Thứ sáu, 21/02/2025 21:09 (GMT+7)
Thứ năm, 20/02/2025 04:26 (GMT+7)

Nhận định xu hướng thị trường khoáng sản: Các kịch bản đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn

Theo dõi KTMT trên

Khoáng sản là nhóm ngành tác động mạnh đối với các vấn đề thuộc kinh tế môi trường. Trên thị trường khoáng sản, đằng sau mỗi mã cổ phiếu là câu chuyện về các doanh nghiệp khoáng sản, và giá trị của doanh nghiệp đó.

Là một nhà đầu tư thông thái cần nhận định được giá trị thực của từng doanh nghiệp, để quyết định “mua” tiềm năng tăng trưởng của mỗi doanh nghiệp này trong các phân khúc ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn.

Sau một tuần dậy sóng, nhóm thị trường khoáng sản với những cái tên Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (mã HGM), Công ty CP Khoáng sản Bắc Kạn (mã BKC), Công ty CP Masan High-Tech Materials (mã MSR), Tổng Công ty Khoáng sản TKV (mã KSV), Công ty CP Khoáng sản Bình Định (mã BMC), Công ty Cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên (mã TMG)… đã tăng hàng chục % từ đầu năm, có những doanh nghiệp tăng vốn hóa lên gần 1 tỷ USD và 2 tỷ USD. Nhưng, liệu sự “tăng nóng” lịch sử này có bền vững, khi 2 ngày đầu của tuần mới, thị trường khoáng sản đã nhuộm kín sắc đỏ, có những doanh nghiệp cổ phiếu giảm sàn. Toàn cảnh thị trường khoáng sản hầu hết ảm đạm, liệu có xảy ra nguy cơ bán tháo và lao dốc. Nguyên nhân vì đâu? Và các kịch bản nào sẽ đặt ra cho nhà đầu tư? 

Nguyên nhân “cơn sóng thần”

Thị trường khoáng sản Việt Nam dậy sóng sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản phục vụ chất bán dẫn sang Mỹ, động thái xem như sự “trả đũa” của Trung Quốc đối với các chính sách thuế quan của Mỹ.

Khi thị trường cho ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ có đầy đủ công nghệ chế tạo nhưng lại thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất từ các mỏ khoáng sản quý hiếm, mà lâu nay vẫn chủ yếu phụ thuộc Trung Quốc - thị khoáng sản quý hiếm lớn nhất thế giới, và điều tất yếu là Mỹ sẽ phải dịch chuyển thị trường cung cấp sang các quốc gia khác.

Việt Nam hưởng lợi, bởi chúng ta đang sở hữu những mỏ tài nguyên quý giá như Antimon ở Hà Giang, Vonfram (lớn thứ hai thế giới) và các kim loại màu ở Thái Nguyên, các mỏ khai khoáng trữ lượng lớn ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Lào Cai, Quảng Nam, Binh Định… Và khi Mỹ chưa có động thái gì thì thị trường khoáng sản Việt Nam đã bốc đầu phi mã.  

Chỉ từ ngày 12/2 đến 17/2 vừa qua, giá cổ phiếu của Công ty Masan High-Tech Materials đã tăng từ 15.700 đồng lên 22.600 đồng. Với khối lượng giao dịch tăng đột biến trên 100 tỷ đồng mỗi ngày, Masan High-Tech Materials đã đạt đà tăng trưởng ấn tượng, vốn hóa vượt 24,6 nghìn tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).

Đặc biệt, bộ 3 “tam mã”, Tổng Công ty Khoáng sản TKV (mã KSV), Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (mã HGM) và Khoáng sản Bắc Kạn (mã BKC) đều ở đỉnh lịch sử, cùng giá trị vốn hóa cao kỷ lục. Trong đó, riêng tuần qua KSV là cái tên đáng chú ý nhất khi giá trị vốn hóa công ty này đã lên đến hơn 51.000 tỷ đồng (2 tỷ USD).

Sự “cộng sinh” lan tỏa sang các công ty khoáng sản trong ngành, như Khoáng sản FECON (mã FCM) cũng gây bất ngờ khi tăng từ 3.800 đồng lên 5.900 đồng (ngày 14/2 đến 19/2). Cổ phiếu của Khoáng sản Bình Định (mã BMC) tăng từ 25.500 đồng lên 33.000 đồng (ngày 12/2 đến 17/2)…

Điều chỉnh, tích lũy để bứt phá hay tuột dốc?

Bước vào tuần mới (kết phiên ngày 18 và 19/2), nhóm thị trường khoáng sản đã chững lại, (ngoại trừ Khoáng sản Bắc Kạn (mã BKC) và Yên Bái (mã YBM), còn lại hầu hết giảm hoặc lác đác vài doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ. Masan High-Tech Materials (mã MSR) giảm từ mức 22.600 đồng xuống 19.900 đồng chỉ trong hai ngày 18/2 và 19/2. Cổ phiếu của Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên (mã TMG) giảm nhanh từ giá 94.600 đồng xuống 83.000 đồng; cổ phiếu của Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng (mã KCB) giảm từ 32.000 đồng xuống 25.900 đồng. Thậm chí, 2 trong số bộ 3 “tam mã” là Tổng Công ty Khoáng sản TKV (mã KSV) đã rơi kịch sàn từ 319.000 đồng xuống 242.700 đồng/cổ phiếu, Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (mã HGM) cũng giảm sàn từ 396.400 đồng xuống 298.700 đồng/cổ phiếu…

Nhận định xu hướng thị trường khoáng sản: Các kịch bản đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn - Ảnh 1
Nhà máy Antimon Mậu Duệ của Công ty CP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang.

Vậy, việc thị trường khoáng sản nhanh chống bùng nổ rồi chững lại, thậm chí có dấu hiệu ảm đạm khi xuất hiện nhóm doanh nghiệp tuột dốc không phanh, là nguyên nhân do đâu, liệu có phải thị trường đang điều chỉnh, và điều chỉnh như thế nào? Đây là câu hỏi mà các nhà đầu tư cần, đặc biệt đối với nhà đầu tư phân khúc trung và dài hạn đang sở hữu các cổ phiếu ngành khoáng sản. Đồng thời, kể cả chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần phân tích để có chiến lược hoạt động kinh doanh của mình trước tình hình mới trong giai đoạn tiếp theo.

Trước hết, về mặt kỹ thuật, việc thị trương tăng phi mã qua nhiều phiên, thì đến giai đoạn điều chỉnh, lấp lại các GAP là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu tăng quá nhanh và khi lao dốc nhanh hơn đà tăng, thậm chí giảm sâu trong 1 phiên, thì đối với nhà đầu tư ngắn hạn sẽ là đòn tâm lý và dẫn đến thị trường có dấu hiệu bán tháo. Như vậy, đối với thị trường khoáng sản trong giai đoạn này, cần kết hợp cả phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản để nhận định được xu hướng, bởi rất hiếm khi thị trường lên đỉnh rồi rơi nhanh xuống đáy, mà cần qua các nhịp điều chỉnh. Và việc các doanh nghiệp khoáng sản nào có thể đang về giai đoạn tích lũy, rồi chờ cơ hội biến “đáy” mới để trở thành vùng hỗ trợ, thay vì lao dốc sẽ bứt phá vượt vùng kháng cự, tạo ra đỉnh lịch sử mới so với tuần qua. Điều này hoàn toàn có thể, nếu đạt đủ các yếu tố khách quan (bối cảnh trong nước và thế giới) và chủ quan (từ chính chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp).

Để nhận định, thị trường khoáng sản có diễn ra xu hướng tích lũy và tăng tốc trở lại hay không, chúng ta cùng phân tích cơ bản đối với các kịch bản thực tế.

Xu hướng từ các kịch bản của thị trường khoáng sản

Nhận định xu hướng thị trường khoáng sản: Các kịch bản đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn - Ảnh 2

Thị trường khoáng sản dậy sóng tuần qua, chính xác chỉ là do “diễn biến tâm lý” từ nhà đầu tư, bởi việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nguồn nguyên liệu khoáng sản đối với các chất bán dẫn sang Mỹ, và nghĩ rằng chúng ta có các tài nguyên đó thì đương nhiên Mỹ phải cần. Nhưng đó là chúng ta nghĩ vậy, còn Tổng thống Donald Trump thì chưa có một động thái nào cho thấy cơ hội khoáng sản Việt Nam sẽ mỏ rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Có chăng, chất xúc tác mang tính thực tế duy nhất cho bức tranh thị trường khoáng sản Việt Nam khởi sắc hiện nay, đó là từ chính các nền tảng pháp lý và quyết sách trong nước. Đó là, Luật Địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 với nhiều điểm mới, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản. Đồng thời, tháng 1 vừa qua, Chính phủ Việt Nam và Pháp có chủ trương hợp tác, kết nối, chỉ đạo triển khai thí điểm 1 dự án giữa doanh nghiệp Pháp và doanh nghiệp Việt Nam để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ của chuỗi giá trị khai thác, chế biến sâu, cung ứng các sản phẩm khoáng sản và kim loại chiến lược. Và việc hợp tác này nếu diễn ra thì mới chỉ ở giai đoạn thí điểm, thực hiện cho thị trường Việt Nam và Pháp. Còn từ trước đến nay, các thị trường xuất khẩu khoáng sản chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc.

Như vậy, trong 2 ngày vừa qua (18 và 19/2), việc phần lớn cổ phiếu của các công ty khoáng sản Việt Nam có biến động quay đầu hoặc tụt sâu là chuyện bình thường. Và việc thị trường sẽ tích lũy để phục hội, thậm chí vượt đỉnh mới hay lao dốc, sẽ phụ thuộc rất lớn vào bối cảnh thế giới.

Mới đây, những diễn biến từ đàm phán Nga - Mỹ và việc Tổng thống Trump phát đi thông báo đòi Ukraina 500 tỷ USD đã tác động mạnh đến thị trường khoáng sản toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo người đướng đầu Nhà Trắng, Mỹ đã chi cho Ukraina là hơn 300 - 350 tỷ USD trong cuộc chiến tranh với Nga từ năm 2022. Và Tổng thống Trump đã đưa ra đề xuất đổi lấy các mỏ tài nguyên ở Ukraine tương đương 500 tỷ USD để bù đắp cho số tiền viện trợ mà Mỹ đã chi. Ukraina là một quốc gia có trữ lượng các mỏ kim loại màu, than chì, titan, mangan, berili, urani, lithium… dồi dào đều phục vụ cho luyện kim, sản xuất pin, thiết bị điện tử và quân sự quốc phòng.

Về phía Ukraina, trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Much ngày 15/2 vừa qua, Tổng thống Zelensky cho biết vẫn chưa sẵn sàng với thỏa thuận đất hiếm mà Mỹ đưa ra. Và hôm qua (ngày 19/2), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phát đi tín hiệu, nêu quan điểm, rằng đề xuất của Mỹ về thỏa thuận khoáng sản là không công bằng và ông không muốn Ukraine trở thành một trung tâm nguyên liệu thô.

Tuy nhiên,  sáng cùng ngày (19/2), ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đến Kiev để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky. Và chưa biết kết quả cuộc gặp này sẽ mở ra sự rung lắc gì cho thị trường khoáng sản toàn cầu. Nhưng dẫu sao, điều này đã thể hiện động thái “quyết tâm đặc biệt” của Tổng thống Donald Trump đối với các vùng mỏ của Ukraine.

Chúng ta đặt ra kịch bản giả thiết, nếu Mỹ đạt được các điều kiện về tài nguyên khoáng sản ở Ukraine, sẽ bớt phụ thuộc vào thị trường khoáng sản Trung Quốc, thì khi đó các thị trường khoáng sản khác như Việt Nam sẽ trở thành “thứ cấp”,  Điều đó cũng có nghĩa, các công ty khoáng sản Việt Nam sẽ ít có cơ hội phát triển hơn tại thị trường Mỹ. Và khi đó, có thể sẽ xảy đến xu hướng downtrend, thậm chí thị trường tuột dốc và chỉ dừng lại ở nhịp điều chỉnh với giá trị của từng doanh nghiệp.

Trong một kịch bản khác, nếu Washington không đạt được thỏa thuận với Kiev, thì sẽ có sự dịch chuyển thị trường khoáng sản, và Việt Nam có thể coi là thị trường tiềm năng hơn so với các thị trường khoáng sản toàn cầu khác, bởi chúng ta đang sở hữu những trữ lượng quặng gần như lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc) mà Mỹ đang cần, cộng với đường lối “ngoại giao cây tre” của Nhà nước Việt Nam đang mở rộng các cánh cửa hợp tác cho doanh nghiệp Việt với Mỹ. Trong xu hướng này, chắc chắn thị trường khoáng sản Việt Nam sẽ uptrend, thậm chí nếu hội tự các điều kiện “cần và đủ” ở cả dòng vốn ngoại, thị trường hoàn toàn phá vỡ vùng kháng cự của tuần vừa qua.

Đồng thời, một kịch bản nữa có thể xảy ra, nếu Mỹ và Ukraine cần một lộ trình đàm phán dài hơi, bởi các bên như Nga và EU thường xuyên có động thái, và các thỏa thuận về tài nguyên sẽ rơi vào bối cảnh chưa biết đạt được hay không, thì thị trường khoáng sản Việt Nam vẫn có cơ hội uptrend, bởi các ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ vẫn cần nguồn cung. Nhưng ở xu hướng này sẽ phù hợp với những nhà đầu tư trung hạn. Và đặc biệt, với xu hướng này, yếu tố nội tại của mỗi doanh nghiệp khoáng sản đóng vai trò quan trọng, bởi sau khi đã phân tích cơ bản, thì uy tín, chất lượng thật sự của doanh nghiệp đó sẽ là đòn bẩy để nhà đầu tư quyết định.

Để nhận định rõ xu hướng của thị trường khoáng sản giai đoạn này, các nhà đầu tư cần đặc biệt theo dõi biến động của các chỉ số P/E, EPS, BV, ROA, ROE… và thông tin doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chứ không chỉ đánh giá tình hình kinh doanh qua từng năm, bởi đây là nhóm ngành thường xuyên có tác động mạnh đối với vấn đề kinh tế môi trường, nhất là trong bối cảnh quốc gia đang đặt lên hàng đầu mục tiêu phát triển bền vững. Nếu một doanh nghiệp đạt chất lượng thật sự thì thị trường có biến động vẫn sẽ đứng vững, có nhịp điều chỉnh phù hợp và sẽ phục hồi, tăng trưởng.

Câu chuyện thị trường khoáng sản chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích với góc nhìn đa chiều trong các diễn biến tiếp theo, cũng như sẽ cập nhật những thông tin thị trường mà nhà đầu tư quan tâm trong các nhóm ngành có ảnh hưởng về kinh tế môi trường, như: công nghiệp, nông nghiệp, dầu khí, hóa chất, năng lượng, tài chính xanh, bất động sản sinh thái…  

    

Nhóm PV Chuyên đề Thị trường

Bạn đang đọc bài viết Nhận định xu hướng thị trường khoáng sản: Các kịch bản đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Mặt trời kia! Cờ Đảng giương cao!
Dưới ánh mặt trời, cờ Đảng giương cao, chúng ta tin, đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ đến được chân trời hạnh phúc tươi sáng.
Đất nước mùa Xuân
Ngọn gió chuyển mình, thì thầm điệu Xuân. Cờ đỏ sao vàng tung bay, bao ước mơ dâng tràn, mừng Đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngàn dặm quê hương nguyệt dãi lòng
Xã hội đương thì gọi anh “đầy đủ” - Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Hoài Bắc. Cuốn tiểu thuyết đời anh còn dang dở, bởi tôi đồ chắc rằng, tự thân một kiếp người như anh sẽ còn bao sứ mệnh thiêng liêng nữa đang chờ đón.
Vượt đường xuân rừng Đông Bắc
Những bước đi trong mây/Dõi theo tìm điểm quặng/Những con đường thầm lặng/Suốt đời tìm tài nguyên. Xuyên qua bao vực sâu đèo cao hun hút gió, thơ vẫn miên man, thơ của người địa chất vùng Đông Bắc.

Tin mới

Lãng đãng mùa Thu Nam Cầu Kiền
Lời thơ Phạm Hồng Điệp đã được phổ nhạc, tạo nên khúc tình ca lãng đãng Thu, thấm đãm tâm, tình của người doanh nhân trước những rung động nguyên sơ.