Chủ nhật, 24/11/2024 11:58 (GMT+7)
Chủ nhật, 07/06/2020 07:25 (GMT+7)

Nhiệt độ Trái đất liên tục tăng báo hiệu ‘quả bom khí hậu’ đang ở ngưỡng nguy hiểm

Theo dõi KTMT trên

Các nhà khoa học cảnh báo, sức nóng của “quả bom” biến đổi khí hậu đã lan tới mọi ngóc ngách, gây hậu quả tàn khốc đối với nhiều lĩnh vực.

Nhiệt độ Trái đất liên tục tăng báo hiệu ‘quả bom khí hậu’ đang ở ngưỡng nguy hiểm - Ảnh 1
Bản đồ cho thấy sự biến đổi nhiệt trên thế giới trong tháng 5 vừa qua, dễ dàng thấy được Siberia đã trải qua một tháng nóng đột biến. (Ảnh: CCCS)

Cơ quan khí tượng Châu Âu cho biết, tháng 5/2020 là tháng 5 nóng nhất trong lịch sử trên toàn cầu, nhiệt độ tăng hơn 0,63 độ C so với nhiệt độ trung bình thời kỳ 1981 - 2010.

"Chúng ta vừa trải qua tháng 5 nóng kinh khủng trên toàn cầu. Và không nghi ngờ gì nữa, đây là một hồi chuông báo động" - theo nhà khoa học Freja Vamborg từ Dịch vụ theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (tổ chức phi chính phủ được Liên minh châu Âu hỗ trợ) cho biết.

Mặt khác, theo dự báo độc lập của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, 2020 gần như chắc chắn có tên trong Top 10 năm nóng nhất lịch sử, thậm chí xác suất lọt vào Top 5 lên đến 98%.

Những nơi hứng chịu nhiệt độ tăng mạnh nhất là Siberia, Alaska và Nam Cực - đều nóng hơn đến 10 độ C so với mức bình quân hàng năm.

Và khi so sánh với các số liệu trước thời điểm Cách mạng công nghiệp, ghi nhận từ CCCS cho thấy thế giới đang có nguy cơ tiến gần đến ngưỡng nhiệt độ mà các tổ chức quốc tế cảnh báo sẽ tàn phá Trái Đất nếu vượt quá nó.

Tại Siberia, hệ quả của việc tăng nhiệt độ là băng vĩnh cửu tan chảy sớm đã gây ra sự sụp đổ của một hồ chứa vào cuối tuần trước, khiến 21.000 tấn nhiên liệu diesel tràn vào các con sông ở thành phố Norilsk của Nga nằm phía trên Vòng Bắc Cực.

Ngay sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này đã ban bố lệnh khẩn cấp tại thành phố Norilsk. Một nhóm môi trường đã mô tả thiệt hại này là "thảm khốc". Theo cơ quan môi trường Nga Rosprirodnadzor, nồng độ chất gây ô nhiễm ở vùng biển gần đó đã vượt quá mức cho phép hàng chục nghìn lần.

Nhiệt độ Trái đất liên tục tăng báo hiệu ‘quả bom khí hậu’ đang ở ngưỡng nguy hiểm - Ảnh 2
Sự cố tràn nhiên liệu ra sông ở Siberia được xác định là do nhiệt độ tăng cao khiến băng tan nhanh chóng. (Ảnh: AFP)

Trong Hiệp định Paris 2015, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cam kết hạn chế sự tăng nhiệt độ bề mặt của Trái Đất ở mức dưới 2°C và lý tưởng nhất là 1,5°C vào cuối thế kỷ 21. Tuy nhiên, mục tiêu đầy tham vọng này khó có thể đạt được khi nhiệt độ trung bình toàn cầu - tính trong 12 tháng gần nhất - đã cao hơn 1,3°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Hội đồng khoa học khí hậu của Liên Hợp Quốc cảnh báo sự tan chảy của tầng đất đóng băng vĩnh cửu - trải dài trên khắp Siberia, Alaska và miền bắc Canada - có thể làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu bởi chúng lưu trữ hàng nghìn tấn khí CO2, gấp khoảng 40 lần khí thải hàng năm hiện nay.

Các nhà khoa học cảnh báo, sức nóng của “quả bom” biến đổi khí hậu đã lan tới mọi ngóc ngách, gây hậu quả tàn khốc đối với nhiều lĩnh vực kinh tế cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân thế giới.

Các chuyên gia cho biết nếu muốn giữ mức tăng nhiệt không vượt quá 1,5°C, thế giới phải giảm ít nhất 7,6% lượng khí thải nhân tạo hàng năm.

Nhiệt độ Trái đất liên tục tăng báo hiệu ‘quả bom khí hậu’ đang ở ngưỡng nguy hiểm - Ảnh 3
Siberia là nơi gia tăng nhiệt đột biến nhất. Khu vực đóng băng trải dài trên khắp nước Nga này có nhiệt độ tăng tới 10 độ C so với mức trung bình.

Đáng chú ý, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PNAS, được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học quốc tế cho biết trong 6.000 năm qua, phần lớn người dân đã sống ở những khu vực có nhiệt độ trung bình hàng năm luôn nằm trong khoảng 11 độ C (gần tương đương với khí hậu London) và 15 độ C (Rome hoặc Melbourne).

Tuy nhiên, thay đổi khí hậu trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ trung bình này, và ở mức cực đoan nhất có nghĩa là 3,5 tỉ người trên Trái đất phải chịu cảnh sống trong khí hậu nóng bức như sa mạc Sahara.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Nhiệt độ Trái đất liên tục tăng báo hiệu ‘quả bom khí hậu’ đang ở ngưỡng nguy hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới