Chủ nhật, 24/11/2024 03:48 (GMT+7)
Thứ sáu, 04/10/2024 08:02 (GMT+7)

Nghỉ lễ đi du lịch “chữa lành môi trường”

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành những vấn đề cấp bách, thì xu hướng du lịch “chữa lành môi trường” đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới.

Loại hình du lịch này không chỉ giúp con người tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống hiện đại, hối hả, mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo tồn phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Tại Việt Nam, du lịch “chữa lành môi trường” đang nở rộ và trở thành xu hướng tìm kiếm tăng vọt vào mỗi kỳ nghỉ lễ.

Hành trình cùng thiên nhiên

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), du lịch bền vững được định hướng phải giao thoa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, cụ thể là tận dụng tài nguyên sao cho vừa có lợi cho cộng đồng địa phương, vừa giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên và văn hóa - xã hội.

Quan điểm phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu rõ: “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và bao trùm, lấy "tôn trọng môi trường" làm nguyên tắc, ưu tiên, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị các tài nguyên, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng an ninh".

Trong những năm qua, nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ngành du lịch nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai nhiều phương án đồng bộđể giảm thiểu tác động môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững.

Hiện nay, tại Bến Tre, các tour, tuyến du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường đang được địa phương này tổ chức rất tốt, thu hút du khách tham quan trải nghiệm. Đặc biệt du lịch gắn với hoạt động trồng rừng tạo cho du khách vừa được trải nghiệm thực tế, vừa mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ môi trường.

Theo đó, dịp 2/9 vừa qua, du khách khi đến với Bến Tre được di chuyển lên tàu ra giữa sông Ba Lai để trồng rừng. Tại đây, có cồn cát nổi lên khi nước ròng được khách trồng cây bần, dừa nước. Hầu hết khách du lịch ai cũng hào hứng và thấy ý nghĩa với lần đầu trải nghiệm trồng rừng tại đây. Đây là một trong những hoạt động du lịch góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân với môi trường sống, được du khách lựa chọn tham gia nhiều nhất khi về Bến Tre.

Ngoài hoạt động trồng rừng, ở Bến Tre còn có tour du lịch Netzero, theo đó, bất cứ hoạt động nào gây phát thải khí nhà kính như đi tàu, ăn uống đều sẽ được trung hoà bằng những việc làm có ích cho môi trường, như thả tôm nhỏ về sông, ủng hộ sản phẩm của địa phương, hay đơn giản là sở hữu 1 cây dừa của quê hương Đồng Khởi.

Nghỉ lễ đi du lịch “chữa lành môi trường” - Ảnh 1

Khách du lịch trải nghiệm trồng rừng tại sông Ba Lai (xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre).

Chia sẻ trên báo Nhân dân, ông Võ Văn Phong - Giám đốc Công ty Truyền thông và Du lịch C2T cho biết, thời gian gần đây, ngành du lịch tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Biến đổi khí hậu dẫn đến nước biển dâng cao, xói lở bờ biển, hạn hán... ảnh hưởng trực tiếp các điểm du lịch ven biển và khu du lịch sinh thái. Ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường du lịch, sức khỏe du khách và trải nghiệm du lịch. Hiện, công ty có tour Netzero sử dụng các phương tiện di chuyển thân thiện môi trường, như xe điện, xe đạp, ghe, xuồng... và chủ trương ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo tại các cơ sở lưu trú, điểm tham quan, hạn chế rác thải nhựa, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường.

Ngoài ra, khi tham gia tour du lịch này, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động trồng cây bần, cây đước, dừa nước; sử dụng các nông sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ… là những hoạt động bù đắp phát thải carbon khi tham gia du lịch. Sản phẩm này hứa hẹn không chỉ mang lại trải nghiệm du lịch độc đáo và ý nghĩa mà còn đóng góp vào bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế cộng đồng.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung, tỉnh đang phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường. Hiện sở đang có kế hoạch phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân địa phương, du khách; tổ chức các hoạt động phối hợp trong hệ thống chính trị, đoàn thể, thanh niên và du khách trồng cây gây rừng, thu gom rác thải nhằm tạo hiệu ứng, cộng hưởng trực tiếp từ các phía, hướng đến Netzero tour gắn liền với du lịch xanh...

Bà Dung cho hay, ngành du lịch tỉnh Bến Tre đang dự thảo bộ tiêu chí Du lịch xanh Bến Tre để các cá nhân, doanh nghiệp lữ hành, nhà chuyên môn góp ý, hoàn chỉnh, từđó định hướng phát triển hoạt động du lịch khai thác có trách nhiệm đối với các tài nguyên tự nhiên, văn hóa bản địa; tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đào tạo con người phục vụ phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững.

Tại Việt Nam, loại hình du lịch gắn với bảo vệ môi trường thực tế đã xuất hiện từ nhiều năm nay và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp lữ hành, người dân địa phương và cả du khách. Đơn cử, chiến dịch “Vì một môi trường du lịch sạch” đã từng được Công ty Du lịch Vietravel tổ chức trên khắp các tỉnh, thành. Saigontourist cũng đã triển khai thành công tour “Mỗi du khách một cây xanh cho Đà Lạt”. Những tour này có điểm chung là thu hút được rất nhiều bạn trẻ, cả trong và ngoài nước.

Tại đảo Phú Quốc, các bạn trẻ nhóm “Phú Quốc xanh và sạch” đã kêu gọi du khách trở thành tình nguyện viên nhặt rác vào bao, rồi tập kết lại trên bãi biển, sau đó nhờ xuồng máy và cano trở vào trung tâm ấp Rạch Vẹm xử lý. Không dừng lại ởđó, các du khách còn được khuyến khích dùng sơn để viết lên những mảnh ván các thông điệp kêu gọi bảo vệ rừng và sao biển, rồi gắn chúng lên những thân cây, trụ cầu, vừa không ảnh hưởng đến mỹ quan vừa giúp nhắc nhở mọi người.

Vườn Quốc gia Côn Đảo hiện cũng đang phát triển nhiều tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn, bao gồm 9 tuyến đi rừng và 6 tuyến lặn ngắm san hô tại các đảo nhỏ. Du khách có thể kết hợp du lịch với các hoạt động ý nghĩa như nhặt rác, trồng rừng, hoặc vừa lặn ngắm san hô vừa thu gom rác.... Du khách cũng có cơ hội tham gia các tour thả rùa con về biển, giúp họ hiểu thêm về công tác bảo tồn loài động vật quý hiếm và nguy cấp ở Côn Đảo.

Nghỉ lễ đi du lịch “chữa lành môi trường” - Ảnh 2
Du khách tham gia thu gom rác ven bờ, rùng ngập mặn tại Côn Đảo.

Trong tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể Côn Đảo đến năm 2045, với mục tiêu biến nơi đây thành điểm đến du lịch xanh bền vững. Và những hoạt động du lịch tái tạo môi trường kể trên đã đánh dấu bước đầu tiên trong hành trình của quần đảo này hướng tới sự phát triển du lịch bền vững và bảo vệ môi trường.

Phát triển các sản phẩm du lịch theo tiêu chí xanh và trách nhiệm môi trường

Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội...

Nghị quyết số 82 năm 2023 của Chính Phủ cũng định Du khách tham gia thu gom rác ven bờ, rùng ngập mặn tại Côn Đảo. hướng phát triển xuyên suốt của Du lịch Việt Nam là: “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Dựa vào đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã xây dựng những tiêu chí để các địa phương, điểm đến, doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh và trách nhiệm với xã hội, môi trường và cả cộng đồng người dân bản địa. Các sản phẩm du lịch khi đạt được các tiêu chí xanh và trách nhiệm môi trường, xã hội sẽ ngày càng được chào đón, thu hút sự quan tâm và hấp dẫn du khách đến, thậm chí là quay lại điểm đến ngày càng nhiều hơn.

Nghỉ lễ đi du lịch “chữa lành môi trường” - Ảnh 3
Du khách tham gia tour "vớt rác" tại Hội An.

Để phát triển du lịch xanh, du lịch thân thiện với môi trường, ông Nguyễn Trùng Khánh - Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Các địa phương, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, cần có chính sách hỗ trợ thích hợp cho hoạt động du lịch. Theo đó, chính sách, kế hoạch khai thác giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên phục vụ phát triển du lịch cần được các địa phương thật sự quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả trên địa bàn.

Thứ hai là, có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đến các điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa nhiều tiềm năng ở vùng biên giới, miền núi, hải đảo. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể của cả nước, các địa phương cần tiếp tục rà soát, lập quy hoạch chi tiết từng khu, điểm, cụm du lịch trọng điểm, trong đó chú trọng các yếu tố bền vững. Trong quy hoạch, phải bảo đảm nguyên tắc đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là giá trị các di sản, bản sắc văn hóa dân tộc và những sắc thái văn hóa đa dạng của cộng đồng dân cư các địa phương. Bảo vệ môi trường phải được các cơ quan quản lý các cấp coi trọng và trở thành yêu cầu bắt buộc trong quy hoạch phát triển của mỗi địa phương.

Thứ ba là, thúc đẩy sự gắn kết, phối hợp hiệu quả giữa các ngành, các doanh nghiệp, người dân, các bên liên quan trong xây dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng, sinh thái, văn hóa. Giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người lao động và doanh nghiệp để tạo niềm tin, thu hút nguồn lực xã hội vào hoàn thiện các khu, điểm, cụm du lịch, phấn đấu xây dựng những điểm đến du lịch mang tầm khu vực và quốc tế, từ đó tạo sức hấp dẫn và sự lan tỏa cho các điểm đến du lịch.

Thứ tư là, cơ cấu lại ngành du lịch, từ hoạt động xúc tiến, quảng bá, định vị thị trường mục tiêu, cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp; ưu tiên xây dựng các gói kích cầu, hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan, như hàng không, các lĩnh vực sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch... Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác sản phẩm thuộc các loại hình du lịch có thế mạnh đặc thù của từng địa phương; tập trung phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch hội nghị - hội thảo (MICE), du lịch y tế... Tiếp tục nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đối với đội ngũ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực trực tiếp phục vụ khách du lịch, bảo đảm chất lượng đào tạo nghề du lịch theo tiêu chuẩn nghề ASEAN.

Thứ năm là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của khách du lịch và người dân về “lối sống xanh”, bảo vệ môi trường sống, ý thức du lịch có trách nhiệm, ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong hoạt động du lịch. Bảo đảm các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững, bao gồm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, hiệu quả kinh tế, sự phát triển cho địa phương, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm an sinh xã hội và công bằng xã hội, hướng tới xây dựng ngành du lịch chuyên nghiệp, bền vững hơn, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Nghỉ lễ đi du lịch “chữa lành môi trường”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới