Chủ nhật, 24/11/2024 09:04 (GMT+7)
Thứ ba, 27/12/2022 11:01 (GMT+7)

Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất giao dịch giá trị 300 triệu đồng phải báo cáo NHNN

Theo dõi KTMT trên

Liên quan đến đề xuất quy định, giao dịch có giá trị lớn hơn 300 triệu đồng phải báo cáo NHNN, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo đặt ra mức giá trị này là chưa phù hợp với thực tế phát triển và hoạt động giao dịch thanh toán hiện nay.

Cơ quan soạn thảo - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022. Khoản 2 Điều 25 của Luật này quy định: "Thủ tướng Chính phủ quyết định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ".

Ngân hàng Nhà nước đề xuất quy định, mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng. Đối tượng áp dụng gồm tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại Điều 4 Luật Phòng chống rửa tiền.

Đề nghị nâng mức giá trị giao dịch

Góp ý với đề xuất trên, Bộ Quốc phòng đề nghị, nâng định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo vì định mức 300 triệu đã được áp dụng từ năm 2013, đến nay giá trị tiền Việt Nam cũng như giá cả thị trường, số lượng giao dịch đã tăng rất nhiều lần.

Chung quan điểm, Bộ Công an cho rằng 10 năm qua đã có sự phát triển kinh tế, xã hội rất lớn nên cần điều chỉnh mức cao hơn 300 triệu đồng.

Còn Bộ Tư pháp thì phân tích: Quyết định số 20/2013 đã được ban hành cách đây gần 10 năm, đến nay tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam cũng đã có nhiều biến đổi. Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) khuyến nghị ngưỡng giá trị giao dịch phải báo cáo là 15.000 USD (tương đương 375 triệu đồng) và cũng không khuyến nghị cụ thể đây là mức giá trị giao dịch bằng tiền mặt hoặc ngoại tệ tiền mặt một hay nhiều lần trong một ngày của khách hàng.

Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc định lượng một mức giao dịch phải báo cáo sát hơn nữa so với mức khuyến nghị của FATF và nên là mức cho một lần giao dịch trong ngày.

Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất giao dịch giá trị 300 triệu đồng phải báo cáo NHNN - Ảnh 1
Giao dịch lớn hớn 300 triệu đồng phải báo cáo là chưa phù hợp với thực tế phát triển và hoạt động giao dịch thanh toán hiện nay.

Đại diện Ngân hàng An Bình cũng cho rằng dự thảo đặt ra mức giá trị của giao dịch lớn phải báo cáo là 300 triệu đồng chưa phù hợp với thực tế phát triển và hoạt động giao dịch thanh toán hiện nay.

Thực tế việc đặt ra một ngưỡng giá trị giao dịch để thực hiện báo cáo liên quan đến công tác phòng chống rửa tiền là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, với mức giá trị là 300 triệu đồng so với hiện trạng sự phát triển kinh tế hiện nay ở Việt Nam chưa hoàn toàn phù hợp.

"Các đối tượng báo cáo phát sinh trong một ngày số lượng giao dịch có giá trị trên 300 triệu đồng rất lớn, đặc biệt khách hàng là tổ chức kinh tế, doanh nghiệp. Nếu đặt ra hạn mức như trên thì số lượng báo cáo phát sinh trong một ngày rất lớn", đại diện ngân hàng An Bình góp ý.

Đại diện ngân hàng khẳng định, mức giao dịch 300 triệu đồng không quá lớn và khả năng liên quan đến hoạt động rửa tiền không thực sự cao. Do đó cần phải xem xét lại nội dung này theo một trong 2 hướng: Thứ nhất, nâng cao hơn nữa mức giá trị giao dịch phải báo cáo để phản ánh đúng bản chất cũng như tình hình phát triển kinh tế hiện nay; thứ hai, không quy định nội dung này.

Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm

Trong hồ sơ gửi tới Bộ Tư pháp phục vụ công tác thẩm định, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo chuẩn mực của FATF, mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 15.000 USD tương đương 375 triệu đồng. Mức này, không phân biệt đối với tổ chức và cá nhân.

Theo Ngân hàng nhà nước, việc quy định mức 300 triệu đồng kế thừa từ Quyết định 20/2013, tuy thấp hơn mức của FATF nhưng sẽ đảm bảo chặt chẽ hơn so với khuyến nghị và có hiệu quả hơn trong công tác phòng chống rửa tiền.

Đáng chú ý, cùng với những lý do nói trên thì Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, quy định này góp phần hạn chế sử dụng, thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam, do vậy, cần tiếp tục quy định mức 300 triệu đồng như Dự thảo.

Cho ý kiến về quy định này, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, điều này phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường tài chính bền vững của Việt Nam.

Theo ông Thành, chống khủng bố, tham nhũng, rửa tiền là công cuộc mà tất cả các quốc gia đều quan tâm, Việt Nam cũng đặc biệt lưu ý. Đây cũng không phải là lần đầu chúng ta làm chuyện này. Những việc gắn với sự phát triển xã hội, làm trong sạch xã hội thì nên làm, đặc biệt trong giai đoạn các hoạt động rửa tiền đang gia tăng như hiện tại. Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra.

Không những thế, những quy định chặt chẽ trong Luật Phòng chống rửa tiền còn gắn liền với các cam kết quốc tế, phù hợp với các thông lệ quốc tế. “Trong bối cảnh chúng ta đang muốn xây dựng hệ thống các trung tâm tài chính trong đó có dòng tiền mang tính chất xuyên biên giới, tính chất toàn cầu thì nghị định này lại càng cần thiết để đáp ứng, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”, ông Thành nhấn mạnh.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Nhiều ý kiến trái chiều quanh đề xuất giao dịch giá trị 300 triệu đồng phải báo cáo NHNN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới