Chủ nhật, 24/11/2024 06:06 (GMT+7)
Thứ năm, 08/07/2021 14:26 (GMT+7)

Nhiều địa phương mất rừng vì những dự án điện gió

Theo dõi KTMT trên

Những năm gần đây, làn sóng đầu tư điện gió đang nở rộ tại nhiều địa phương. Điều đáng nói là nhiều dự án điện gió lại được xây dựng ngay trên đất có rừng tự nhiên.

Rừng bị cạo trọc ngày một nhiều…

Trong những năm gần đây, người ta phát hiện ra rằng sức mạnh của gió có thể được thu thập và lưu trữ, được sử dụng trên quy mô toàn cầu với mục đích cuối cùng là thay thế các nguồn năng lượng thông thường. Tại Việt Nam năng lượng mặt trời và năng lượng gió cũng đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư khi chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây đã có hơn 100 dự án lớn nhỏ được cấp phép, tạo ra một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.

Năng lượng tái tạo được kỳ vọng là nguồn năng lượng sạch, dần thay thế các nguồn điện than và thuỷ điện trong tương lai. Một trong những thông tin đáng chú ý được ông Đỗ Đức Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nêu ra tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tháng 9/2020 là: "Từ năm 2016 đến nay, tất cả những dự án thuỷ điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên không có dự án nào được bổ sung vào quy hoạch và đã được bổ sung thì bị kiểm soát rất chặt chẽ" trước thực trạng lũ lụt đang hoành hành ở miền Trung và một phần nguyên nhân được cho là do các thuỷ điện nhỏ xả lũ không theo kế hoạch.

Nhiều địa phương mất rừng vì những dự án điện gió - Ảnh 1
Hàng loạt dự án điện gió được xây dựng ngay trên đất có rừng tự nhiên. (Nguồn ảnh minh họa: ceid.gov.vn)

Vì thế việc thay thế năng lượng truyền thống bằng việc sử dụng năng lượng sạch hay năng lượng tái tạo, hạn chế tối đa sử dụng đất rừng là phù hợp với xu hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan ngại là trong các dự án điện gió được cấp phép gần đây, xuất hiện xu hướng sử dụng nhiều diện tích đất rừng.

Điển hình như tại tỉnh Quảng Trị đã có hàng loạt dự án được phê duyệt là Nhà máy điện gió Phong Nguyên và Phong Huy sử dụng hơn 20 ha đất rừng; Nhà máy điện gió Phong Liệu sử dụng 3,56 ha rừng, trong đó 2,44 ha là rừng phòng hộ; Nhà máy điện gió Hướng Tân sử dụng quy mô rừng là 3,74 ha;
Nhà máy điện gió Tân Linh với quy mô rừng là 3,31 ha, trong đó rừng phòng hộ là 2,54 ha.

Không chỉ riêng tỉnh Quảng Trị, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cũng đã quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án nhà máy điện gió xanh Sông Cầu - giai đoạn 1. Theo quyết định này, phần diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng của dự án là 11,55 ha thuộc các xã Xuân Cảnh, Xuân Hải và Xuân Bình, TX. Sông Cầu. Loại rừng chuyển mục đích là rừng trồng.

Tỉnh Cà Mau cũng đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác năm 2021 với tổng diện tích 17,496 ha. Trong đó rừng phòng hộ là 13,85 ha và rừng sản xuất 3,646 ha. Hầu hết diện tích đất rừng xin chủ trương chuyển mục đích khác là nhằm thực hiện xây dựng các công trình điện gió với diện tích 16,498 ha, gồm: Giai đoạn 1 của Nhà máy điện gió Tân Ân, Nhà máy điện gió Cà Mau 1A, Nhà máy điện gió Cà Mau 1C, Nhà máy điện gió Cà Mau 1D. Trong đó, Nhà máy điện gió Viên An có diện tích chuyển mục đích sử dụng đất rừng lớn nhất, với 10,37 ha.

Thay vì không cấp phép cho các dự án thuỷ điện có sử dụng đất rừng thì các địa phương lại liên tục chấp thuận các dự án năng lượng tái tạo có sử dụng nhiều đất rừng. Điều này mang tới những băn khoăn không nhỏ, đặc biệt khi mà việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng được quy định khá chặt chẽ.

Không đánh đổi rừng làm dự án điện gió

Liên quan đến vấn đề hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời đang lấy đi một phần lớn diện tích đất rừng ở Việt Nam hiện nay, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng cần hết sức thận trọng vì không phù hợp với quan điểm phát triển bền vững.

Dẫn Bộ Tiêu chuẩn của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) về đánh giá hiệu quả dự án theo tiêu chí bền vững về môi trường và xã hội, ông Sơn nêu rõ đối với các vấn đề chuyển đổi sử dụng đất và tái định cư không tự nguyện, nhà đầu tư cần tránh hoặc hạn chế tối đa việc xây dựng dự án trên cơ sở phải chuyển đổi sử dụng đất sinh hoạt, đất sinh kế, cũng như các loại đất bảo tồn (đất rừng, đất của các khu bảo tồn đa dạng sinh học...).

"Với các dự án điện gió, mặt trời, việc lựa chọn địa điểm thường linh hoạt hơn so với các nguồn tập trung truyền thống, nên việc xem xét các yếu tố về bền vững môi trường và xã hội lại càng cần phải quan tâm trong quá trình nghiên cứu lựa chọn địa điểm, phê duyệt. Theo tôi, chỉ nên ưu tiên tận dụng các nguồn đất cằn, đồi trọc không có hiệu quả cho hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp hoặc sinh kế" - ông Sơn kiến nghị.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, những rừng tự nhiên nghèo kiệt, không khôi phục được hệ sinh thái rừng thì nên dùng chuyển sang trồng cây lâu năm vì có giá trị xuất khẩu và gắn liền với cuộc sống của người dân chứ không nên dùng làm nơi sản xuất điện mặt trời, điện gió. Vì như vậy sẽ làm chết luôn cánh rừng đó.

"Quan điểm của tôi là không dùng rừng để làm điện tái tạo, chỉ trừ trường hợp dự án thực sự cấp thiết, mang tầm quốc gia. Còn cụ thể thế nào là cấp thiết, dự án tầm quốc gia thì phải mang ra Quốc hội, Chính phủ để bàn, không thể để UBND các tỉnh tự quyết.

Ngay cả với rừng nghèo kiệt không khôi phục hệ sinh thái rừng thì cũng nên trồng cây lâu năm không nên vì rừng nghèo kiệt mà chuyển sang làm phi nông nghiệp", ông Võ khẳng định.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có tổng công suất gió ước tính khoảng 513.360 MW, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020 và lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Campuchia (26.000 MW).

Nhiều chuyên gia năng lượng tái tạo cùng chung ý kiến, Nhà nước cần phải có các chính sách quốc gia về điện gió ngoài khơi; sớm xây dựng chiến lược quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi; có quy hoạch không gian biển cho phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam đi kèm với Chiến lược quốc gia về Phát triển năng lượng gió biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các năng lượng biển khác..

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nhiều địa phương mất rừng vì những dự án điện gió. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới