn đang đọc bài viết Nghệ nhân Trần Thành Công – Người “nặng duyên” với dòng men Thiên Mục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới