Chủ nhật, 24/11/2024 05:27 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/08/2024 13:39 (GMT+7)

Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Đại lộ Thăng Long là tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, kết nối với các quận huyện khu vực phía Tây. Tuy nhiên, điệp khúc trên tuyến đường này cứ mưa là ngập đã diễn ra nhiều năm nay, ảnh hưởng tới môi trường và sinh kế của người dân.

Áp lực đô thị hóa

Trục đường Đại lộ Thăng Long dài 30 km, nối khu trung tâm Hà Nội với quốc lộ 21A cũ, nay là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh.

Đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch của thành phố, kết nối với các quận, huyện, thị xã ở phía Tây.

Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 1
Điểm đầu Đại lộ Thăng Long.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, một số huyện như Nam Từ Liêm, Hoài Đức đã hưởng lợi từ con đường từng được mệnh danh đẹp nhất Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian qua, cùng với áp lực an cư, các khu đô thị và chung cư dần dịch chuyển về khu vực phía Tây. Điển hình là trục Đại lộ Thăng Long với hàng loạt dự án lớn nhỏ.

Có thể kể tới một số dự án điển hình như: Khu đô thị Bắc An Khánh (Hoài Đức) với hơn 6.400 căn hộ chung cư, hơn 1.300 biệt thự, nhà liền kề; Dự án biệt thự Vườn Cam với hơn 600 lô biệt thự; An Lạc Green Symphony với 1200 biệt thự liền kề và 20 tòa chung cư cao hơn 20 tầng; Khu đô thị Nam An Khánh với hơn 1000 căn biệt thự, liền kề và shophouse; Dự án Hado Charm Villas với hơn 500 căn biệt thự đơn lập, song lập, liền kề; Dự án Lumi Hà Nội với 9 tòa tháp cao từ 29 đến 35 tầng, cung cấp ra thị trường 3.950 căn hộ cùng căn hộ duplex và penthouse; Loạt dự án của Vingroup như: Vinhomes Smart City với 98 lô biệt thự, 58 toà chung cư;  khu đô thị Vinhomes Green Bay; Vinhomes Green Villas. Ngoài ra, còn hàng loạt các dự án bất động sản được kết nối hoặc hưởng lợi từ Đại lộ Thăng Long.

Tuy vậy, hạ tầng giao thông khu vực này chưa thực sự được đầu tư xứng tầm. Đại lộ Thăng Long là tuyến đường được xây dựng nhằm chào mừng 1000 năm Thăng Long. Đến nay đã 14 năm trôi qua, cùng với tốc độ đô thị hóa, áp lực giao thông lên con đường này ngày càng lớn. Điển hình, đoạn đầu của tuyến đường gom từ hầm chui Trung Hòa tới điểm hầm chui vào đường Lê Trọng Tấn ở cả hai chiều, mật độ phương tiện rất đông. Chuyện ùn tắc đã xảy ra nhiều năm nay. Vừa qua khi Dự án đầu tư xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3, 5 với đường Đại lộ Thăng Long tiến hành thi công, tình trạng ùn tắc lại ngày càng trầm trọng.

Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 2
Cảnh ùn tắc trên đường gom Đại lộ Thăng Long

Áp lực từ hàng chục tòa chung cư, mỗi tòa 20-30 tầng và hàng loạt khu đô thị cao cấp đã và đang đè nặng lên hạ tầng, cơ sở vật chất của khu vực này. Sắp tới, khi một số dự án hoàn thiện và đi vào hoạt động, tình trạng này sẽ còn tiếp tục căng thẳng hơn. 

Ám ảnh ngập lụt

Không chỉ ùn tắc, tại đường gom Đại lộ Thăng Long, tình trạng úng ngập đã trở thành điệp khúc mỗi khi trời mưa.

Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 3
Cảnh ngập úng ở đường gom Đại lộ Thăng Long, ngày 23/8. Ảnh: Duy Khánh
Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 4
Ảnh: Duy Khánh
Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 5
Mưa lớn đã khiến rác thải trôi dạt, ảnh hưởng môi trường đô thị. Ảnh: Duy Khánh
Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 6
Người dân chật vật đi qua hầm chui bị ngập nước. Ảnh: Duy Khánh

Khu vực km số 8 (gần Thiên đường Bảo Sơn) tại đường gom Đại lộ Thăng Long là một trong những điểm thường xuyên ngập úng mỗi khi mưa lớn. Điểm ngập có khi sâu tới cả mét, các phương tiện không thể di chuyển.

Khu vực này là điểm đen ngập lụt của Hà Nội từ nhiều năm nay. Cứ sau mỗi đợt mưa lớn, đoạn đường này lại trở thành nỗi kinh hoàng với người dân di chuyển qua đây và những người sống trong khu vực.

Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 7
Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 8
Mặc dù đã cẩn thận gia cố (ảnh trên), nhưng nhà xưởng này vẫn bị nước tràn vào. Ảnh: Duy Khánh
Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 9
Khu vực nhà dân bị nước tràn vào gây ngập. Ảnh: Duy Khánh

Không những ảnh hưởng tới giao thông, việc thường xuyên ngập úng còn gây tác động tới môi trường của người dân sống xung quanh khu vực. 

Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 10
Hiện trạng đường gom Đại lộ Thăng Long xuống cấp, một phần do ngập úng thường xuyên. Ảnh: Duy Khánh
Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 11
Hàng dài phương tiện đứng chôn chân ngập úng, một số xe tải mới có thể đi qua. 
Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 12
Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội - Ảnh 13
Các phương tiện chết máy khi cố đi qua vùng ngập, sáng 23/8. Ảnh: Duy Khánh

Điều đặc biệt hơn, là xung quanh khu vực này, nhiều dự án đều nằm trong vùng báo động khi trời mưa, như: Chung cư Gemek Tower, Khu biệt thự Thiên Đường Bảo Sơn, khu đô thị Văn Quán, Khu đô thị Phú Lương, Khu đô thị Lê Trọng Tấn... và còn nhiều phân khúc bất động sản của hàng loạt dự án sắp mở bán tới đây, như: Kepler Land của CĐT TSQ Vietnam tại Hà Đông, Lumi Hanoi của Capitaland hay The Charm An Hưng của An Hưng… là những dự án nằm trong vùng "rốn ngập". Có thể nói, chưa bao giờ, khách hàng khi xuống tiền mua nhà lại phải nghiên cứu kỹ lưỡng về hạ tầng quy hoạch hệ thống cấp thoát nước nước như bây giờ, và càng các "ông lớn" bất động sản găn mác xu hướng "xanh", "sinh thái" thì lại càng phải thận trọng, cân nhắc hơn, bởi giá tiền bỏ ra không hề nhỏ.

Chia sẻ với báo chí về nguyên nhân khu phía Tây Hà Nội vẫn rơi vào tình trạng bị ngập nghiêm trọng, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, đầu tiên chắc chắn là do lượng mưa quá lớn.

Thứ hai là do hệ thống thoát nước mưa ở khu vực này hiện chưa giải quyết được cuối nguồn, tức là chưa liên kết được hạ tầng thoát nước của các khu đô thị với trục thoát nước chính bên ngoài. Trong khi đó, hệ thống thoát nước trục chính cũng chưa lắp đặt trạm bơm cuối nguồn nên không thoát nước kịp thời, đưa tới tình trạng mưa lớn là ngập nặng.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, thực tế cốt nền các khu đô thị phía Tây Hà Nội rất cao. Riêng nút giao giữa đường Lê Trọng Tấn - Đại lộ Thăng Long là khu vực có cốt thấp nhất khu vực, nhiều lần bị ngập. Do đó, thành phố đã lên phương án xây hầm ngầm và đào thêm hồ điều hòa để thoát nước. Ttheo lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội, nguyên nhân khu phía Tây ngập chủ yếu là do kênh La Khê (đoạn qua quận Hà Đông) chưa hoàn thành. Điều đó dẫn đến việc dù trạm bơm Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây nhưng chỉ vận hành chưa đến 40% công suất.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác còn do lòng sông Nhuệ bị bùn lấp đầy, ảnh hưởng đến dòng chảy. “Để phía Tây thoát cảnh ngập úng, ngoài việc sớm hoàn thành kênh La Khê, thành phố cần nạo vét để tạo dòng chảy cho sông Nhuệ”, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội nói.

Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội (gồm kênh dẫn nước La Khê và trạm bơm Yên Nghĩa) được khởi công từ cuối năm 2015 với tổng mức đầu tư 7.466 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2020, trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành với 10 tổ máy, công suất 120m3/giây. Tuy nhiên, dù trạm bơm đã đi vào hoạt động nhưng khu vực phía Tây gồm các quận huyện là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đan Phượng… vẫn chịu cảnh ngập úng. Nguyên nhân là do kênh La Khê chưa hoàn thành.

Giải pháp nào dứt điểm "combo" ngập, tắc?

Phía Tây Hà Nội bao gồm một số quận như Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm. Xa lõi trung tâm hơn là các huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai. Trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, nơi đây tiếp nhận nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ và các “ông lớn” BĐS, vươn mình trở thành trung tâm phát triển mới.

Dưới áp lực của sự gia tăng dân số, thành phố Hà Nội đã mở rộng địa giới hành chính và dần dịch chuyển các bộ, ban, ngành về phía Tây, nơi có quỹ đất rộng và chiếm giữ vị trí cửa ngõ quan trọng. Sau nhiều năm nỗ lực của Chính phủ, phía Tây đã vụt sáng trở thành một trung tâm hành chính - kinh tế mới.

Đặc biệt, khu vực quận Cầu Giấy - Nam Từ Liêm nay đã “hái quả ngọt” với sự hoàn thiện về quy hoạch hạ tầng, tập trung nhiều cơ quan, ban, ngành quan trọng như: Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng cục Hải quan… Hàng nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước như FPT, VNPT, Viettel, Mobifone, CMC cũng tập trung về khu vực này, kéo theo làn sóng chuyển dịch dân cư và số lượng văn phòng tăng cao.

Mới đây, phiên đấu giá xuyên đêm với mức giá cao nhất lên tới hơn 130 triệu đồng/ m2 ở Tiền Yên, Hoài Đức đã lần nữa khẳng định sức hút mãnh liệt của khu vực này trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, dự kiến đến năm 2025 Hoài Đức sẽ từ huyện lên quận thì bài toán đặt ra là vấn đề về quy hoạch để thoát khỏi "combo" ùn tắc - ngập úng cần sớm có lời giải để tránh những hệ lụy về kinh tế, môi trường, xã hội.

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Luật Đất đai mới là cơ sở để hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực này. Theo đó, trước hết phải hoàn thiện quy hoạch không gian ngầm khu vực, từ đó tạo sự liên kết với trục thoát nước chính trong khu vực, xác định vị trí đào hồ điều hòa để thoát nước. 

Chia sẻ với báo giới mới đây, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, các đô thị mới sẽ còn xảy ra tình trạng ngập úng. Theo ông Tùng, các khu đô thị phía Tây Hà Nội, dọc đại lộ Thăng Long, theo vị Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Các khu đô thị tại đây là xây dựng trên nền đất trũng vốn là ao hồ và ruộng lúa chứ không phải đất đô thị. Cho nên đây là một bài học phải rất trả giá khi chúng ta nóng vội trong các quy hoạch thiếu kiểm soát trong thực hiện các quy hoạch. Chưa kể việc hiện nay đường ống thoát nước của Hà Nội không theo kịp sự phát triển của đô thị.

“Nó phải ngập vì chính cách làm quy hoạch của chúng ta. Trong quy hoạch của chúng ta đều có cốt nền nhưng trong thực tế thực hiện không bao giờ làm đúng cốt nền. Thứ hai là các khu đô thị đều không quan tâm đến hạ tầng đến thoát nước giữa khu đô thị với thoát nước chung. Hầu như khu đô thị không có bơm tăng áp để đưa nước từ vùng thấp hòa cùng với cấp nước của thành phố. Thứ ba là hiện nay các khu đô thị của chúng ta là những mảnh vỡ không kết nối với nhau. Hầu hết các khu đô thị không kết nối với nhau trong hạ tầng đô thị. Các khu đô thị không có liên kết không có hồ điều hòa. Ở các nước người ta làm các khu đô thị phải có sự liên kết có hồ điều hòa. Ở đây chúng ta mất đi hồ điều hòa” – ông Tùng phân tích.

“Nó ngập rồi và còn ngập nữa. Nếu chúng ta cứ để nó ngập như thế thì nó sẽ làm biến đổi địa tầng tức bản đồ địa tầng sẽ bị thay đổi bởi úng ngập lâu quá như vậy nó sẽ dân đến khả năng sụt lún các công trình về lâu dài là sẽ có. Nó làm phá hỏng những hạ tầng cơ sở của chúng ta. Nó làm cho an sinh xã hội ở đó bị đảo lộn. Đây là vấn đề mà Hà Nội phải nhìn nhận giải quyết một cách khoa học ” – ông Tùng nhấn mạnh.

Do vậy, có ý kiến cho rằng, giải bài toán ngập úng, ùn tắc không chỉ bắt nguồn từ cơ quan quản lý Nhà nước, mà cần cả sự chung tay của chính các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia. Đó là đấu nối hệ thống giao thông, cấp thoát nước và cảnh quan đồng bộ với hệ thống do Nhà nước đầu tư. Ngoài ra, chủ đầu tư và địa phương cần phối hợp chặt chẽ để tính toán đầy đủ các tác động của dự án, điển hình như lượng dân cư lấp đầy tòa nhà, khu đô thị sẽ gây áp lực giao thông ra sao, an sinh xã hội thế nào, ảnh hưởng tiêu cực, tích cực đến môi trường, cảnh quan.... để từ đó có biện pháp xử lý ngay từ đầu, tránh những hệ lụy về sau. Bài học về công tác quy hoạch ở Hà Nội vốn đã có nhiều, như dọc đường Lê Văn Lương - Lê Trọng Tấn, hàng chục tòa cao ốc mọc lên sát mặt đường đã tạo nên áp lực giao thông khổng lồ mà tới nay vẫn chưa thể giải quyết. 

Khu vực phía Tây Hà Nội hiện là "ngôi sao đang lên" trong lĩnh vực bất động sản nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Tuy vậy, khu vực này vẫn còn nhiều không gian "mở", quỹ đất lớn, dân số đông. Do đó, ngay từ bây giờ, cần thiết phải xem lại vấn đề quy hoạch khu vực, có tính chất liên quận huyện, đồng bộ với quy hoạch thành phố để miền đất này "cất cánh an toàn, bền vững".

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Những dự án trong "rốn ngập" và kiến giải áp lực đô thị hóa cho quy hoạch hạ tầng phía Tây Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới