Chủ nhật, 24/11/2024 09:42 (GMT+7)
Thứ năm, 24/12/2020 09:35 (GMT+7)

Những bất cập trong quản lý và đầu tư phát triển hệ thống rừng đặc dụng

Theo dõi KTMT trên

Phát triển rừng đặc dụng đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên, chính sách quản lý và đầu tư phát triển hệ thống rừng đặc dụng vẫn tồn tại nhiều bất cập.

Mới đây, tại Hội thảo “Bảo tồn và phục hồi hệ thống rừng tự nhiên Việt Nam Tầm nhìn và các giải pháp chính sách” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức, các diễn giả tham dự sự kiện đã trao đổi về chính sách quản lý và đầu tư phát triển rừng tự nhiên trong hệ thống khu bảo vệ.

Trong đó, ông Lê Trọng Hải - Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ về chính sách quản lý vào đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng.

Theo ông Hải, rừng đặc dụng đóng vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái rừng Việt Nam với 2,15 triệu ha chiếm khoảng 15% được quản lý bởi 164 ban quản lý rừng đặc dụng. Trong thời gian vừa qua, mặc dù có nhiều chính sách đầu tư đối với rừng đặc dụng nhưng vẫn còn nhiều bất cập như thiếu hụt nguồn ngân sách thường xuyên và đầu tư…

Những bất cập trong quản lý và đầu tư phát triển hệ thống rừng đặc dụng - Ảnh 1

Nhiều ban quản lý rừng đặc dụng vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách (phần lớn là ngân sách địa phương), do không có khả năng tự chủ tài chính vì không có lợi thế tạo nguồn thu ngoài ngân sách. Không cân đối được ngân sách, nên mức độ ưu tiên đầu tư cho phát triển rừng thấp đã ảnh hưởng đến bảo vệ tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, xu thế thắt chặt đầu tư công, tinh giảm bộ máy, giảm chi cho các đơn vị sự nghiệp cũng là một thách thức. Tổ chức bộ máy quản lý, chức năng quyền hạn có sự chồng chéo giữa ban quản lý rừng đặc dụng, lực lượng kiểm lâm.

Ngoài ra, nhiều chính sách chưa phù hợp như định mức suất đầu tư, cơ chế cho thuê rừng, hướng dẫn tài chính từ chi trả dịch vụ môi trường rừng…, đã ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển rừng đặc dụng. Từ đó, đăt ra yêu cầu thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo Luật Lâm nghiệp, xây dựng chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn tới.

Ông Hải cho biết, dù Luật Lâm nghiệp, Thông tư 28 về phương án quản lý rừng bền vững đã có hiệu lực từ đầu 2019, tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ rất thấp được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Cụ thể, chỉ có 8% phương án đã được phê duyệt, 49% đang tiến hành xây dựng phương án và có đến 43% chưa xây dựng phương án vì thiếu nguồn kinh phí thuê tư vấn.

Tại đây, ông Hải cũng chỉ ra hàng loạt những vấn đề mà ban quản lý rừng đặc dụng đang gặp phải như: Nhà nước chưa đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư thường xuyên cho phát triển rừng đặc dụng; Dòng ngân sách chi không thường xuyên phải qua rất nhiều cơ quan chủ quản khác nhau; Hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách đầu tư của tỉnh, trong bối cảnh tỉnh chưa cân đối được ngân sách.

Các định mức đầu tư thấp hơn so với thực tế hiện nay; Mô hình quản lý rừng đặc dụng chưa thống nhất giữa các địa phương; Thiếu hụt nguồn vốn đầu tư phát triển rừng đặc dụng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu công, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; Đầu tư cho cải thiện sinh kế vùng đệm chưa thực sự đầy đủ để giảm áp lực lên rừng đặc dụng; Thiếu hụt nguồn nhân lực đảm bảo phát triển rừng bền vững trong đối cảnh lộ trình cắt giảm biên chế; Quản lý tài nguyên rừng gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực và tài chính; Thiếu nguồn ngân sách nhà nước cho bảo vệ phát triển rừng và đa dạng sinh học.

Từ những bất cập trên, ông Hải khuyến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm xây dựng trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đầu tư cho phát triển rừng đặc dụng nói riêng. Cơ chế chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng phải được đưa vào kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm hoặc 5 năm, đầu tư công trung hạn.

Đồng thời, cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách liên quan đến quản lý bền vững rừng đặc dụng, tạo điều kiện thúc đẩy huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Song Anh

Bạn đang đọc bài viết Những bất cập trong quản lý và đầu tư phát triển hệ thống rừng đặc dụng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới