Chủ nhật, 24/11/2024 07:46 (GMT+7)
Thứ hai, 16/11/2020 15:50 (GMT+7)

Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ

Theo dõi KTMT trên

Trước Nghị trường Quốc hội, nhiều ĐBQH đã bày tỏ ý kiến không đồng tình việc tách Luật Giao thông đường bộ làm 2 luật cũng như việc chuyển giao thẩm quyền quản lý, sát hạch, cấp GPLX.

Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Nội dung được đại biểu quan tâm góp ý, tranh luận nhiều nhất vẫn là việc có nên tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) hiện hành thành 2 luật gồm Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, cũng như việc chuyển giao thẩm quyền cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Tách thành hai luật sẽ tạo tiền lệ xấu 

Theo Giao Thông, phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) không đồng tình tách Luật GTĐB và chuyển quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Đại biểu Thắng cho rằng, giao thông đường bộ là thể thống nhất được liên kết chặt chẽ từ 4 thành tố là kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông và quy tắc tham gia giao thông.
Cả 4 thành tố này đã được điều chỉnh trong Luật GTĐB hiện nay và hơn 10 năm qua, lĩnh vực GTĐB do Bộ GTVT quản lý tổng thể vẫn xuyên suốt, ổn định cả về lĩnh vực đầu tư giao thông đường bộ và công tác đảm bảo ATGT.

Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ - Ảnh 1
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu nhiều lý do cho việc không ủng hộ phương án tách luật. Ảnh: Quốc hội.

Đảm bảo ATGT là mục tiêu quan trọng của hạ tầng giao thông đường bộ, mức độ ATGT phụ thuộc vào 4 thành tố nêu trên chứ không riêng gì thành tố nào. Nếu trong trường hợp cả hai Bộ tham gia cả 4 thành tố trên sẽ không có ai chịu trách nhiệm chính”, đại biểu Thắng nói.

Theo đại biểu Thắng, Luật Đường thủy, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không cũng quy định các thành tố tương tự như Luật GTĐB. Nếu tách Luật GTĐB thành hai luật sẽ phá vỡ quy luật, tạo tiền lệ nguy hiểm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Cơ sở xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ tách ra từ Luật GTĐB rất khiên cưỡng, không hợp lý. Vì vậy, đề nghị Quốc hội không tách Luật GTĐB thành hai luật và không chuyển thẩm quyền quản lý GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Những vấn đề còn bất cập chỉ được sửa đổi trong một dự thảo Luật GTĐB”, đại biểu Thắng nói.

Cùng quan điểm, ĐB Cao Văn Trọng (đoàn Bến Tre), việc tách 2 luật giao thông là chưa phù hợp. “Tách ra 2 luật lại có nội dung trùng nhau, nhiều điều lặp đi lặp lại. Nếu tách thế này, nảy sinh trong kết cấu hạ tầng đường bộ thì phần quy định về an toàn tai kiểm soát?” - ĐB Cao Văn Trọng đặt câu hỏi.

Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ - Ảnh 2
Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, phát biểu tại phiên thảo luận.

ĐB Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, việc tách thành 2 luật là chưa thực sự hợp lý. “Luật Giao thông đường bộ có phạm vi điều chỉnh kết cấu hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Bốn thành tố gắn kết chặt chẽ và hướng đến mục đích đảm bảo an ninh trật tự. Tách luật thì thành tố trên khô cứng và vô nghĩa” - ĐB Bùi Văn Xuyền nêu ý kiến và khẳng định không nên tách luật.

Đề nghị trình luật sang Quốc hội khoá 15

Theo Vietnamnet, cũng nêu ý kiến về vấn đề này, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa tuân thủ đầy đủ các trình tự thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bà dẫn chứng, việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra bất cập, nhất là báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ cũng không chỉ ra những bất cập mà cần có sửa đổi bổ sung.

Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ - Ảnh 3
ĐB Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Hay chuyển cơ quan khác cấp phép đào tạo sát hạch liên quan rất lớn đến hơn 2.000 công chức viên chức đang thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này.

Lực lượng thanh tra giao thông hiện đang gắn liền với giao thông đường bộ, như vậy lực lượng này có tiếp tục tồn tại hoạt động và thực hiện chức năng của mình nữa hay không, nếu không thì trong báo cáo đánh giá tác động cũng không thể hiện rằng lực lượng này làm gì”, ĐB Dung nói.

Theo ĐBQH, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được Quốc hội thông qua, tên của luật là dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nay tách thành 2 dự án luật, việc này chưa có báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ. Như vậy liệu tên Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có còn nguyên nghĩa?

ĐB Dung cũng rằng, từ nay đến kỳ họp thứ 11 thời gian không nhiều, sẽ không đủ thời gian để làm rõ tất cả vấn đề này, đặc biệt với cơ quan chủ trì thẩm tra. Bà cho rằng cần phải có thời gian nhiều hơn nữa để xem xét đánh giá.

“Cá nhân tôi cho rằng để đảm bảo một cách chắc chắn thì nên để dự án luật này trình Quốc hội khoá 15”, ĐB Dung nêu ý kiến.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới